Khẩu trang y tế vẫn khan hiếm
Nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế (KTYT) tăng đột biến trong khi thị trường không có hàng để bán. Nguyên nhân do đâu?
Không mua được
Gần như tất cả các nhà thuốc trong tỉnh đều không có KTYT để bán. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 và số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết qua kiểm tra, rà soát đã nhiều ngày qua các nhà thuốc ở TP Hải Dương, TP Chí Linh và huyện Nam Sách không có KTYT bán.
Một số nhà thuốc ở huyện Tứ Kỳ cũng trong tình trạng tương tự. Đội kiểm tra liên ngành của huyện cũng vừa kiểm tra, rà soát tình hình buôn bán KTYT trên địa bàn nhưng hầu hết các nhà thuốc không còn KTYT.
Thực trạng trên dẫn đến nhiều người dân không mua được KTYT để sử dụng. Bà Nguyễn Thị Bích ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) than thở cháu bà bắt đầu quay trở lại trường học, bà muốn mua KTYT cho cháu đeo khi đến trường nhưng không mua được.
Nhiều ngày nay nhân viên một phòng khám trên đường Quang Trung (TP Hải Dương) cũng không có đủ KTYT để dùng và phát cho người đến khám bệnh.
Tại một số Trung tâm Y tế tuyến huyện, các cán bộ, nhân viên y tế phải dùng KTYT hằng ngày mà lúc có, lúc không. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Nam Sách cho biết cán bộ, nhân viên của đơn vị mỗi tuần được phát 3-5 cái/người tùy thời điểm có nhiều KTYT hay không. Trung tâm đã liên hệ với nhiều tổ chức, cá nhân nhưng không mua được. Ngay cả việc trung tâm được phân bổ KTYT để phục vụ công việc nhưng đến nay vẫn "nằm trên giấy". Người này cho biết cũng đang dùng khẩu trang vải để thay KTYT.
Một số doanh nghiệp đang khuyến khích công nhân tự may khẩu trang vải để dùng. Có những doanh nghiệp may cũng chuyển sang sản xuất khẩu trang vải để công nhân sử dụng và bán ra thị trường.
Nhiều người thắc mắc KTYT khan hiếm nhưng vẫn có các tổ chức, cá nhân phát miễn phí, nguồn này lấy ở đâu? Việc này được thực hiện rầm rộ trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, còn hiện rất ít tổ chức, cá nhân phát miễn phí vì không mua được KTYT. Một số đơn vị phát KTYT miễn phí nhưng số lượng rất ít. Một số tổ chức phát khẩu trang vải miễn phí.
Thiếu nguồn cung
Theo đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), qua rà soát cùng với các cơ quan liên quan, trong tỉnh không có doanh nghiệp nào sản xuất KTYT. Nếu có theo phản ánh của người dân thì chỉ là một số cá nhân không đăng ký kinh doanh và làm nhỏ lẻ, mặt hàng không được kiểm duyệt. Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước chỉ có 39 doanh nghiệp sản xuất KTYT, tập trung nhiều ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Việc khan hiếm KTYT hiện nay do nhiều nguyên nhân. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, nhu cầu dùng KTYT chỉ tập trung ở các cơ sở y tế nên các doanh nghiệp đáp ứng được. Nhưng thời điểm này, nhu cầu của thị trường quá lớn.
Ngày 6.2, Sở Công thương đã có công văn thông báo về việc các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký mua khẩu trang kháng khuẩn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, do không lường trước được nhu cầu quá lớn nên tập đoàn không sản xuất kịp. Nhiều người gọi đến số điện thoại của tập đoàn này đều không liên lạc được.
Một thực tế khác là nguồn nguyên liệu để sản xuất KTYT cũng khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu sản xuất do phần lớn phải lấy từ Trung Quốc. Nếu nhập nguyên liệu từ các nước khác thì giá cũng rất cao. Theo một số chủ nhà thuốc, họ không nhập KTYT về bán vì giá cao. Nếu nhập giá cao phải bán giá cao, lúc đó sẽ bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Mặt khác, các đại lý cũng báo không có hàng.
Trung Quốc là tâm dịch của thế giới nên nhu cầu mua KTYT rất nhiều, giá bán cao. Vì lợi nhuận, một số người mua KTYT trong nước để xuất lậu sang Trung Quốc, dẫn tới thị trường trong nước càng thiếu.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thi-truong/khau-trang-y-te-van-khan-hiem-129804