Khi Al là trợ lý ảo cho các nhà báo và tòa soạn báo…
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí đã và đang được các tòa soạn nghiên cứu, triển khai từng bước.
Trước nhiều thách thức của bối cảnh mới, việc tận dụng Al như một trợ lý ảo để hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp trong một số khâu là bài toán đang được các cơ quan báo chí rất quan tâm.
Trợ lý ảo trong sáng tạo, sản xuất nội dung
Chuyên gia công nghệ Đặng Hải Lộc khi trao đổi về tác động của AI tới hoạt động của các tòa soạn và người làm báo cho rằng, AI giải phóng con người khỏi những tác vụ lặp lại, nhưng nó cũng đồng thời buộc con người và các tổ chức từ bỏ lối thành công bằng sao chép. “Cần rất nhiều sự sáng tạo và năng lực triển khai nhanh chóng để hình dung và vươn tới vị trí đứng phù hợp trong làn sóng AI” - vị chuyên gia đặt vấn đề.
Câu chuyện đó cũng mở ra những giải pháp cho bản thân các tòa soạn, các nhà báo - chấp nhận đón bắt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào? Mục tiêu cuối cùng rõ ràng là làm sao để có sản phẩm tốt hơn là động lực để các tòa soạn vận hành, chuyển động.
Trên thực tế, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Đã là công cụ, khi muốn tận dụng thì nhà báo phải học cách để làm chủ nó.
Với báo chí, AI đã và đang hỗ trợ tích cực ở nhiều khâu. Nghiên cứu về vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các phần mềm ứng dụng AI có thể trở thành trợ lý ảo cho các nhà báo và cơ quan báo chí trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất nội dung và phân phối nội dung báo chí số.
Bà Thu Hằng cho rằng, việc ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung có nhiều cách khác nhau như: tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.
Thậm chí, hiện có một số phần mềm miễn phí có thể làm trợ lý ảo tự động quét website và tải dữ liệu xuống như: Scan Web Pro, Portia, UiPath, Dịch vụ dựa trên đám mây để quét web, trích xuất dữ liệu Diggernaut. Các phần mềm ứng dụng AI có thể tự động phân loại, sắp xếp và trích xuất thông tin từ văn bản để xác định nguồn trích dẫn, mối quan hệ giữa các văn bản (dựa trên từ khóa), tóm tắt nội dung văn bản. Tòa soạn có thể sử dụng phần mềm phân tích văn bản để xử lý văn bản thu thập từ các nguồn khác nhau trên môi trường số một cách hiệu quả và chính xác như con người như: Amazon Comprehend, Plagiarism Detector, Wordsmith của Automated Insight…
Thêm vào đó, AI hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin bài, các tòa soạn báo. Trong sản xuất nội dung, AI có thể hỗ trợ các tính năng như: Nhập văn bản bằng giọng nói; Chuyển văn bản thành giọng nói; Phiên dịch nội dung; Hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập (fact-checking); tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; Hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; Trực quan hóa dữ liệu; Phân tích hình ảnh và nhận dạng; Tự động viết các nội dung, tạo tin bài từ dữ liệu có sẵn.
Ngoài việc dùng phần mềm ứng dụng AI để làm phiên bản audio cho tất cả các bài đăng có text đang khá phổ biến ở các tòa soạn báo chí có hai phiên bản trở lên, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã và đang kiểm tra tính thực tế, xác minh tính chính xác của thông tin đã công bố trước đó (thông cáo báo chí...) thông qua tính năng Fact check của Google, thậm chí có thể tự mình xây dựng phần mềm dựa trên mẫu trong thư viện AI như NLTK, Scikit-Learn…
Một số Đài Phát thanh - Truyền hình và các tòa soạn hội tụ có thể ứng dụng tính năng tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ… bằng cách xây dựng phần mềm tạo văn bản tự động (NLG). Gần đây nhất, Nhóm nghiên cứu của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã thử nghiệm thành công trong việc ứng dụng ChatGPT sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.
