Khi ba thành thợ
TPHCM giãn cách xã hội dài ngày, mọi hoạt động thường ngày đều bị ảnh hưởng. Mấy nghề sửa chữa không nằm trong dịch vụ thiết yếu, trong khi đồ đạc không tránh khỏi tình trạng hư hỏng. Từ cái máy lạnh bị kém lạnh, cái tivi méo hình, đến nồi cơm điện cắm đủ nước mà cơm vẫn sống... đều được thợ tại gia ra tay sửa chữa.
1. Đồ ăn đã sơ chế xong, chị Trang (ngụ TP Thủ Đức) bật mãi cái bếp gas không chịu lên lửa. Thấy vợ loay hoay, anh Khang (chồng chị Trang) phụ kiểm tra bình gas, ống dẫn gas, bộ đánh lửa… nhưng vẫn không được. Bếp gas gia đình chị Trang dùng là loại bếp âm nên khá phức tạp, anh Khang mày mò cả buổi, chiếc bếp vẫn tắt ngúm.
Anh Khang lên mạng dò hỏi, tìm được vài số điện thoại của thợ sửa bếp, nhưng giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đấy, nên không ai nhận lời đến sửa. Việc mua bếp mới càng khó vào lúc này, vì các cửa hàng đều đóng cửa. Phương án được đưa ra, chị Trang dùng tạm nồi cơm điện, lò nướng để chế biến mấy món ăn đơn giản cho bữa trưa, anh Khang gọi điện thoại nhờ thợ sửa bếp gas hướng dẫn từ xa.
Các bộ phận bếp gas nhanh chóng được tháo rời, anh Khang làm theo hướng dẫn của người thợ qua điện thoại. Cậu con trai lớn lăng xăng phụ ba lấy chiếc tuốc nơ vít, soi đèn pin, tìm cái ốc vít phù hợp... Hơn 2 giờ sau, công đoạn “bắt bệnh”, “chữa bệnh” cho cái bếp cũng hoàn tất, cả nhà hồi hộp chờ kết quả.
Chị Trang được đại diện đứng ra bật bếp, lửa lên ngon lành, cả nhà mừng vì có bếp để nấu ăn và mừng vì từ nay đã có thợ sửa bếp gas tại gia, không lo bị đói. Người thợ ở đầu dây bên kia cũng mừng khi biết bên này bếp đã lên lửa. Anh Khang ngỏ ý chuyển khoản tiền công, người thợ từ chối và còn hào phóng chỉ anh một vài lỗi khiến bếp hay bị mất lửa, để anh phòng khi cần.
Anh Khang làm quản lý ở một công ty kinh doanh thiết bị nội thất, thường ngày anh ra khỏi nhà sớm, về muộn, cuối tuần cũng đi suốt, thành thử việc nhà không mấy khi anh đụng tới. Đồ đạc trong nhà hư hỏng gì, hoặc chị Trang gọi thợ về sửa, hoặc mua cái mới. Hễ vợ nhờ, anh Khang lại bảo thời gian ấy để anh làm việc có khi kiếm tiền mua được cả chục cái mới. Thấy chồng nói vậy thì đành chịu thôi, chứ trong bụng chị cũng buồn. Chị cũng muốn chồng tham gia vào việc nhà để con cái cảm nhận được sự chăm chút từ ba.
Từ ngày giãn cách, công việc của anh ít hẳn, có thì giải quyết qua điện thoại. Ở nhà 24/24 giờ, buồn chân buồn tay nên mấy đồ cũ bị hỏng, vợ để trong kho, anh Khang lôi ra mày mò sửa. Anh bảo, sửa được cái nào hay cái đó, hết dịch đem tặng lại người cần, cũng là để giết thời gian. Nhưng sâu xa hơn, ngoài địa vị trong giới kinh doanh, khả năng kiếm tiền nuôi gia đình, anh nhận ra cũng cần phải có “dấu ấn” trong mắt con cái.
