Khép lại một năm buồn của thị trường chứng khoán

2022 là năm khó khăn với hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường diễn biến khó lường, bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, sự thăng trầm của các chỉ số còn đi chệch với dự báo, kỳ vọng của phần lớn giới phân tích trong và ngoài nước, cũng như của chính bản thân nhà đầu tư.Dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính, hình sự

Thị trường diễn biến khó lường, khủng hoảng kỳ vọng

Sau giai đoạn 2020-2021 bùng nổ, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào năm 2022 đầy hứng khởi khi chỉ số VnIndex sớm đạt 1.536 điểm vào tháng 4, mức cao nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với những phiên giao dịch “tỉ đô”, chủ yếu nhờ sự xuất hiện những nhà đầu tư mới và dòng tiền đầu tư của đối tượng này vào thị trường những tháng đầu năm.

Đáng lưu ý, nhà đầu tư trong nước đã mở mới tổng cộng 2,5 triệu tài khoản chứng khoán sau 11 tháng của năm 2022, vượt xa con số mở mới lũy kế từ năm 2018 tới 2021. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước cũng vượt hơn 6,74 triệu tài khoản tính tới cuối tháng 11-2022, tương đương khoảng 6,7% dân số.

Không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ vì tin đồn thất thiệt khiến thị giá của phần lớn cổ phiếu trên thị trường giả̉m sâu. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ vì tin đồn thất thiệt khiến thị giá của phần lớn cổ phiếu trên thị trường giả̉m sâu. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tuy nhiên, những thông tin bất lợi liên tục xuất hiện khiến các chỉ số trên thị trường giảm sâu. Cụ thể, thỉ số VnIndex giảm xuống mức 873 điểm sau phiên giao dịch ngày 16-11, giảm 45% chỉ trong vòng 6 tháng từ khi đạt đỉnh và có mức giảm lớn hơn nhiều so với các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ (đại diện bởi S&P500), châu Âu (đại diện bởi Euro Stoxx600) và châu Á (đại diện bởi MSCI Asia).

Diễn biến này, theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, cho thấy sự vận hành của thị trường vẫn phần nào dựa trên tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân, nhất là sự các nhà đầu tư mới – nhà đầu tư F0.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng mức tăng trưởng của TTCK thế giới và Việt Nam từ quý 2-2020 đến hết quý 1-2022 là khá nóng và kém bền vững khi chủ yếu dựa vào những yếu tố gồm: dòng tiền rẻ từ các chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19; hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi suất thấp; tâm lý hưng phấn có thời điểm trở nên “quá mức” của nhiều nhà đầu tư; một số lĩnh vực như CNTT, thương mại điện tử, dược phẩm, bất động sản (BĐS)…được hưởng lợi nhiều từ bối cảnh dịch bệnh.

Với Việt Nam, ông Lực cho biết thị trường còn có những đặc điểm khác như mức độ rủi ro cao hơn do tâm lý đám đông, chất lượng nhà đầu tư còn thấp.

Vì vậy, việc TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam điều chỉnh mạnh khi áp lực lạm phát tăng, cùng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu thì thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có xu hướng thắt chặt, lãi suất và tỷ giá tăng, nhà đầu tư điều chỉnh lại đánh giá và kỳ vọng của mình là tất yếu.

Cũng theo ông Lực, tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, các biện pháp chấn chỉnh TTCK và BĐS trong thời gian qua, cùng một số tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

“Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Việc xử lý, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý còn chậm cũng có tác động nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư”, ông Lực phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Với TTCK Việt Nam, tác động của tâm lý đám đông mạnh hơn so với những thị trường khác do ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường, trong khi tỷ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40–50%. Ngoài ra, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cũng chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 33% lượng TPDN tại Việt Nam, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 1%.

“Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân là đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính kỹ lưỡng, mà chủ yếu theo đám đông, thậm chí là tin đồn.

Thứ hai, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, cùng tâm lý đám đông, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh.

Thứ ba, TTCK Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá và bị khởi tố, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan. Vậy nên họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh.

