Khen thưởng đối với kinh tế tư nhân - tạo sức bật cho Nhà nước

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu 'Nghệ sĩ Nhân dân', 'Nghệ sĩ Ưu tú'.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) góp ý kiến về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quang Vinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) góp ý kiến về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quang Vinh.

Bổ sung quy định khen thưởng ở khu vực kinh tế tư nhân

Liên quan đến 8 điểm mới của dự thảo luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Việc sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Theo đó, 1 trong 8 điểm mới liên quan đến giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học. Bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ), việc dự thảo luật bổ sung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân góp phần khuyến khích động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phát huy công tác thi đua khen thưởng trong các hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng lao động, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Đồng tình, các đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) và Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo bà Sửu, 8 điểm mới của dự thảo luật lần này trong đó có khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân là tạo sức bật cho Nhà nước, hoàn thiện luật pháp về thi đua khen thưởng quốc gia, thể hiện rõ nguyên tắc thi đua với khen thưởng, phong trào thi đua thiết thực hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng cụ thể, tổng thể và toàn diện về quy mô lẫn đối tượng, tích hợp khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Mở rộng đối tượng được xét danh hiệu nghệ sĩ

Về danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” (Điều 66), đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Theo ông Thái, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cần được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Ông Thái cho rằng, phương án này được đông đảo văn nghệ sĩ thực sự trông mong, giúp xóa đi sự phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

“Sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sĩ tiếp tục lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn” - ông Thái nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho các nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị, ban soạn thảo cần đưa vào trong luật danh hiệu “Kiến trúc sư nhân dân”, “Kiến trúc sư ưu tú” hoặc phong tặng là “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

“Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa”- bà Đông nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Có phương án phù hợp về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân”

Cùng ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo bà Trà, dự thảo luật gồm 7 Chương, 74 điều, trong đó có các điểm mới gồm: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân. Đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Làm sao giảm thiểu hậu quả do bạo lực gia đình gây ra

Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo ông Hùng, nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính.

Theo đó, chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo luật gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Ông Hùng cho biết, luật sửa đổi, bổ sung quy định về “Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình”. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phòng ngừa chủ động, giảm thiểu hậu quả do bạo lực gia đình gây ra thông qua việc kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm về bí mật đời tư, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình; nâng cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức và người đứng đầu; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khen-thuong-doi-voi-kinh-te-tu-nhan--tao-suc-bat-cho-nha-nuoc-5687483.html