Khi báo chí và sự bức xúc gặp nhau

Dù Chính phủ rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng sau hơn hai năm, tình hình tuy có những bước tiến nhưng không như kỳ vọng. Những vướng mắc của DN không phải là hiếm gặp.

Các hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp của Văn phòng Chính phủ, của Chính phủ những năm gần đây luôn đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong khi Thủ tướng và Chính phủ luôn đốc thúc, tức là “trên nóng” nhưng ở cấp cục, vụ và địa phương lại chưa hẳn đã tích cực hưởng ứng, tức là “dưới vẫn lạnh”. Các DN vì thế cảm thấy ấm ức vì lẽ ra đó là công việc của cơ quan nhà nước phải làm mà họ phải đi xin xỏ.

Trước tình hình đó, nhiều DN và hiệp hội DN đã mạnh dạn lên tiếng khi lĩnh vực kinh doanh mà mình tham gia có nguy cơ bị bức tử hoặc bị đối xử không công bằng. Chẳng thế mà những DN và chuyên gia có tâm huyết với nước mắm truyền thống đã hành động bất ngờ khi đến dự hội thảo về thông tư về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà không được mời.

Bởi đọc dự thảo và thấy rõ những nguy cơ khi nước mắm truyền thống có thể bị đánh đồng với nước mắm công nghiệp, họ đã không thể chịu đựng. Tại hội thảo hồi tháng 3, “tiến sĩ nước mắm” Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ KH&CN (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT), đã bị mời ra ngoài, không cho phát biểu. Ra đến sân một cơ quan nhà nước, TS Dung chỉ còn cách phân trần với báo chí.

“Hôm nay tôi không được mời tới đây nhưng vẫn tới. Thực sự rất mất mặt. Tuy nhiên, nếu tôi không làm thế thì chẳng còn cơ hội nào để nói nữa. Tôi muốn thay mặt các nhà sản xuất nước mắm truyền thống lên tiếng chia sẻ vì họ không được mời tới đây” - TS Dung. Đồng thời, bà đặt nhiều câu hỏi về sự không minh bạch khi các nhà sản xuất nước mắm, các chuyên gia nước mắm không được mời đến hội thảo này. Mục đích của bà cũng chỉ là “trả lại tên cho nước mắm truyền thống”, không để dự thảo quy phạm thực hành sản xuất nước mắm xóa bỏ.

Có lẽ cũng vì sự quyết liệt của các chuyên gia, của báo chí, trong đó có Pháp Luật TP.HCM mà dự thảo này đã phải xây dựng lại. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ mà Pháp Luật TP.HCM đã đồng hành cùng DN. Nói cách khác, chính sự chủ động của các DN, hiệp hội cùng với sự “tiếp sức” của báo chí đã khiến nhiều chính sách trở nên minh bạch hơn.

Đây là tín hiệu đáng mừng. Mỗi dòng tin, mỗi bài viết phản ánh những khó khăn của DN hay nêu lên những định hướng, tâm huyết của cộng đồng kinh doanh chính là cách đồng hành hữu hiệu nhất!

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/khi-bao-chi-va-su-buc-xuc-gap-nhau-858551.html