Khẩu trang thời Covid-19: 'Sóng ngầm' trong dịch

'Họa trung hữu phúc' - (trong Họa có phúc). Câu xưa đang đúng với những nhà sản xuất khẩu trang y tế (KTYT) nội địa trong mùa dịch bệnh Covid-19, khi mà các dây chuyền ép nhiệt ngày đêm chạy hết công suất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhưng, “nóng” hơn nhiệt độ băng chuyền, lại là chuyện tư thương được treo giá cực cao nếu “xuất ngược” qua biên giới những dây chuyền làm KTYT, hay việc làm giả các sản phẩm phòng dịch... Có những đợt “sóng ngầm” đang xô bên ngoài mảnh vải che miệng, mà phóng viên chuyên đề ANTG ghi lại được trong quá trình thâm nhập hoạt động sản xuất, thương mại mặt hàng khẩu trang những ngày qua.

Xua tay đuổi việc

Vô tình tôi bị cuốn vào nhiệm vụ săn tìm nhà sản xuất 15 triệu KTYT cho một người bạn, chỉ vì các đơn vị có dây chuyền ép nhiệt để sản xuất mặt hàng này có giấy phép của Bộ Y tế đã “làm ngơ” trước đơn hàng hấp dẫn của anh. Từ đây bắt đầu những ngày chúng tôi “kích hoạt” các mối quan hệ khá phong phú trong Nam, ngoài Bắc, thâm nhập các cơ sở sản xuất và lắng nghe những câu chuyện bên lề thị trường sản phẩm này.

Có thể nói con số người bị lây nhiễm dịch bệnh và tử vong hằng ngày tại Trung Quốc đang tỷ lệ thuận với nỗi lo lắng của cộng đồng xã hội. Mảnh vải nhỏ che miệng để hạn chế sự xâm nhập độc hại từ bên ngoài vào cơ thể đang trở thành điểm tựa an toàn trong tâm lý đám đông. Cầu quá lớn đang gây sức ép lên cung. Ngay khi nhận lời thỉnh cầu hỗ trợ từ người bạn, tôi đã gọi ngay cho Kim Hồng - một nhà môi giới rất quảng giao tại TP Hồ Chí Minh.

 Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế.

Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế.

Sau vài ngày “tuần thám” khắp các cơ sở dệt may, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất KTYT, Hồng gọi lại với giọng buồn bã: “Không còn một dây chuyền nào rỗi. Tất cả các đơn vị đã “full” (đầy ắp) các đơn hàng từ Bộ Y tế, các cơ quan Chính phủ. Người của Bộ Y tế hằng ngày giám sát việc xuất xưởng. Hàng ra đến đâu, đóng gói chuyển đi tới đó. Đừng nói tới chuyện “nối bản” hay găm hàng để bán ra thị trường với giá cao. Thậm chí, đám giang hồ, tóc xanh tóc đỏ cũng được thuê chầu chực canh xưởng 24/24, để đảm bảo không có thùng hàng nào lọt ra ngoài. Hết cách anh ạ!”.

Kiểm tra chéo qua các kênh khác, cũng một “đáp số” như Kim Hồng thông báo. Không chịu “thúc thủ”, tôi cùng anh bạn thông qua các mối lái, đã tiếp cận những cơ sở sản xuất khẩu trang tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội...

Tuấn, một giám đốc doanh nghiệp dệt may cỡ vừa tại Thái Bình không giấu được vẻ “sang chảnh” của ông chủ đang dày đặc những đơn hàng, nói với tôi với cái giọng tưng tửng: “Giờ này mà các anh tìm dây chuyền làm KTYT còn rỗi để đặt hàng thì chỉ có nằm mơ. Doanh nghiệp tất nhiên là thích tiền, đơn hàng các anh rất lớn, giá tốt nhưng mời các anh về cho!”.

Hỏi lý do “đuổi” thì Tuấn nói tiếp, lần này lời lẽ có vẻ chỉn chu hơn: “Chúng tôi đang ngập đầu với các đơn hàng từ trước, không thể dừng lại. Vì lẽ đó là bạn hàng truyền thống, làm ăn với nhau phải giữ chữ tín. Thêm nữa, chậm giao hàng theo tiến độ sẽ bị phạt hợp đồng, rồi mất uy tín, mất mối hàng. So cái được trước mắt nếu bắt tay với các anh với mối hại lâu dài khi mất bạn hàng, chẳng ai dại gì mà tham bát bỏ mâm. Nay mai dịch hết, khách cũng mất thì doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa!”.

