Khéo léo trong giáo dục nhân cách, hướng học trò đến điều tốt đẹp
Nhiều trường học tại Thanh Hóa đã áp dụng linh hoạt và khéo léo các hình thức giáo dục nhân cách, giới tính cho học sinh (HS). Từ đó, hướng các trò đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
GD&TĐ - Nhiều trường học tại Thanh Hóa đã áp dụng linh hoạt và khéo léo các hình thức giáo dục nhân cách, giới tính cho học sinh (HS). Từ đó, hướng các trò đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Không chỉ lồng ghép vào môn học
Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) thuộc huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với tỷ lệ HS là con em dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 60%.
Bởi vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) để tránh xa bạo lực học đường, xâm hại tình dục,... luôn được Ban giám hiệu (BGH) nhà trường quan tâm chú trọng.
Trước đây, khi dịch bệnh Covd-19 chưa xảy ra hoặc chưa diễn biến phức tạp, các hoạt động tuyên truyền được tiến hành kịp thời ngay từ đầu năm học mới. Đặc biệt, nhà trường cũng nhận định đây là hoạt động thường niên theo chủ đề, chủ điểm.
“Vào sáng thứ Hai hàng tuần, Đoàn trường sẽ sân khấu hóa các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm. Chẳng hạn, nhà trường tuyên truyền đến các em về chủ đề an toàn giao thông lồng ghép với phòng, chống bạo lực học đường,...
Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục cho HS những kỹ năng phòng tránh tác hại của nó”, thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc cho biết.
“Ban nề nếp không chỉ sâu sát trong trường, mà còn cả khu vực xung quanh trường. Hàng ngày, Ban nề nếp sẽ phối hợp với bảo vệ tổ chức đưa, đón HS ngay tại cổng trường. Bởi vậy, các em luôn cảm thấy được bảo vệ mỗi khi đến trường.
Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt vào thứ Bảy hàng tuần, nhà trường cũng quán triệt cho giáo viên hướng dẫn HS cách sử dụng mạng xã hội an toàn. Từ đó, sàng lọc những thông tin không chính xác trên mạng xã hội”, thầy Liêm nói.
Theo thầy Liêm, một trong những thuận lợi của nhà trường khi triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống là luôn được HS và phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.
Để nâng cao nhận thức của học trò, nhà trường còn thành lập Ban nề nếp. Đồng thời, thường xuyên lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho HS vào các môn học phù hợp như Giáo dục công dân, Ngữ văn,…
Mặc dù, HS rất hưởng ứng các phong trào của nhà trường, song nhiều em vẫn còn tâm lý tự ti, ít cởi mở. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục trước đây của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.
“Vì vậy, nhà trường đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý ở mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản để giúp các em tháo gỡ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc”, thầy Liêm chia sẻ.
Đặc biệt, song song với giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, Trường THPT Ngọc Lặc cũng đã và đang đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Yêu thương – an toàn – tôn trọng và trách nhiệm.
Bởi, thầy Liêm cho rằng khi mỗi thầy, cô và HS có trách nhiệm cũng đồng nghĩa sẽ yêu trường, yêu lớp hơn. Từ đó, sẽ tích cực và năng nổ trong các phong trào, góp phần xây dựng trường học thân thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo dục theo cách linh hoạt và khéo léo
Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS cũng hết sức đặc biệt.
Bởi, HS của nhà trường gần như 100% là con em người dân tộc thiểu số. Vì vậy, mọi phong trào, hoạt động luôn có sự tham gia đồng bộ từ Đoàn Thanh niên, bộ phận quản lý HS, đến giáo viên chủ nhiệm,…
Nhiều năm qua, nhà trường cũng xác định, giáo dục kỹ năng sống cho HS chính là một trong những nội dung quan trọng và cũng là thế mạnh của nhà trường.
Xuyên suốt năm học, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính, nhân cách cho HS. Đồng thời, tổ chức vẽ pano, áp phích về an toàn giao thông, giáo dục giới tính,…
“Để HS tránh xa bạo lực học đường, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc trong trường, đồng hương ở các huyện. Chẳng hạn, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, thành lập câu lạc bộ theo sở thích,… Thông qua đó, giúp các em có sự thấu hiểu và đùm bọc lẫn nhau.
Đối với HS khóa mới, ngay trong 4 bài Chính trị đầu khóa, nhà trường đã dành riêng một bài phổ biến về nề nếp sinh hoạt trong ký túc xá. Thông qua đó, giúp các trò sớm làm quen với môi trường nội trú và xây dựng các mội quan hệ lành mạnh”, thầy Phạm Anh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Trong các tiết sinh hoạt dưới Cờ, BGH nhà trường cũng dành lượng thời gian phù hợp để chia sẻ thông tin về tình hình quốc tế, cũng như trong nước và trong tỉnh. Từ đó, định hướng cho HS thông tin chính xác từ những nguồn chính thống.
“Nhà trường cũng quán triệt cho các em tuyệt đối không đăng tải hoặc bình luận ở những bài viết chưa rõ nguồn gốc. Không đưa ảnh và nói xấu bạn trên mạng xã hội. Trường hợp vi phạm, nhà trường sẽ áp dụng hình thức xử phạt phù hợp”, thầy Toàn nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa cũng cho rằng: Một trong những thuận lợi nhất của nhà trường, là công tác tuyên truyền nhanh, kịp thời thông qua hệ thống truyền thanh với các bản tin của Đoàn thanh niên trường.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn là tâm lý lứa tuổi của HS người dân tộc thiểu số, các em thường có khuynh hướng phát triển tâm sinh lý sớm. Hơn nữa, một số gia đình cũng có xu hướng lập gia đình cho con ở độ tuổi đôi mươi, nếu không tiếp tục học hành.
“Do khuynh hướng phát triển tâm sinh lý sớm, nên một số em có thể sẽ nảy sinh tình cảm nhưng không phải là tình yêu, mà đơn thuần chỉ là sự quý mến nhau. Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý đòi hỏi phải có sự khéo léo, linh hoạt và tế nhị.
Cách làm hiệu quả nhất là tâm sự, trò chuyện với các em, bởi HS là con em đồng bào rất nhanh hiểu vấn đề và có lòng tự trọng cao. Việc vận dụng, áp đặt bằng thủ tục hành chính nhiều khi hiệu quả lại ngược lại”, thầy Toàn nói.
“Các hoạt động, phong trào của nhà trường rất bổ ích, hướng chúng em đến những điều tốt đẹp, góp phần xây dựng trường học thân thiện – trường học hạnh phúc.
Ngoài ra, trong các tiết học bên cạnh giảng dạy kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô cũng lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống từ người thật việc thật trong thực tiễn, để chúng em rút ra bài học cho chính mình”, em Lê Hà Chinh (lớp 10E, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.