'Khen thưởng là phải thực chất, khắc phục triệt để tính hình thức'

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều cho rằng, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần phải khắc phục triệt để tính hình thức. Thủ tục khen thưởng tránh rườm rà, nếu ngay cả thủ tục cũng mang tính hình thức thì kết quả… cũng chỉ là hình thức!

Nhằm chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, việc khen thưởng hiện nay còn mang nặng tính hình thức, cần khắc phục vấn đề này.

Tại buổi góp ý, một số ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi này, Luật Thi đua khen thưởng cần quan tâm hơn đến các đối tượng là nông dân, công nhân, người lao động của các doanh nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu về khen thưởng là rất nhiều và bằng nhiều hình thức. Điều 80 của dự án Luật có quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức khen thưởng khác.

Tuy nhiên tại Điều 8 về Hình thức khen thưởng thì chỉ quy định 7 hình thức khen thưởng mà không có điều khoản về hình thức khen thưởng khác. Do vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh cho có sự thống nhất giữa Điều 8 và Điều 80 của dự thảo Luật này.

Xung quanh các nội dung của dự án Luật, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận: “Trước hết, phải nói rằng, vào năm 2003, khi Luật Thi đua, khen thưởng ra đời, ưu điểm lớn nhất là khơi dậy thi đua trở thành văn hóa trong mọi hoạt động của xã hội ở nước ta. Trước kia, cũng đã có thời kỳ chúng ta đẩy mạnh thi đua, nhưng sau đó, các phong trào lại gần như bị “mờ nhạt”. Khi Luật Thi đua, khen thưởng ra đời đã khơi dậy điều đó rất tốt, nội dung thi đua, đối tượng thi đua cũng được đề cập cụ thể hơn và mang lại những hiệu quả thiết thực hơn”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, sau nhiều năm thực hiện, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, đến nay, Luật Thi đua, khen thưởng cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần sửa đổi theo hướng đi vào thực chất, khắc phục triệt để tính hình thức.

"Mục đích của thi đua là để tăng trưởng, tiến bộ và phát triển xã hội. Vì thế, vấn đề khen thưởng là phải thực chất, khắc phục triệt để tính hình thức", PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều phân tích: “Một trong những vấn đề còn tồn tại, hình thức hóa trong thi đua mà chúng ta dễ thấy, đó là bình bầu, xếp hạng, cho điểm một cách ước lệ. Nếu như thủ tục làm quá rườm rà hoặc hình thức ngay từ khâu thủ tục thì kết quả cũng chỉ mang lại tính hình thức. Thứ hai, tôi cho rằng, chúng ta không nên “cào bằng” trong thi đua, giao chỉ tiêu thi đua không sát… Hoặc, vẫn có hiện tượng ở một số đơn vị cấp cơ sở thì thường là lãnh đạo, người phụ trách hay “chiếm” hết các danh hiệu thi đua; dù bầu danh hiệu gì thì lãnh đạo cũng có “tên” trong đó. Thế nhưng có thực chất thế không? Tập thể anh em trong đơn vị có làm tốt thì đơn vị mới đạt được những hiệu quả đó chứ, đâu phải mình lãnh đạo? Phải tạo ra môi trường khách quan trong bình bầu... Đó là những cái cần khắc phục”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh, đến một giai đoạn mới như hiện nay thì vấn đề sửa Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khen-thuong-la-phai-thuc-chat-khac-phuc-triet-de-tinh-hinh-thuc-post160253.html