Với cách nghĩ ấy, con số hơn 17 tỷ đồng của đơn hàng mà chúng tôi chào cũng chỉ nhận được từ Tuấn mấy cái chớp mắt! Nhìn dây chuyền sản xuất khẩu trang của Tuấn đang chạy rầm rầm ngày đêm, công nhân tíu tít, luôn tay trong từng công đoạn ép, dập, cắt, luồn quai..., mới thấy thật khó chen ngang công việc của anh ta vào lúc này.

“Sóng ngầm” trong dịch

Thông qua một trung gian khác, chúng tôi gặp Khánh Hường - một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội với cái miệng đon đả nhưng chao chát kiểu “con buôn”. Hỏi ra thì đúng là Hường có nhà máy may nhưng nghề buôn mới là công việc ưa thích và mang về cho chị ta khoản thu nhập khủng.

Nhiều năm sang Trung Quốc nhập vải, dây chuyền sản xuất KTYT về Việt Nam và đẩy đi kiếm chênh lệch giá, Hường tỏ ra rất am tường, nhạy bén với mọi “hơi thở” của thị trường khẩu trang thời điểm hiện tại. Tin nóng nhất mà tôi được nghe, đó là tư thương đang săn tìm những dây chuyền ép nhiệt làm KTYT (thường là mua của Trung Quốc trước đây), để bán lại cho dân buôn nước này với giá cao gấp 5-7 lần so với giá mua vào. Hỏi sâu thêm thông tin thì Hường cười bí hiểm, từ chối câu trả lời.

Tôi bất giác nghĩ tới một khả năng xấu. Nếu ham lợi ích trước mắt mà vào lúc này người Việt bán đi những dây chuyền làm KTYT hiện có, ngộ nhỡ tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp thì biết làm thế nào? Chuyện thương lái Trung Quốc thu mua mặt hàng KTYT với giá cao để đưa về nước đã bị phát hiện, báo hiệu những vận động ngầm đang diễn ra trên thị trường này.

Một vấn đề khá nan giải hiện nay liên quan đến chiếc KTYT đó là mối lo hết nguyên liệu sản xuất và hiện tượng thu mua nguyên liệu để “xuất ngược”.

Chị Hường cho biết: “KTYT làm bằng vải không dệt, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Hiện nay nhiều nơi bên đó thực hiện “phong thành” - đóng cửa thành phố, nhà máy, xí nghiệp để phòng dịch bệnh lây lan. Vì cấm tập trung đông người nên các nhà máy dệt hầu như không có công nhân. Sản xuất đình trệ nên không có sản phẩm. Hơn nữa, nhu cầu khẩu trang cho thị trường hơn 1 tỷ 400 triệu dân dùng hằng ngày là đặc biệt lớn.

Năng lực cung ứng thị trường nội địa còn không đủ, lấy đâu ra vải nguyên liệu làm KTYT mà xuất sang ta. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước mối lo hết nguyên liệu vì các dây chuyền đang chạy hết công suất vào thời điểm hiện nay. Còn nữa, mấy tuần nay giới tư thương đang dò hỏi, tìm mua nguyên liệu vải không dệt để “xuất ngược”.

Cũng bởi lý do KTYT bên Trung Quốc đang “cháy hàng”. Vì không có vải từ các nhà máy ngay trong nước, nên các cơ sở sản xuất KTYT của họ đang thu mua với giá cao loại vải này”.

Về tình hình thị trường sản phẩm KTYT hiện nay, ông Vũ Tiến Quân - phó giám đốc một đơn vị dệt may tại Hà Nội kể với tôi: “Ngày hôm nay (19/2), mỗi hộp KTYT 50 chiếc giao dịch trên thị trường chợ đen có giá 400 nghìn đồng, tính ra 8 nghìn đồng/chiếc. Trong khi trước dịch Covid-19, giá bán mỗi hộp KTYT cùng số lượng, chủng loại chỉ từ 35-50 ngàn/hộp. Dù hoạt động kiểm soát khâu sản xuất, phân phối sản phẩm KTYT tại các đơn vị được Bộ Y tế cấp phép rất gắt gao nhưng bằng cách nào đó, sản phẩm vẫn tuồn ra thị trường ngầm với giá “trên trời”.

Tôi nghĩ hiện có nhiều cơ sở sản xuất chui. Vụ triệt phá cơ sở sản xuất khẩu trang giả lõi giấy vệ sinh tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) mới đây là một minh chứng”.

Theo ông Quân, lý do khan hàng và giá bán KTYT tăng đến mức “ngất ngưởng”, bên cạnh tác động của tâm lý đám đông đổ xô đi mua mặt hàng này, hay cánh tư thương đầu cơ tích trữ... thì còn do hoạt động xuất khẩu. Ông cho biết hiện tượng dân buôn thu gom hàng rồi xuất lậu qua biên giới bằng đường mòn, lối mở đang diễn ra khá sôi động. Điều ông Quân phân tích đúng như những gì vừa diễn ra.

