Khi AI định nghĩa lại nỗi đau, ký ức và sự vô thường

Với những khả năng mới của AI có thể tạo ra hình ảnh, thước phim ảo của người thân đã khuất, con người đang muốn tự lừa dối mình, bao gồm cả việc làm sống lại những ký ức không có thực hoặc tạo dựng những hiện thực không bao giờ xảy ra.

Vừa qua, công ty tạo ảnh bằng AI Midjourney đã công bố một công cụ mới cho phép người dùng tạo video ngắn từ chính những bức ảnh cá nhân của họ; chỉ vài ngày sau, Alexis Ohanian - nhà đồng sáng lập Reddit, đã đăng tải một đoạn clip lên nền tảng X (trước đây là Twitter), trong đó anh sử dụng công nghệ này để “làm sống lại” hình ảnh người mẹ quá cố, khi anh còn là một đứa trẻ nằm trong vòng tay bà.

Trong đoạn video nhân tạo ấy, người mẹ mỉm cười rồi nhẹ nhàng ôm cậu con trai Alexis Ohanian trong vòng tay. “Trời ơi, tôi không ngờ nó lại chạm đến cảm xúc như thế”, Alexis Ohanian viết. “Đây chính là cách mẹ từng ôm tôi; tôi đã xem lại đoạn clip đó hàng trăm lần”.

Nguồn: Medium

Nguồn: Medium

Bài đăng nhanh chóng thu hút gần 30 triệu lượt xem và lập tức thổi bùng lại một cuộc tranh luận kéo dài về cách công nghệ đang can thiệp vào nỗi đau và ký ức: liệu điều này sẽ trở thành phép màu hay tạo ra một viễn cảnh u ám? Tạp chí TIME đã phỏng vấn các chuyên gia về tâm lý học và thần kinh để hiểu sâu hơn về cách AI đang thay đổi mối quan hệ của con người với người đã khuất thông qua những gì được gọi là “hồi sinh kỹ thuật số”.

Ký ức sai lệch - cái bẫy nguy hiểm

Ký ức con người từ lâu đã không hề chính xác tuyệt đối: chúng ta thường chỉ giữ lại những nét chính, còn chi tiết có thể mờ nhạt, sai lệch, hoặc bị bóp méo theo thời gian, thậm chí là theo ý muốn chủ quan của cá nhân. “Trí nhớ không phải là một thư viện cá nhân lưu giữ toàn bộ quá khứ”, tiến sĩ Julia Shaw, nhà tâm lý học tội phạm chuyên nghiên cứu về ký ức sai lệch, khẳng định. “Ký ức đơn thuần chỉ là công cụ để giúp ta sinh tồn”. Shaw cho biết, bà không phản đối việc dùng AI để tái tạo hình ảnh người đã mất, nhưng cảnh báo rằng công nghệ này có thể làm “nhiễm bẩn” và viết lại ký ức thật của chúng ta. Theo bà, con người vốn đã muốn nhớ những gì muốn nhớ và tin những gì mình muốn. Theo cách đó, “AI là một cỗ máy lý tưởng để tạo nên những ký ức sai lệch”, bà cảnh báo.

Tất nhiên, con người vốn dĩ đã có khả năng bóp méo ký ức mà không cần công nghệ; giáo sư Elizabeth Loftus, chuyên gia tâm lý và pháp luật, đồng thời là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu ký ức chia sẻ: “Ông tôi khi còn sống thường xuyên quát tháo bà tôi, nhưng sau khi ông mất, chính bà tôi lại nhắc đến ông như một người chồng hoàn hảo”. Chúng ta đều biết những công cụ như Photoshop hay video chỉnh sửa cũng có thể làm thay đổi cách con người ghi nhớ quá khứ.

Nhưng AI đang đẩy việc “chỉnh sửa” đó đi xa hơn, dễ dàng hơn, phổ biến hơn; một nghiên cứu gần đây của Loftus hợp tác cùng MIT Media Lab chỉ ra rằng, chỉ cần tiếp xúc với một hình ảnh đã bị AI chỉnh sửa, người ta có thể thay đổi ký ức gốc của mình. Người tham gia nghiên cứu còn “tin tuyệt đối vào ký ức sai ấy”, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Dù có thể mang lại lợi ích, chẳng hạn như định hình lại ký ức đau thương hay tăng cường lòng tự tôn, công nghệ này cũng tiềm ẩn rủi ro khôn lường, nhất là trong các tình huống quan trọng như tố tụng pháp lý hay trong tay những kẻ muốn thao túng thông tin.

Liệu con người có muốn “mắc kẹt” trong ký ức?

Một rủi ro khác là việc tương tác với những hình ảnh, thước phim ảo của người đã khuất có thể cản trở quá trình vượt qua mất mát; theo nhà thần kinh học Mary Frances O’Connor - tác giả cuốn The Grieving Body, quá trình tang chế về mặt sinh học là hành trình não bộ học cách chấp nhận rằng một người thân yêu thực sự đã qua đời, dù trong cảm nhận nội tại, họ vẫn “nên” còn ở đó. “Nhiều người đang đau buồn mô tả rằng, mỗi lần họ bước vào một căn phòng, họ đều thấy một khoảng trống vô hình mà người khác không thấy”.

