Khi bác sĩ 'nói dối'
'Mọi thứ đều ổn', tiếng nói khẽ vang lên từ phòng điều trị tích cực (ICU) thuộc cơ sở Policlinico San Donato, Italia.
Các y bác sĩ tại đây đã phải lặp đi lặp lại câu nói đó vào lúc 1h chiều mỗi ngày, để trấn an tinh thần người nhà của 25 bệnh nhân nhiễm viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), dù họ biết sự thật không như vậy.
Buộc phải lựa chọn
25 bệnh nhân được điều trị trong phòng điều trị tích cực (ICU) thuộc cơ sở Policlinico San Donato, Italia đều là những trường hợp nhiễm COVID-19 rất nặng, thường xuyên phải dùng thuốc an thần và thở bằng máy.
Trước đây, giờ ăn trưa luôn là khoảng thời gian người nhà được vào thăm và chăm nom bệnh nhân. Nhưng kể từ khi số ca tử vong vì COVID-19 tại Italia vượt mức 2.000, không một ai, kể cả người nhà bệnh nhân được phép vào khu vực này nữa.
Mọi thông tin về sức khỏe của người bệnh sẽ được cập nhật đến gia đình của họ qua đường dây nóng, do bác sĩ trực ca thực hiện vào 1h chiều mỗi ngày. Báo cáo đặc biệt của Reuters công bố ngày 17/3 hé lộ sự thật đau lòng: Khi các bác sĩ gọi điện thoại về cho gia đình người thân, họ luôn phải cố gắng lựa chọn câu từ tốt nhất để không vô tình tạo ra những hy vọng viển vông. Hơn ai hết, các bác sĩ hiểu rằng, cứ 2 bệnh nhân COVID-19 đang được chăm sóc đặc biệt tại đây, sẽ có một người có khả năng không qua khỏi.
Khi dịch bệnh lan rộng, nhu cầu giường bệnh ngày càng tăng, nhất là do những vấn đề về hô hấp mà COVID-19 gây ra. Mỗi khi có giường trống, hai bác sĩ gây mê sẽ phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hồi sức và bác sĩ nội khoa để quyết định xem bệnh nhân nào sẽ được sử dụng. Tuổi tác, tiền sử y khoa, thậm chí là tình trạng kết hôn đều là những yếu tố được đưa ra cân nhắc.
"Chúng tôi phải xem xét xem liệu các bệnh nhân cao tuổi hơn có gia đình và có khả năng chăm sóc họ khi họ rời ICU hay không, bởi họ sẽ cần giúp đỡ", Marco Resta, phó trưởng khoa ICU của Bệnh viện San Donato chia sẻ.
"Và kể cả với những bệnh nhân mà cơ hội sống hầu như không có, bạn vẫn phải nhìn vào mắt họ và nói: "Mọi chuyện đều ổn". Dù lời nói đó đang hủy hoại bạn", ông đau xót thừa nhận.
Cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất đang xảy ra tại Italia kể từ sau Thế chiến II đã buộc hàng nghìn y bác sĩ, bệnh nhân, thậm chí là cả gia đình của họ phải đưa ra những lựa chọn mà theo Resta, một cựu bác sĩ quân y, là chưa từng có, kể cả trong thời chiến.
Phó trưởng khoa ICU của bệnh viện San Donato nhận định, khoảng 50% những bệnh nhân nhiễm COVID-19 hiện đang được điều trị ở các đơn vị ICU tại Italia đang hấp hối, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong thông thường (từ 12-16%) ở các đơn vị ICU trên toàn quốc.
Theo Giacomo Grasselli, trưởng đơn vị điều trị tích cực tại Bệnh viện Policlinico ở Milan, trong 3 tuần lễ, 1.135 người tại Lombardy đã phải cần đến sự chăm sóc đặc biệt, nhưng khu vực này chỉ có 800 giường ICU. Điều đó khiến các y bác sĩ buộc phải lựa chọn ai sẽ được điều trị.
Dù những tình huống như vậy không còn xa lạ trong khu điều trị ICU, nhưng nó vẫn khiến các y bác sĩ tại đây đau lòng. Khi điều trị bệnh nhân gặp khó khăn về đường thở, các bác sĩ luôn phải đánh giá cơ hội hồi phục của họ trước khi đặt nội khí quản.