Ngày 2/2, trong quá trình kiểm tra, giám sát tại khu vực cửa khẩu, tổ kiểm soát chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh phát hiện vụ vận chuyển lậu qua biên giới 11.050 chiếc KTYT sang Trung Quốc.

Tiếp đến, ngày 4/2, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Lào Cai) đã bắt giữ 2 vụ xuất lậu KTYT với tang vật thu giữ hơn 26 nghìn chiếc tại khu vực bờ kè sông Nậm Thi (thuộc tổ 10, phường Lào Cai, TP Lào Cai). Toàn bộ số khẩu trang nói trên được các đối tượng định xuất lậu sang Trung Quốc.

Vẫn theo ông Quân, nếu mặt hàng KTYT có đầy đủ hóa đơn, chứng từ... thì có thể đàng hoàng xuất ra nước ngoài. Đó là tinh thần của văn bản Tổng cục Hải quan trả lời Đại sứ quán Trung Quốc.

Theo đó, mặt hàng KTYT có đủ giấy tờ theo quy định khi xuất khẩu không phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Trên thực tế, từ ngày 1-1 đến ngày 3-2, các đơn vị hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan sang thị trường Trung Quốc cho 15 bộ tờ khai với số lượng 3.970.000 chiếc KTYT, trị giá 92.137 USD.

Giải pháp thay thế hiệu quả

Trong lúc mặt hàng KTYT khan hiếm thì người dân dường như vẫn “lạnh nhạt” với mặt hàng khẩu trang vải. Trong khi nếu sản phẩm này được may ở giữa lớp lót vải kháng khuẩn nano bạc thì công năng phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường sống vào cơ thể con người là rất cao.

Dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn nano bạc.

Dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn nano bạc.

Dung dịch nano bạc là thành tựu nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung và các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Sản phẩm này được đánh giá có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính kháng, khử khuẩn rất mạnh, nhất là có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định. Khi phủ dung dịch nano bạc lên bề mặt vải, sẽ tạo ra một loại vải kháng khuẩn dùng trong sản xuất khẩu trang.

Trên thực tế, sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn nano bạc qua kiểm tra đã chứng minh được khả năng tiêu diệt vi khuẩn trên màng lọc. Chính vì vậy mà sản phẩm này đã vượt qua hàng loạt dự án khác, trở thành ứng viên sáng giá trong một dự án đầu tư về bảo vệ môi trường của một tổ chức phi chính phủ Vương quốc Bỉ.

Chị Nga - trưởng phòng kinh doanh một công ty dệt may tại Hải Phòng phân tích về giá của mặt hàng khẩu trang nano so sánh với KTYT: “Chi phí để sản xuất khẩu trang vải 3 lớp, trong đó có một lớp vải nano, cũng chỉ khoảng 7-8 nghìn đồng/ chiếc. Ưu điểm là có thể dùng nhiều lần nếu giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ. Trong khi mỗi chiếc KTYT dùng một lần có giá khoảng 3 nghìn đồng. Rõ ràng là khẩu trang vải nano bạc ưu việt hơn về giá trị kinh tế vì công năng sử dụng nhiều lần. Điều quan trọng là vải may loại khẩu trang này không phải nguyên liệu “đặc chủng” nhập từ nguồn Trung Quốc hiện đã “đóng băng”.

Với ưu điểm nguồn nguyên liệu trong nước tự túc được, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này, tôi nghĩ các ngành chức năng nên khuyến cáo người dân dùng sản phẩm khẩu trang nano bạc tự sản xuất. So sánh về khả năng kháng khuẩn, tôi nghĩ loại này có lẽ còn tốt hơn KTYT”.

Nói về năng lực sản xuất loại khẩu trang vải nano bạc tại Việt Nam trong thời điểm này, ông Quân tự tin cho biết: “Với dây chuyền và số lượng nhân công hiện có, nhà máy chúng tôi có thể sản xuất đơn hàng khẩu trang nano bạc vài triệu chiếc trong tầm chục ngày. Năng lực sản xuất trong nước là rất lớn. Vấn đề là nhà nước ta cần có những hành động định hướng nhu cầu và thị trường. Vừa khai thác được nguồn lực trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết tốt bài toán nguyên liệu, vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng để giúp người dân ứng phó hiệu quả với nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19”.

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nong-chuyen-khau-trang-thoi-covid-19-582959/