Khi bác sĩ kê đơn!

Được bác sĩ kê đơn nhiều loại thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ trong đơn thuốc mà không lời tư vấn, giải thích, một bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện tới Báo Người Lao Động

Sau khi đọc bài "Cảnh báo trục lợi từ thuốc bổ" đăng trên Báo Người Lao Động, tôi xin được chia sẻ câu chuyện bác sĩ kê đơn cho tôi như sau.

Tôi 35 tuổi, ở Hà Nội. Tôi bị trào ngược dạ dày thực quản, đã được nội soi xác định tình trạng bệnh trước đó. Cách đây không lâu, tôi có đăng ký khám yêu cầu tại Bệnh viện V.Đ.- một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội.

Mức phí khám yêu cầu tại một cơ sở y tế ở Hà Nội

Mức phí khám yêu cầu tại một cơ sở y tế ở Hà Nội

Sau khi tìm hiểu, tôi có đăng ký khám chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa với mức phí 500.000 đồng/lần.

Đến phòng khám, tôi được một bác sĩ khám và kê đơn. Tuy nhiên, sau khi khám xong tôi thấy không phải là tên bác sĩ - chuyên gia mà tôi đăng ký ban đầu.

Lúc này tôi có thắc mắc thì được bác sĩ vừa khám giải thích chuyên gia tôi đăng ký đang bận việc và nói nếu muốn bác sĩ đó khám thì chờ thêm. Tôi chấp nhận chờ đợi. Sau khoảng 30 phút vị bác sĩ - trưởng khoa tôi đăng ký về khám và tư vấn cho tôi.

Sau khi hỏi các triệu chứng của bệnh và xem kết quả nội soi trước đó, bác sĩ này chẩn đoán tôi bị trào ngược dạ dày - thực quản và có kê cho thuốc vào sổ y bạ gồm: Nexium, Gamucid, Bificure, Intesta.

Tôi có ra nhà thuốc để mua thuốc theo đơn nói trên và cũng không hỏi thêm gì người bán hàng. Tổng số tiền tôi phải trả cho đơn thuốc là hơn 2,3 triệu đồng.

Tối hôm ấy về nhà mang thuốc ra uống, đọc hướng dẫn sử dụng tôi mới mới biết 3/4 loại "thuốc" được kê là thực phẩm chức năng.

Điều tôi bức xúc đó là tôi không nhận được sự giải thích hay tư vấn gì về thông tin các sản phẩm thực phẩm chức năng mà tôi được kê trong sổ y bạ.

Thuốc và thực phẩm chức năng được bác sĩ kê trong sổ y bạ

Thuốc và thực phẩm chức năng được bác sĩ kê trong sổ y bạ

Theo tìm hiểu tôi được biết tại điều 4 thông tư 52, Bộ Y tế quy định nguyên tắc kê đơn thuốc đó là không được kê: Các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng.

Như vậy, với quy định này, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc của tôi.

Tôi chia sẻ điều này với nhiều người xung quanh và được biết không chỉ đơn thuốc của tôi mà khá nhiều người khi được hỏi cũng nói đơn thuốc được kê có rất nhiều thuốc bổ và thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ... Một số bệnh viện không kê trong đơn nhưng kê riêng thành đơn phụ.

Hiện nay, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng có hình thức giống như thuốc gây nhầm lẫn trong việc sử dụng giữa hai loại sản phẩm này.

Với người bệnh còn khó khăn, việc phải "chi oan" hoặc chi số tiền vài triệu để mua thực phẩm chức năng thực sự là không cần thiết nên tôi mong các bác sĩ khi kê đơn hãy nghĩ đến túi tiền người bệnh và hiệu quả điều trị.

Còn với người bệnh, tôi cũng mong rằng khi mua thuốc nên hỏi người bán thuốc hoặc dược sĩ loại thuốc mà mình đã mua để cân nhắc mua khi sản phẩm đó là thực phẩm chức năng.

Xuân An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-bac-si-ke-don-196240802215041162.htm