Khi Á-Âu kết nối

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 14 với chủ đề 'Châu Á và châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả' vừa diễn ra ngày 15 và 16-12, tại Madrid, Tây Ban Nha. Hội nghị được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác Á-Âu trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và EU, cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu tham dự và đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: EU

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: EU

Quyết tâm lớn

Theo Đại diện Cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell, ASEM có vị thế là cơ chế hợp tác lớn giữa châu Á và châu Âu, cũng là cơ chế góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế trên cơ sở hòa bình, hợp tác và phát triển. Dựa trên 3 trụ cột chính là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác, các đại biểu đã thông qua “Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14”, trong đó, khẳng định quyết tâm của các nước thành viên nhằm tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu, thúc đẩy hợp tác đa phương, nâng cao khả năng của các cơ chế đa phương trước thách thức thời kỳ kỷ nguyên số.

Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất sẽ triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh kết nối ASEM trong các lĩnh vực như chính sách, thương mại, đầu tư, năng lượng, thuận lợi hóa hải quan, kết nối số, con người, giao thông và hạ tầng bền vững... ; cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không và hoạt động kinh tế không bị cản trở phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như quyền của các quốc gia ven biển tại vùng biển của mình.

Đóng góp của Việt Nam

Tham gia đóng góp ý kiến tại ASEM, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất 3 vấn đề quan trọng. Đầu tiên, cần khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ đối với quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương; tuân thủ, tôn trọng luật pháp quốc tế trên cơ sở quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia. Thứ hai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận tổng thể và chương trình nghị sự mới về hợp tác đa phương, trong đó, đặt người dân vào vị trí trung tâm, tập trung vào hòa bình, an ninh truyền thống và phi truyền thống trong kỷ nguyên số; kêu gọi sự tham gia của các quốc gia; ưu tiên thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuối cùng là cần tăng cường cải cách các thể chế đa phương, trong đó, nổi bật là LHQ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm giải quyết các vấn đề của người dân, nâng cao cách thức quản trị các vấn đề thuộc mối quan tâm chung thông qua các cơ chế đa phương.

Chiến lược “Kết nối Á-Âu”

Trong chiến lược “Kết nối Á-Âu” mà EU đã thông qua hồi tháng 9-2019, EU đánh giá mối quan hệ EU-châu Á chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống địa chính trị toàn cầu. Để cải thiện các quan hệ hợp tác và tháo gỡ những khó khăn trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu, EU và châu Á cần tiếp tục phát triển các mối quan hệ tin cậy, hiệu quả và bền vững.

Do sự khác biệt về địa chính trị, xuất phát điểm kinh tế, tốc độ phát triển, mô hình kinh tế, châu Á cần xây dựng các khung tiêu chuẩn để khuyến khích mở cửa thị trường, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và dịch vụ, cũng như thu hút các nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, cũng như các kế hoạch quản lý hiệu quả, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển các hoạt động đầu tư bền vững. Trong khi đó, chính sách kết nối cũng giúp EU mở rộng ảnh hưởng của thị trường với mục tiêu: Phát triển bền vững, giảm khí thải CO2 và bảo vệ môi trường, thực hiện số hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xúc tiến đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia lãnh đạo toàn cầu. Các mục tiêu trên được thực hiện nhưng phải đảm bảo tính bền vững, toàn diện và dựa trên luật pháp quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: EU

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: EU

Những nội dung cần xây dựng của chiến lược bao gồm: Xây dựng mạng lưới giao thông, kết nối số hóa và thông tin liên lạc; kết nối con người với con người; xây dựng các mối quan hệ song phương; xây dựng mạng lưới quan hệ đa phương; về vấn đề đầu tư.

Tóm lại, “Kết nối Á-Âu” là một chiến lược tích cực, có giá trị lớn đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chiến lược đã cam kết mang lại những giá trị phát triển bền vững, có chất lượng, ở trình độ công nghệ cao, tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia, đồng thời giảm sức ép từ bên ngoài trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến từng nước. Do vậy, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu chiến lược này của EU, trên vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, để thúc đẩy các dự án của EU với ASEAN trong năm tới. Về phần mình, EU đã có chiến lược và ngân sách dành cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong mọi lĩnh vực ở các nước châu Á và Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội này một cách triệt để nhất.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khi-a-au-ket-noi/