Điều này cũng được ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, xác nhận tại một số cuộc họp báo Chính phủ và trò chuyện với báo chí.

Theo ông Chi, dòng tiền có xu hướng chuyển sang hoạt động sản xuất – kinh doanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, quyết định điều chỉnh tăng lãi suất của NHNN, thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế khó khăn hơn đã làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư.

“Nhịp điều chỉnh của TTCK vừa qua là tương đối mạnh, xuất phát từ yếu tố cung cầu và niềm tin của nhà đầu tư”, ông Chi nói.

Bên cạnh những yếu tố trên, năm 2022 cũng ghi nhận làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng. Thông tin về việc Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn bị cấm xuất cảnh; Chủ tịch HĐQT một ngân hàng sắp bị bắt; Ngân hàng S sắp vỡ nợ; công ty chứng khoán V. khó khăn thanh khoản do liên quan đến trái phiếu công ty X… xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm diễn đàn.

Theo đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng tin đồn để lập nhóm “phím hàng” mua – bán cổ phiếu, khiến TTCK trải qua nhiều đợt giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Không những vậy, tin đồn cũng đã khiến cho các doanh nghiệp, vốn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, càng thêm khó khăn.

Một số doanh nghiệp đã chủ động lên tiếng trấn an dư luận, nhưng hậu quả để lại với giá cổ phiếu là không tránh khỏi.

Trong bối cảnh TTCK giảm sâu năm 2022, bên cạnh việc giải chấp trong các giao dịch thông thường của nhà đầu tư, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp, điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung – cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán. Chưa hết, việc mất thanh khoản trong các giao dịch giải chấp đã làm tăng sức ép các lãnh đạo doanh nghiệp phải bán đi các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư không cầm cố, từ đó càng thúc đẩy tốc độ giảm giá cổ phiếu chung trên thị trường.

Tập trung củng cố lòng tin nhà đầu tư

TTCK Việt Nam nằm trong nhóm giảm điểm mạnh nhất toàn cầu, nhưng lãnh đạo ngành Tài chính và các chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường nhờ nền tảng sản xuất – kinh doanh và kinh tế vĩ mô ổn định.

Vì vậy, việc tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện tại.

Theo đó, các cơ quan chức năng, chủ thể phát hành cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết cơ quan quản lý sẽ vận hành ổn định, an toàn thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời, yêu cầu các thành viên thị trường thực hiện nghiêm quy định về công bố thông tin.

Về phía cơ quan quản lý sẽ thực hiện giám sát các thành viên tham gia thị trường gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư. Nếu phát hiện vi phạm sẽ lập tứ xử lý và công bố công khai, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận.

Cơ quan này cũng xử lý nhiều cá nhân đã bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt, điển hình là trường hợp ông Đặng Như Quỳnh bị khởi tố bị can, bắt khẩn cấp vì hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Trước đó, một số cá nhân truyền tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội cũng bị cơ quan quản lý xử phạt vi phạm hành chính.

Về lâu dài, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản… Các quỹ này cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư. Đồng thời, giúp thị trường trở nên ổn định và phát triển bền vững hơn, đồng thời cung cấp thêm kênh đầu tư phù hợp cho người dân.

Với nhà đầu tư, chuyên gia này cho rằng đối tượng này không chỉ cần hiểu về tài chính, kinh tế, chứng khoán mà còn phải nắm bắt và kiểm soát tâm lý khi đầu tư. Theo đó, việc hiểu được các cung bậc cảm xúc trong đầu tư chứng khoán có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt, thành công hơn trong dài hạn.

“Nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết”, ông Lực cho biết.

Năm 2022, hoạt động thanh tra, giám sát trên TTCK để lại nhiều dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính lẫn hình sự. Qua 11 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về tháo túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư…

Căn cứ trên kết quả giám sát, ngành chứng khoán đã chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với nhóm cổ phiếu FLC, đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA cùng một số đơn vị khác.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khep-lai-mot-nam-buon-cua-thi-truong-chung-khoan/