"Chúng tôi không quen với những quyết định nghiệt ngã như vậy", bác sĩ Resta giãi bày. Một bác sĩ khác tại Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cũng đưa ra nhận định tương tự: "Việc nói với bệnh nhân rằng bạn sẽ không chết vì COVID-19 thực sự là một lời nói dối, và điều đó khiến tôi cay đắng", trích lời bác sĩ Christian Salaroli, một chuyên gia gây mê.
Hay không có sự lựa chọn?
"Đó là khoảng 6h sáng nhưng tôi đã hoàn toàn kiệt quệ. Vẫn còn 1 tiếng nữa trước khi kết thúc ca trực, nhưng tôi đã gục ngã", y tá Elena Pagliarini kể về khoảnh khắc cô đổ gục trên bàn làm việc vì kiệt sức, khi đang trong kíp trực tại bệnh viện Cremona của Italia.
Khoảnh khắc ấy đã được đồng nghiệp của cô chụp lại, đăng tải trên mạng xã hội, và nhận được sự chia sẻ từ hàng nghìn người dân trên khắp thế giới. Bức ảnh giản đơn ghi lại hình ảnh Pagliarini trong bộ trang phục ngành y, gục ngã trên chính chiếc bàn làm việc của mình khi tay vẫn đang cầm tài liệu và vẫn đeo chiếc khẩu trang y tế, đã phản ánh chân thực nhất sự khốc liệt của y tế Italia những tuần vừa qua.
"Một mặt, tôi cảm thấy xấu hổ khi thể hiện sự yếu đuối của mình. Nhưng sau đó, tôi thấy vui, bởi bản thân đã truyền đi những thông điệp ý nghĩa đến người khác, những người đồng cảm với câu chuyện của chúng tôi. Tôi thực sự không cảm thấy mệt mỏi về mặt thể chất. Tôi có thể làm việc liên tục trong 24 giờ nếu cần thiết. Nhưng tôi sẽ không che giấu sự thật rằng hiện tại tôi đang lo sợ, bởi tôi đang phải chiến đấu chống lại một kẻ thù mà tôi thậm chí còn không biết", Pagliarini đã nói về bức ảnh chụp mình như thế.
Pagliarini chỉ là một trong số hàng nghìn y bác sĩ trên khắp Italia đang ngày đêm chống chọi và chiến đấu với COVID-19. Họ kiệt sức và hoảng sợ, họ lo ngại và hoang mang, nhưng họ vẫn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng và chiến đấu bền bỉ từng ngày, bởi "chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác", Massimo Puoti chia sẻ.
Bác sĩ Masimo Puoti là trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Niguarda, Milan, một trong những bệnh viện lớn nhất tại vùng Lombardy. Lombardy bấy lâu nay luôn được coi trung tâm kinh tế của Italia, với một trong những hệ thống y tế được đánh giá là tốt nhất thế giới.
Nhưng, COVID-19 đã thay đổi tất cả, đặt các y bác sĩ của Italia vào trạng thái bị động hoàn toàn, nhất là khi con số bệnh nhân tăng từ hàng trăm, lên tới hàng nghìn, và giờ là hàng chục nghìn người. "Đây thực sự là một cuộc chiến. Chúng tôi cần thời gian", bác sĩ Puoti chia sẻ.
Theo New York Times, các bác sĩ tại Italia đã phải chuyển chế độ làm việc sang thời chiến. Điều đó đồng nghĩa với việc mặt nạ chống độc trở nên quý hiếm, các không gian từng bị giải tỏa được chuyển đổi thành khu vực chăm sóc đặc biệt, những lều bệnh dã chiến được dựng lên tại tất cả bệnh viện để điều trị bệnh nhân.
"Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen và các trận chiến không ngừng diễn ra cả ngày lẫn đêm", bác sĩ Daniele Macchini buộc phải thốt lên, gọi tình huống này là một thảm họa dịch tễ học khiến lực lượng y bác sĩ Italia "choáng váng". Áp lực đối với các bác sĩ là vô cùng lớn, với sự căng thẳng luôn luôn thường trực, Politico nhận định.
Ông Giulio Gallera, ủy viên Hội đồng Phúc lợi vùng Lombardy, chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng, ông đã nhìn thấy một số nhân viên y tế bật khóc vì tình hình thảm khốc trong bệnh viện của họ. "Họ sợ rằng không thể cung cấp cho mọi người sự chăm sóc cần thiết, bởi nhu cầu chăm sóc vượt quá khả năng nhân lực", ông nói.
