Khi bác sĩ thành người thân

Với những y, bác sĩ (BS) công tác trong môi trường đặc thù thì không chỉ đòi hỏi giỏi về chuyên môn mà còn phải là 'nhà tâm lý', người bạn đồng hành cùng bệnh nhân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn khi không có người thân bên cạnh. Và hàng ngày, những y, BS đang công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh vẫn thầm lặng gắn bó với công việc.

Xem bệnh nhân là người thân

Ông Trần Ngọc Cứ vừa khám bệnh, vừa khuyên răn, động viên học viên

Ông Trần Ngọc Cứ vừa khám bệnh, vừa khuyên răn, động viên học viên

Trong một ngày giữa tháng 02, chúng tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh để tìm hiểu về chuyện nghề của đội ngũ y, BS nơi đây. Mặc dù làm việc trong môi trường đặc thù, nguy hiểm, thiếu cả nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế nhưng những người công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh luôn nhiệt tình, choàng gánh công việc cho nhau và rất tận tâm với bệnh nhân.

Điểm đầu tiên chúng tôi được giới thiệu đến là khu điều trị đặc biệt cho những học viên (HV) có bệnh nền cần theo dõi như huyết áp, tim mạch,... Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Hiện Phòng Y tế phục hồi sức khỏe có 10 nhân viên, trong đó, có 1 BS vừa ký hợp đồng, 8 y sĩ và 1 điều dưỡng. Ngoài đảm nhận công việc cắt cơn, phát thuốc, đội ngũ y, BS còn phải thăm khám sức khỏe thường xuyên cho các HV, nhất là những HV có bệnh nền. Trường hợp HV bệnh nặng phải nhập viện, phòng cử 1 nhân viên y tế cùng theo đoàn chăm sóc, những nhân viên còn lại phải choàng gánh công việc cho nhau”.

Để dễ hình dung về sự vất vả của đội ngũ y, BS, ông Cường đưa chúng tôi đến nơi các y, BS khám bệnh, phát thuốc cho các HV. Quan sát, chúng tôi thấy ngoài khám bệnh, phát thuốc cắt cơn, các y, BS còn nhẹ nhàng khuyên răn HV cố gắng vượt qua cơn thèm thuốc. Trong lúc vật vã vì "đói" thuốc, một vài HV có lời nói không hay, thậm chí xúc phạm các y, BS rồi còn tự đánh mình.

Phó Trưởng phòng Y tế phục hồi sức khỏe, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh - Trần Ngọc Cứ chia sẻ: “Khi lên cơn thèm thuốc, HV mới phản ứng mạnh như vậy. Họ đáng tuổi con, cháu mình nhưng lại sớm sa vào con đường nghiện ngập nên chúng tôi đối xử với họ như người thân, có như vậy mới giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ai cũng có lầm lỡ, mong rằng họ thấy được cái sai và quyết tâm sửa đổi, tái hòa nhập cộng đồng”.

Hàng ngày tiếp xúc với các HV đang cai nghiện nhưng đội ngũ y, BS nơi đây không kỳ thị, phân biệt đối xử mà luôn chủ động tìm hiểu về hoàn cảnh để giúp họ vượt qua khó khăn, nhất là những đối tượng bị nhiễm HIV, lao,... Anh L.K.T. (quê xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) nói: “Khi mới vào cơ sở, tôi bị bệnh huyết áp và viêm da toàn thân. May mắn tôi được các y, BS nhiệt tình chăm sóc, điều trị. Giờ chuẩn bị trở về địa phương, tôi hứa sẽ không quay lại con đường nghiện ngập, cố gắng sống có ích, không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Chia sẻ và đồng cảm

Ngược về TP.Tân An, chúng tôi đến Trung tâm CTXH tỉnh. Bỏ lại nhịp sống hối hả bên ngoài, Trung tâm như một nơi "nghỉ dưỡng" của những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Phó Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh - Lê Văn An thông tin: “Hiện Trung tâm nuôi dưỡng trên 400 đối tượng, trong đó, có 47 đối tượng là người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật. Người già thường mắc nhiều bệnh như huyết áp, khớp, tim mạch, tai biến,... Các cụ cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt không chỉ bằng thuốc mà còn bằng tình cảm, sự quan tâm”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phương khám bệnh cho người già neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phương khám bệnh cho người già neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Tiếp lời ông An, BS Nguyễn Hữu Phương nói: “Làm việc tại Trung tâm mà câu nệ hay làm chỉ vì đồng lương sẽ không bao giờ gắn bó được. Những người gắn bó lâu dài với Trung tâm chủ yếu làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều người vào làm được vài ngày thấy vất vả, lương thấp là nghỉ việc ngay. Điều này làm cho Trung tâm lúc nào cũng trong tình trạng thiếu người nhưng đăng tuyển lại không được”.

Nói rồi, BS Phương tiếp tục đến từng phòng khám bệnh cho các cụ già. BS nhớ rất chi tiết về tình trạng sức khỏe của từng cụ và khi BS Phương đến, các cụ cười, nói vui vẻ, rôm rả cả phòng.

BS Phương cho biết thêm: “Điều trị cho các cụ không chỉ bằng thuốc mà còn bằng tình cảm, sự quan tâm. Khi người bệnh trải lòng, mình sẽ hiểu hơn về tình trạng bệnh và có cách điều trị phù hợp. Những cụ già khi vào Trung tâm đều không có người thân bên cạnh nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ của mọi người. Hiểu được điều đó nên lúc nào chúng tôi cũng tạo không khí thoải mái, vui vẻ và xem họ như người nhà của mình”.

Tình yêu nghề, sự đồng cảm, sẻ chia là những "bí quyết" giúp đội ngũ y, BS tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, Trung tâm CTXH tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và trở thành "người bạn" tin cậy của các đối tượng. Bằng trách nhiệm và tình yêu thương, các y, BS đang công tác trong môi trường đặc thù không chỉ là người điều trị bệnh mà còn là người thân sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng người bệnh./.

Bằng trách nhiệm và tình yêu thương, các y, bác sĩ đang công tác trong môi trường đặc thù không chỉ là người điều trị bệnh mà còn là người thân sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng người bệnh.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-bac-si-thanh-nguoi-than-a150426.html