Tuy vậy, O’Connor cũng lưu ý rằng, trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa, con người luôn tìm mọi cách - bằng tâm linh, bằng công nghệ - để kết nối với người đã khuất. Khi máy ảnh ra đời, người ta bắt đầu lưu giữ ảnh chân dung của người thân đã mất. Năm 2020, một nhóm làm phim tài liệu ở Hàn Quốc từng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tạo ra một buổi “gặp gỡ” giữa một người mẹ và cô con gái nhỏ đã qua đời vì bệnh hiếm gặp. Trải nghiệm đó giúp bà mẹ xoa dịu nỗi đau, nhưng lại khiến truyền thông phương Tây lo ngại. Trong khi ở thời xa hơn hoặc thậm chí ngay cả thời hiện đại, “gọi hồn” chính là cách nhiều người tìm đến để kết nối với người thân đã khuất của họ.

Câu hỏi then chốt, theo bà, không phải là “nên hay không nên” thúc đẩy việc tái hiện ảo ảnh của người đã khuất mà là: liệu AI giúp ta kết nối sâu sắc với người thân đã mất, hay khiến chúng ta mắc kẹt trong ảo tưởng rằng họ vẫn còn hiện hữu mãi mãi?

Sự sống bất tử hay chỉ là ảo tưởng?

Nhà tâm lý học mạng Elaine Kasket, tác giả cuốn All the Ghosts in the Machine nhận định, trong thời đại số, từ thư từ, hình ảnh, nhật ký đến các đoạn hội thoại, dữ liệu kỹ thuật số của người quá cố đang lưu lại rất nhiều, tạo ra một khối lượng “di tích số” chưa từng thấy. Kasket tin rằng bà có đủ tư liệu để trò chuyện với một chatbot được huấn luyện từ dữ liệu của người bạn đã mất, đến mức không thể phân biệt được với cuộc đối thoại thật lúc người đó còn sống. Ký ức vốn đã đầy tính tưởng tượng và tái tạo, vậy trí tưởng tượng từ máy móc có thực sự độc hại hơn tưởng tượng của chính ta? Theo bà, điều đó còn tùy thuộc vào mục đích mà nó phục vụ.

Với khoản đầu tư hàng tỷ USD vào các hệ thống “đại diện số” (agent), những AI có thể hành xử như người thật, do vậy, khả năng con cháu có thể gọi facetime hoặc video call cho một phiên bản “ông bà” đã mất có thể sớm trở thành hiện thực. “Tôi nghĩ đó sẽ là một tương lai đẹp”, tiến sĩ Julia Shaw nói, đồng thời cảnh báo cần bảo đảm AI không bị lợi dụng để thao túng cảm xúc người dùng. “Nó giống như phiên bản của chủ nghĩa vô thần cho trải nghiệm gọi hồn vậy”.

Nhưng bên cạnh việc thảo luận xem liệu điều này là “tốt hay xấu”, còn một câu hỏi khác mang tính hệ thống hơn: ai sẽ được hưởng lợi? Bà O’Connor nhắc lại rằng, từ lâu con người đã kiếm tiền từ người đang đau khổ: từ các buổi cầu hồn, lên đồng, đến việc xin lễ trong giáo hội, nơi các linh mục chỉ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất nếu có tiền công.

Tuy nhiên, Shaw cũng nhấn mạnh, việc tái kết nối với người đã khuất, dù chỉ là qua hình ảnh hoặc văn bản, vẫn có thể mang lại giá trị chữa lành. Giống như cách một số người vẫn nhắn tin hay đăng bài lên trang cá nhân của người đã mất, đó có thể là một phương thức cá nhân để giữ lại cảm giác gắn bó. “Nếu việc này khiến ai đó cảm thấy hạnh phúc hơn, và họ làm điều đó trong thế giới riêng của mình - thì có gì sai?”, Giáo sư Elizabeth Loftus nói.

Tuy nhiên, Kasket cảnh báo: con người có thể “nghiện” cảm giác được kết nối với những người thân đã khuất của họ. Điều này có thể khiến chúng ta yếu ớt hơn trước những mất mát thật sự trong cuộc sống. Khi chúng ta cố gắng loại bỏ mọi “vết thương, hỗn loạn và đau đớn” khỏi các mối quan hệ con người, có thể chính chúng ta đang trở nên mong manh, dễ vỡ hơn rất nhiều. “Đến một thời điểm nào đó, khi chúng ta không thể chấp nhận cái chết hay sự vô thường của cuộc sống, thì có lẽ là lúc chúng ta cần dừng lại và tự hỏi: chúng ta đang làm gì với chính mình?”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khi-ai-dinh-nghia-lai-noi-dau-ky-uc-va-su-vo-thuong-10378854.html