Làm chủ Al để biến “ảo” thành giá trị thực
Trong thực tế tác nghiệp tại tòa soạn, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng, nhờ công nghệ mà các phóng viên VietnamPlus có thể dựng các bài megastory, thực hiện các sản phẩm đồ họa một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, chỉ cần thông tin thô là các dữ liệu, AI có thể chọn đồ họa, biểu đồ phù hợp, thay vì phóng viên phải tự dựng thủ công như trước đây…
Ở góc độ phân phối nội dung, công cụ AI có thể thông qua chatbot giúp tòa soạn tiếp cận công chúng, kiểm soát thông tin phản hồi từ công chúng, hỗ trợ và tăng tốc công tác nghiên cứu công chúng, phân khúc thị trường và công chúng. “Người làm báo đang đứng trước lằn ranh của đạo đức báo chí, cần trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, tranh thủ cơ hội mà AI mang lại nhưng vẫn phải học cách làm chủ công nghệ, để AI là công cụ đắc lực cho mình” - ông Hoàng Nhật chia sẻ.
Biến Al thành một trợ lý ảo cho nhà báo cũng là một trong những cách ứng dụng AI vào hoạt động báo chí mà kênh VOV Giao thông - VOV đã thử nghiệm. Ông Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV giao thông chia sẻ: “Chúng tôi đang phối hợp với một nhóm công nghệ để phát triển công cụ AI trong sản xuất nội dung, bạn phóng viên Trần Ai của VOVGT là một ví dụ trong những thử nghiệm đó. Bạn Trần Ai quét nguồn do chúng tôi chỉ định, ví dụ quét toàn bộ nguồn phát sóng của VOVGT, tư liệu từ các thư viện online như một trợ lý cho các nhà báo của kênh, xuất báo cáo, thậm chí có thể viết những bài có fomart sẵn như bài viết của Trần Ai viết về ChatGPT mà bạn đã đọc. Các thử nghiệm của chúng tôi dự kiến còn cần thời gian nữa mới hoàn thiện để triển khai áp dụng trong một số chương trình mang tính giải trí hoặc chuyển thể các tác phẩm của VOV đã phát sóng sang các nền tảng khác nhau, định dạng khác”…
Đánh giá bước đầu về hiệu quả trong ứng dụng, ông Tuyến cho hay: “Tôi cho rằng, nếu chúng ta nhìn xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong việc hỗ trợ báo chí thì rõ ràng chúng ta đang tiếp cận một cơ hội lớn để có thể hình thành cách thức làm báo mới hiệu quả hơn và nó có thể đem đến những sản phẩm báo chí có chất lượng hơn”.
Ở góc độ đào tạo, có thể nhìn thấy sự tiên phong của Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang khi mới đây tổ chức khai mạc Lớp tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí và xử lý hậu kỳ sản phẩm phát thanh, truyền hình” cho hội viên.
Theo nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, lớp tập huấn này nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên và được đánh giá rất cao bởi đã phần nào giúp các nhà báo ứng dụng được các kỹ năng cần thiết trong hoạt động nghiệp vụ theo xu hướng sản xuất báo chí hiện đại, phục vụ quy trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, và nhiệm vụ tuyên truyền trên các cổng thông tin điện tử.
Các học viên đã được hướng dẫn ứng dụng công nghệ chuyển đổi băng video, ghi âm thành văn bản lưu trên máy vi tính hoặc điện thoại; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác thông tin; Ứng dụng công nghệ để chuyển các nội dung họp online thành văn bản; Ứng dụng công nghệ để giúp phóng viên hiện trường tác nghiệp nhanh mà không cần gõ bài, không cần gửi email nhưng tòa soạn vẫn có thể thấy nội dung và chỉnh sửa bài viết bằng văn bản; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hậu kỳ sản phẩm phát thanh, truyền hình… Điều ấy cho thấy sự cập nhật, nắm bắt cơ hội đã và đang dần lan tỏa trong hoạt động báo chí tại các tòa soạn, các hội viên, nhà báo.