Khéo co mới ấm

Vụ việc các cầu thủ Thanh Hóa khiếu nại và dọa đình công để đòi nhận lương, thưởng, tiền lót tay lên đến gần 20 tỷ đồng một lần nữa bộc lộ vấn đề khó khăn của bóng đá Việt Nam gần như chưa có giải pháp cụ thể nào để tạo ra sự ổn định về tài chính trong đời sống của V-League, giải đấu có tính nền tảng của làng cầu Việt Nam.

Sau niềm vui chiến thắng Cúp quốc gia là ... kiệt sức vì tiền. Ảnh VPF

Sau niềm vui chiến thắng Cúp quốc gia là ... kiệt sức vì tiền. Ảnh VPF

Hãy khoan bàn chuyện vụ việc này sẽ được giải quyết ra sao, nhưng phản ứng đầu tiên của lãnh đạo CLB Thanh Hóa, là … than. Ông Cao Hoàng Đức, giám đốc điều hành, nói như …nếu: “Chúng tôi rất khó khăn. Chúng tôi cần thêm sự sẻ chia. Nhiệm vụ giữ bóng đá đỉnh cao cho Tỉnh khiến chúng tôi mệt mỏi, kiệt sức trong bối cảnh khó khăn trong việc tìm nguồn thu”.

Đó là sự thật. Làm bóng đá đỉnh cao chưa bao giờ dễ dàng, ngay cả với các quốc gia hàng đầu. Ví dụ như ở châu Âu, kể cả khi có Luật công bằng tài chính nhằm tránh cho các CLB nhỏ không kiệt sức trong cuộc đua tiền với những ‘đại gia” thì thực tế tình hình tài chính vẫn rất ảm đạm, không ít CLB nổi tiếng như Parma (Serie A) hay Deportivo (La Liga) phải xuống hạng do không đáp ứng được yêu cầu về ngân sách hoạt động. Tại Việt Nam, đội bóng lừng danh một thời gian Đồng Tâm Long An cũng đã được doanh nghiệp trả lại cho địa phương khi không giải được bài toán khoảng 25 tỷ đồng mỗi mùa để hoạt động. Riêng đội Khánh Hòa, một trong những nơi có truyền thống bóng đá, thì trong 3 lần xuống hạng gần nhất có đến 2 lần xuất phát từ việc thiếu tiền.

Nói đi cũng phải nói lại, với những nơi không có truyền thống, thì việc có hay không có một CLB chuyên nghiệp chẳng phải là vấn đề lớn. Nhưng áp lực đối với các địa phương mà bóng đá là một phần của đời sống xã hội thì thật sự lớn. Đơn cử như Thanh Hóa, họ tham gia bóng đá từ thập niên 1980 đến nay, đã 4 lần xuống hạng, 3 lần chuyển đổi hoặc “mua suất” để được trụ lại V-League nhằm để hoàn thành khao khát vô địch quốc gia. Càng cố gắng, càng kiệt sức trong khi chức vô địch đầu tiên vẫn chưa đến dù 2 mùa giải gần nhất Thanh Hóa đã đoạt cúp quốc gia.

Như vậy, với những đội bóng như Thanh Hóa, Hải Phòng …vấn đề không phải là làm bóng đá chuyên nghiệp hay không, mà là làm như thế nào. Việc đặt ra những tham vọng quá lớn sẽ không phải là lựa chọn đúng đắn. Đằng nào cũng phải duy trì đội bóng để đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ, thì việc đầu tiên là cần tạo được tính bền vững. Có câu “Khéo co thì ấm”, vẫn còn những giải pháp như tận dụng nguồn cầu thủ địa phương, tập trung cho khâu đào tạo để giảm chi phí chuyển nhượng, giáo dục cầu thủ thi đấu trên tinh thần phục vụ khán giả thay vì chỉ ra sân chiến thắng vì tiền thưởng … đó chính là giải pháp lâu bền thay vì cố gắng “chạy tiền” để rồi cảm thấy mệt mỏi.

HỒ VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kheo-co-moi-am-post753141.html