Khi bảo hiểm y tế có mặt trong lúc ngặt nghèo

Có BHYT, người dân có thêm chỗ dựa để chiến đấu với bệnh tật. Trong ảnh: Người dân khám và điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Ảnh: THÁI HÀ

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Việc tham gia BHYT mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính.

BHYT đồng hành cùng sức khỏe

Ở nông thôn quen với ruộng vườn, chăm sóc con cái nên với bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), tấm thẻ BHYT khá xa lạ. Bản thân bà Dung và gia đình, nếu có hắt hơi sổ mũi thì ra tiệm thuốc, mua vài liều về uống là ngày mai đã có thể làm việc bệnh thường. “Nhà đông con, phải làm mới có ăn chứ đâu có rảnh… mà bệnh”, bà Dung hài hước nói.

Nếu như năm 1995, số người tham gia BHYT là 32.268 người, thì đến hết tháng 10/2019, con số này đã tăng lên 781.446 người. Trung bình mỗi năm có trên 1 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh với chi phí hàng trăm tỉ đồng. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Rồi một dạo, bà Dung thấy cổ mình ngày càng đau, sưng to, uống thuốc cả tháng, nóng ran người mà không thuyên giảm nên phải đi bệnh viện khám. Ngay lập tức bà Dung được yêu cầu vào bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà Dung bị K amidan cần phải xạ trị. Nhà không sẵn tiền, con cái còn nhỏ, đứa con gái lớn nhất đang học trung cấp, 4 đứa nhỏ còn lại đang tuổi ăn tuổi lớn, bà Dung gom góp hết tiền của gia đình cũng chỉ đủ duy trì việc điều trị trong vài tháng. Gia đình vốn trước đó kinh tế trung bình, qua một năm chạy chữa đã trở thành hộ nghèo, phải vay mượn khắp nơi và được cấp miễn phí thẻ BHYT.

Chính nhờ tấm thẻ BHYT dành cho hộ nghèo cùng với ý chí kiên cường, bà Dung đã có cuộc đấu tranh dai dẳng trong 10 năm trời để chống chọi và vượt qua bệnh tật. Bà Dung chia sẻ: “Với tấm thẻ BHYT cho hộ nghèo, tôi được hưởng các chi phí điều trị nên chỉ đóng góp phần nhỏ, chủ yếu là chi phí sinh hoạt, ăn ở tại bệnh viện. Những năm tháng đen tối nhất của cuộc đời, dù phải trải qua rất nhiều đau đớn nhưng tôi may mắn có sự hỗ trợ của BHYT dành cho người nghèo nên mới có thể vượt qua”.

Ông Ngô Cần và bà Ngô Lệ Ngọc (TP Tuy Hòa) cùng sinh năm 1957. Dù đã lớn tuổi, nhưng cả hai đều cố gắng tham gia đầy đủ cho cả gia đình 5 người từ khi có chính sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. Với ông Cần và bà Ngọc, việc tham gia BHYT chỉ để cho yên tâm vì cả chục năm tham gia, chỉ mỗi mình bà thỉnh thoảng đến trạm y tế lấy vài viên thuốc huyết áp chứ gia đình không ai dùng đến.

Nhưng đùng một cái, năm 2015, con trai út của ông Cần bị tai nạn xe, phải điều trị lâu dài và tốn kém. Lúc này, nhờ có BHYT, gia đình ông Cần chỉ trả một phần chi phí. Số còn lại đã có bảo hiểm lo, bà Ngọc đỡ lo lắng về tiền bạc và dồn thời gian chăm sóc cho con trai. Nhờ vậy mà con trai bà cũng mau hồi phục.

Nỗ lực bao phủ 91,5% dân số

Toàn tỉnh hiện có hơn 786.000 người tham gia BHYT, đạt 90,04%; BHXH tỉnh phấn đấu đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 91,5% dân số trong năm 2020 và hướng đến toàn dân được chăm sóc sức khỏe, để không ai phải bị bỏ lại phía sau.

Là một lao động tự do, kinh tế khó khăn nên chị H.T.T.L (sinh năm 1988, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) không nghĩ đến việc đóng BHYT. Năm 2019, khi ho và khó thở, chị vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) để khám và kết quả cho thấy chị bị viêm phổi cấp. Chị L phải gọi điện thoại về vận động người thân được gần 50 triệu đồng mới có tiền điều trị. Sau thời gian nằm viện, chị L tiếp tục đi làm. Do sức khỏe chưa hồi phục cộng với ăn uống có phần kham khổ, vài tháng sau đó, bệnh phổi tái phát. Chị L lại điện thoại cầu cứu gia đình. Không có đủ tiền đóng viện phí tại TP Hồ Chí Minh, chị L về quê chữa trị. Để giảm chi phí điều trị, gia đình đã mua thẻ BHYT cho chị L. Tuy nhiên, do bệnh tình chuyển biến xấu nên chị L mất khi chưa nhận được thẻ BHYT. Chị gái của L buồn bã: “Giá như không chủ quan, sớm mua BHYT từ trước thì chi phí khám chữa bệnh sẽ không quá nhiều, gia đình không đến nỗi khó khăn và có thể can thiệp để em gái tôi được điều trị sớm”.

Chia sẻ về quá trình vận động người dân tham gia BHYT, bà Phạm Thị Kim Tâm, nhân viên đại lý thu BHYT phường 2, TP Tuy Hòa cho biết, khi chính sách BHYT hộ gia đình mới ra đời, bà dành rất nhiều thời gian để vận động người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân càng ngày càng nắm rõ chính sách cộng với khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, người dân ý thức được sẽ phải trả viện phí cao nếu không tham gia BHYT, nhờ vậy số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng. Tuy nhiên vẫn còn những người hoặc do khó khăn thực sự, hoặc chủ quan với sức khỏe của chính mình nên chưa tham gia BHYT. Những trường hợp này, nếu như sự cố sức khỏe xảy ra, thì dù chạy đôn chạy đáo đi mua BHYT cũng không còn kịp.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/235006/khi-bao-hiem-y-te-co-mat-trong-luc-ngat-ngheo.html