Khi lựa chọn là chưa đủ
"Giá như có thêm nhiều ICU, chúng tôi sẽ cứu được thêm nhiều người hơn", thị trưởng Giorgo Gori của Bergamo đã nói như thế, khi tận mắt nhìn khoảng cách đang ngày một tăng giữa sự thiếu hụt của vật lực, và sự gia tăng tới khủng khiếp của bệnh nhân.
Hiệu trưởng trường đào tạo Chăm sóc chuyên sâu Italia Flavia Petrini cho biết, đơn vị này đã cung cấp các hướng dẫn cần thiết đối với các cơ sở y tế trong thời điểm cả nước đang "tiệm cận" thảm họa thời chiến, theo đó nhấn mạnh việc chăm sóc đặc biệt cần được dành cho những bệnh nhân có nhiều cơ hội sống hơn.
"Không ai bị bỏ rơi, chỉ là chúng tôi đang ưu tiên dựa trên tiêu chí. Những sự lựa chọn này vốn vẫn được đưa ra vào thời điểm bình thường, nhưng điều không bình thường ở đây, đó là việc phải chăm sóc 600 người cùng một lúc", Tiến sĩ Petrini nói.
Nhưng kể cả khi một hướng dẫn điều trị chi tiết đã được đưa ra, Italia vẫn đứng trước bài toán lớn: Bài toán nhân lực. Matteo Stocco, Giám đốc Bệnh viện San Paolo và San Carlo ở Milan, cho biết 13 thành viên trong đội ngũ nhân viên y tế của ông đã phải nghỉ làm sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Một trong những bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện này cũng bị nhiễm bệnh sau ba tuần làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Sức đề kháng của những y bác sĩ không đủ để giúp họ chống chọi với dịch bệnh nguy hiểm này.
Bác sĩ Puoti thuộc Bệnh viện Niguarda chia sẻ, các bác sĩ phải giữ khoảng cách với nhau trong quán ăn, đeo khẩu trang trong các cuộc họp và tránh tụ tập trong phòng nhỏ. Tuy nhiên, kể cả khi đã phòng tránh đến mức đó, một số bác sĩ vẫn bị nhiễm bệnh. "Chúng tôi đang cố gắng duy trì quân số bác sĩ", ông Puoti nói.
Song song với bài toán thiếu hụt vật lực, Italia cũng đang nỗ lực tìm cách giải bài toán thiếu hụt nhân lực đang ngày càng trở nên nguy cấp hơn. Bộ trưởng phụ trách các trường Đại học Gaetano Manfredi cho biết, chính phủ sẽ cho phép sinh viên tốt nghiệp ngành y trong năm nay được tốt nghiệp sớm, thay vì trải qua các kỳ thi bắt buộc cuối khóa, để đảm bảo đủ đội ngũ nhân viên y tế đối phó với cuộc chiến hiện nay.
"Điều này có nghĩa rằng hệ thống Y tế quốc gia sẽ ngay lập tức có thêm 10.000 bác sĩ, yếu tố cơ bản để có thể đối phó với sự thiếu hụt mà đất nước ta đang phải chịu đựng", ông nói. Các sinh viên y sau khi tốt nghiệp sẽ được điều đến làm việc tại các phòng khám đa khoa, trong khi các bác sĩ có kinh nghiệm hơn sẽ được đưa đến những bệnh viện với số lượng ca nhiều và khó.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt giải pháp được chính phủ Italia áp dụng với mục tiêu duy nhất là ngăn chặn COVID-19 lan rộng, từng bước điều trị bệnh nhân. Thế nhưng, "nếu như thủy triều tiếp tục dâng cao, những nỗ lực xây đập để giữ nó lại sẽ trở nên ngày càng khó khăn" - Giám đốc Bệnh viện truyền nhiễm Đại học Sacco tại Milan Massimo Galli đau đớn thừa nhận thực tế này, khi nhìn số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Italia tăng lên từng giờ.
24 giờ nữa lại tiếp tục trôi qua, với vô vàn những lựa chọn có không mà các bác sĩ Italia phải đối mặt, trong khi đó, ngoài "biển", thủy triều vẫn cứ dâng.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/khi-bac-si-noi-doi-588167/