Khi Bắc Kinh và Washington không muốn làm tổn thương nhau...
Trung Quốc gọi Mỹ là 'tên côn đồ gián điệp' lớn nhất thế giới còn Mỹ coi hành động cho Edward Snowden rời khỏi Hồng Kông là 'một lựa chọn có chủ đích' và điều này sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ - Trung.
Những phát ngôn từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các ý kiến được đăng tải trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh sự căng thẳng trong quan hệ của hai cường quốc kể từ khi Snowden, người đang bị chính phủ Mỹ truy nã chạy trốn sang Hồng Kông.
Nhà Trắng cho hay, Hồng Kông thuộc quyền kiểm soát lãnh thổ của Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc lại cho phép Snowden lưu trú ở Hồng Kông. Nhà Trắng cáo buộc đây là “một sự lựa chọn có chủ đích”, bất chấp lệnh truy nã và bắt giữ hợp pháp từ phía chính phủ Mỹ. Không nghi ngờ gì nữa, quyết định này của Trung Quốc đã có tác động tiêu cực đến mối quan hệ Mỹ - Trung.
Phía Trung Quốc đã hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại cuộc họp thường xuyên: Chỉ trích của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc là vô căn cứ. Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận. Bà Hoa cũng bảo vệ quyết định của Hồng Kông khi để Snowden rời khỏi lãnh thổ và cho rằng “việc xử lý hoàn toàn theo pháp luật”.
Các chuyên gia của cả hai bên cho hay: Cả hai chính phủ cần gác những cáo buộc lại và cho sự việc qua đi để tránh mối quan hệ xấu đi vĩnh viễn. Nhất là sự việc này diễn ra chỉ vài tuần sau sau hội nghị cấp cao thành công giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giáo sư quan hệ quốc tế Zhao Kejing tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết: Trung Quốc không muốn điều này ảnh hưởng đến tình chung. Chính quyền trung ương đã luôn duy trì một thái độ bình tĩnh và kiềm chế vì quan hệ giữa hai chính phủ là quan trọng. Hoa Kỳ không có lý do gì để gây áp lực lớn hơn nữa lên Trung Quốc nếu không Mỹ sẽ mất đi đồng minh chí ít là về mặt “tinh thần” như Trung Quốc.
Ông Kenneth Lieberthal, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings, người cố vấn châu Á của Bill Clinton ở Nhà Trắng cho hay: hành xử của Bắc Kinh là “không thể tưởng tượng” nhưng nếu liên kết vụ Snowden và các vấn đề khác thì vụ này cần được xử lý riêng biệt tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ toàn cục.
Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, phiên bản tiếng Anh viết: Trong một ý nghĩa nào đó, Mỹ đã đi từ “mô hình nhân quyền” tới “kẻ nghe trộm, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân”, “kẻ thao túng” và “kẻ xâm lược” hệ thống mạng của các nước khác.
"Thế giới sẽ nhớ Edward Snowden”, tờ báo cho hay. “Sự gan lì của Snowden đã xé toạch mặt nạ của Washington”.
Theo một nguồn tin giấu tên từ phía Bắc Kinh: “Nếu giao Snowden cho Mỹ, Trung Quốc sẽ chỉ là kẻ chạy theo Mỹ và bị chỉ trích bởi những người sử dụng Inernet ở Trung Quốc và nước ngoài, những người thông cảm với hành động của Snowden”. Nguồn tin cho biết: Cho phép Snowden ở lại Hồng Kông hay vào đại lục đều sẽ gây ra rắc rối. Vì thế để Snowden rời đi là lựa chọn duy nhất.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang quan tâm vào những lời cáo buộc của Snowden rằng chính phủ Mỹ đã đột nhập vào nhiều hệ thống mạng tại Hồng Kông và Trung Quốc trong đó có Đại học Thanh Hoa và các công ty mạng điện thoại di động Trung Quốc. Đại học Thanh Hoa được coi là một trong những trung tâm Internet của nước này. Trung Quốc đã đưa vấn đề này lên Washington.
Tân Hoa Xã đã viết trong một bài bình luận với giọng điệu ôn hòa hơn: Cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu rằng một cá nhân, một vụ việc cá biệt không nên và không được phép làm tổn thương một trong những mối quan hệ quan trọng nhất thế giới. Đó là vì lợi ích của cả hai quốc gia, giữ những động lực tích cực thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên các học giả và phương tiện truyền thông lại yêu cầu chính quyền ông Obama phải xin lỗi Bắc Kinh và nợ Trung Quốc một lời giải thích về cuộc tấn công trên mạng.
Căng thẳng là vậy, nhưng người ta vẫn dự đoán mối quan hệ Mỹ - Trung không thể nào xấu đi và chẳng thể có thiệt hại lâu dài.
Thu Hà (Theo Reuters)