Một tháng giãn cách ở nhà, kho nhà anh đã vãn đồ cần sửa. Chị Trang ghi lại từng món, cái quạt và chiếc nồi cơm điện thì mấy bữa nữa đi lại được sẽ đem cho ông bà Năm ở khu nhà tạm, cái bình đun nước nóng siêu tốc đem cho bác bảo vệ ở đầu hẻm...
2. Không chỉ những đồ điện, những vật dụng cần thiết, nhiều anh chồng còn trổ tài sửa đồ chơi cho con, nấu ăn, làm bánh...
Mấy hôm rày, anh Trung (ngụ quận 11) trở thành thần tượng của cô con gái 7 tuổi. Bé Hạnh (con anh) đùa bảo, giờ mới thấy ba mình đa tài đến thế. Trước giờ, mấy thứ bánh trái này kia, có thèm thì bé Hạnh nói ba mẹ, kiểu gì tối cũng có ăn, nhưng là đồ mua. Thi thoảng rảnh, mẹ bày ra nhào bột, nấu nướng thì ba lại bảo vẽ chuyện, ăn được bao nhiêu, thèm thì ra tiệm, thời gian ấy làm chuyện khác.
Rồi dịch ở nhà, đọc sách báo mãi cũng mỏi mắt, lại nghe con bảo thèm bánh khoai mỡ được ăn từ đợt cả nhà đi du lịch ở đảo Nam Du, anh Trung lên mạng tìm công thức xem dễ - khó ra sao. Hôm sau, anh nhờ vợ đặt mua gói bột năng, bột nếp, củ khoai mỡ tím, sữa tươi. Trong lúc các con ngủ trưa, anh hì hục đem ra thử.
Vì đã nghiên cứu kỹ công thức từ trước nên mẻ bánh đầu tiên của anh Trung đã thành công ngoài mong đợi. Chị em bé Hạnh ngủ dậy, thấy dĩa bánh thơm phức, phồng xốp, trong mềm dẻo, ngoài giòn rụm thì bất ngờ lắm, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Mấy ngày sau, cả nhà liên tục được thử nào bánh chuối, bánh bắp, kem bơ... và dĩ nhiên, tay nghề của anh Trung mỗi lúc một nhuần nhuyễn. Khỏi phải nói, bé Hạnh vui cỡ nào, còn phong cho ba là “thợ làm bánh số 1”.
Đống đồ chơi của chị em bé Hạnh cũng được ba lôi hết ra sân thượng. Những món đồ nhựa được đem đi rửa nước, phơi nắng rồi xịt khuẩn. Mấy chiếc ô tô của bé út bị bỏ xó lâu nay vì sạc điện không vào, nay anh Trung đem ra sửa hết. Bọn trẻ tung tăng chạy xung quanh, ba sửa xong món nào là hào hứng nhận món ấy, y như vừa được mua đồ chơi mới.
Trên mạng xã hội, chị Lý (vợ anh Trung) tự hào chia sẻ góc “khoe chồng” ngày giãn cách: “Tưởng ổng không biết làm gì, hóa ra gì cũng biết. Con gái mắt tròn mắt dẹt, bởi trước giờ đâu có thấy ba đụng vô mấy chuyện này nên khi thấy những miếng bánh ba làm, chiếc máy lạnh hư đột ngột đươc ba tháo ra, gõ gõ, chỉnh chỉnh, thay cái này, đổi cái kia, rồi lắp vào lại chạy phà phà mà tự hào lắm. Nhà khác không rõ, chứ nhà mình thì ổng đang là người “giữ lửa” đấy các mẹ ạ!”.
Những ngày giãn cách, mọi người phải ở yên trong nhà để chống dịch cũng bí bách, mấy niềm vui nho nhỏ của gia đình như vậy cũng đủ để các thành viên thấy ấm áp, gắn kết. Và hạnh phúc hơn hết là dù hoàn cảnh nào, người đàn ông trong nhà cũng thể hiện được vai trò trụ cột của mình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khi-ba-thanh-tho-754064.html