Khi ao làng bị ô nhiễm

Do ảnh hưởng của các hoạt động chăn nuôi, sinh hoạt nên nhiều ao làng bị ô nhiễm trầm trọng, dần trở thành 'ao chết'.

Nước ao trước cửa đình thôn Tân Hưng, xã Tân Việt (Bình Giang) luôn xanh rớt, ô nhiễm nghiêm trọng

Nước ao trước cửa đình thôn Tân Hưng, xã Tân Việt (Bình Giang) luôn xanh rớt, ô nhiễm nghiêm trọng

Cùng với phát triển kinh tế và áp lực gia tăng dân số khiến nhiều ao làng đang chết dần chết mòn. Hình ảnh thơ mộng về làng quê Việt Nam dần biến mất, thay vào đó là hình ảnh ao tù nước đọng bốc mùi hôi thối.

Xả thải, lấn chiếm

Ao phía trước đình thôn Tân Hưng, xã Tân Việt (Bình Giang) rộng khoảng 360 m2. Nhiều năm qua, mặt ao luôn nổi váng xanh dày đặc, rác thải và cá chết nổi lềnh bềnh làm mất mỹ quan và bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Chị Phạm Thị Sinh có nhà ở cạnh ao cho biết: “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay làm ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình. Do ao nằm sát cạnh nhà nên gia đình tôi rất gìn giữ và không xả rác xuống, nhưng hộ nuôi cá ở ao bên cạnh thường xuyên vứt cá chết sang, nước thải chăn nuôi ở ao bên cạnh cũng nhiễm sang đây”.

Ông Vũ Đình Dần, trưởng thôn Tân Hưng thừa nhận thực trạng ô nhiễm ở ao này. Trong tháng 10, thôn đã tiến hành hút cạn nước và nạo vét làm sạch ao nhưng hiện nay lại tái diễn tình trạng ô nhiễm. Nguyên nhân do bị nhiễm nguồn nước thải của một số hộ nuôi lợn, vịt ở ao bên cạnh và đường thoát nước của ao bị hạn chế. Thôn đã nhắc nhở hộ nuôi cá không được vứt cá chết sang nhưng hộ dân này vẫn chưa chấp hành. Để khắc phục ô nhiễm, thôn đang đề xuất cải tạo ao thành cảnh quan của đình thôn Tân Hưng. Toàn thôn hiện có 8 ao, trong đó có 3 ao tù nước đọng vì không có đường thoát nước. Ông Vũ Đình Dần cho biết: “Đường thoát nước của các ao bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến khả năng chứa và điều tiết nước, dẫn tới tù đọng và lâu dần làm ảnh hưởng đến môi trường. Với những ao nhỏ bị mất vệ sinh hoặc nuôi thủy sản không hiệu quả, thôn đề xuất cải tạo làm cảnh quan hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng”.

Nhiều ao thôn Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) bị thu hẹp, chỉ thích hợp cho bèo tây phát triển

Nhiều ao thôn Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) bị thu hẹp, chỉ thích hợp cho bèo tây phát triển

Cũng trên địa bàn huyện Bình Giang, nhiều ao làng ở thôn Vạc, xã Thái Học đang trong tình trạng tương tự. Ao Đình Giáp ở đội 5, thôn Vạc lúc nào cũng ngập bèo tây và rác thải. Nước ao đen ngòm. Bờ ao chưa được kè kiên cố nên ao đã bị người dân đua nhau lấn chiếm nham nhở. Từ lâu, ao Đình Giáp gần như không còn tác dụng gì ngoài việc chứa nước thải và rác thải sinh hoạt của người dân trong thôn. Cũng ở thôn Vạc, ao xóm Cầu Giải giờ giống như một cái rãnh thoát nước hơn. Người dân đua nhau đổ đất lấn chiếm, trồng chuối, rau, nuôi gà vịt khiến diện tích ao bị thu hẹp. Nước thải của cả thôn dồn xuống ao khiến mặt nước bị ô nhiễm nặng nề, chỉ thích hợp cho bèo tây phát triển. Chị Trần Thị Hiển ở xóm Cầu Giải, thôn Vạc đề nghị do ao đã bị lấp không thể hồi phục nên UBND xã cần tính đến phương án cải tạo phần còn lại làm rãnh thoát nước để bảo đảm môi trường sống cho người dân.

Tại thôn Đầu Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), ao ở các xóm Trúc, Mòi, Làng cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước ao xanh rớt, các góc ao nổi đầy rác, túi ni lông. Nhiều ao bị người dân đổ phế thải lấn chiếm, diện tích bị thu hẹp. Chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm, bể tự hoại của các gia đình trong xóm được xả thẳng xuống ao. Một người dân ở xóm Trúc, thôn Đầu Lâm cho biết trước đây mỗi lần đi làm đồng về chúng tôi hay xuống ao rửa chân tay. Bây giờ không ai dám làm việc này nữa vì nước ao rất nhớt, rửa xong thấy rất ngứa, khó chịu. Mọi người cũng hạn chế dùng nước ao tưới rau vì biết chắc chắn nước ao đã bị ô nhiễm, không an toàn cho sức khỏe.

Cần bảo vệ

 Ao thôn Đầu Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) là nơi chứa chất thải chăn nuôi

Ao thôn Đầu Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) là nơi chứa chất thải chăn nuôi

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng và thực trạng sử dụng ao làng còn lại trong các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng chưa xây dựng mạng lưới quan trắc nước ao nên việc đánh giá chất lượng nước tại các ao làng chưa thể thực hiện được. Một thời gian buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng ao làng đã bị lấn chiếm gần hết. Hiện nay, hầu hết ao làng đều được người dân nhận thầu để nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do hầu hết các thôn, khu dân cư chưa xây dựng được hệ thống thu gom nên toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt được xả thẳng xuống ao. Tại những địa phương có hoạt động kinh tế phát triển như chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ gia cầm, nhiều ao đã trở thành ao chết, trở thành nơi chứa nước thải, không còn chức năng điều hòa không khí. Tại một số địa phương, do áp lực dân số, nhiều ao bị lấn chiếm dẫn đến thu hẹp diện tích, ao đã dần biến mất.

Giữ gìn ao làng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo cảnh quan, điều hòa không khí, chứa nước tránh ngập úng khi mưa lớn. Ao làng cũng chứa đựng giá trị cốt lõi của văn hóa làng quê Việt Nam. Việc giữ gìn ao làng cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, sớm lập danh sách, có biện pháp bảo vệ nguyên trạng, chống mọi hình thức xâm lấn và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Người dân cần có ý thức bảo vệ ao làng khỏi các hoạt động lấm chiếm, xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm. Về lâu dài, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần triển khai các giải pháp phục hồi chất lượng nước, tạo cảnh quan góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/khi-ao-lang-bi-o-nhiem-154258