Khi bão không chỉ là chuyện trên TV...

Trực tiếp trải qua cơn bão lớn, chúng ta mới thực sự thấy rằng biến đổi khí hậu là vấn đề sát sườn, hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống...

Hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội đổ la liệt do bão số 3.

Hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội đổ la liệt do bão số 3.

Trong những ngày Thu khác lạ này, người Hà Nội lo chạy lụt, lo cứu đê, chứng kiến hàng loạt cây xanh bật gốc, gãy thân, nằm la liệt nhiều tuyến phố. Nhiều cái cây “huyền thoại” từ nay trở đi sẽ chỉ là một mảnh ký ức thị dân, khiến người ta phải xót xa. Người người, nhà nhà nghe ngóng, cập nhật thông tin thời tiết, nước lên, lũ quét, sạt lở đất không chỉ nơi mình ở mà cả các tỉnh khác khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng của siêu bão Yagi.

Trung bình mỗi năm có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Người thành thị vẫn thấy lũ lụt ở miền Trung, sạt lở ở miền núi, triều cường ở miền Nam... Song, đó vẫn là những vấn đề ở đâu đó chứ không phải nhà ta. Phải đến Yagi, người Hà Nội mới trực tiếp trải nghiệm (thót tim) trọn vẹn một cơn siêu bão với mưa to, gió rít, cây đổ, tốc mái và thương vong.

Lần đầu tiên cơ quan khí tượng phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ bốn trên Vịnh Bắc Bộ và lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử. Đáng ngại là những cơn siêu bão như vậy có thể xuất hiện ngày càng nhiều. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nhiệt độ nước biển, dẫn đến việc các cơn bão trở nên mạnh và nguy hiểm hơn, kèm theo tăng lượng mưa và lũ lụt nghiêm trọng.

Một nghiên cứu của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu chỉ ra rằng số lượng bão không tăng nhiều, nhưng tỷ lệ các cơn bão đạt cấp độ mạnh nhất sẽ tăng lên. Điều này nghĩa là trong tương lai, thế giới có thể phải đối mặt với những cơn bão lớn và nguy hiểm hơn, đặc biệt ở Tây Thái Bình Dương.

Trực tiếp trải qua cơn bão lớn, chúng ta - quan trọng hơn là Gen Y, Gen Z và Gen Alpha mới thực sự thấy rằng biến đổi khí hậu là vấn đề sát sườn, hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống chứ không phải chỉ là chuyện trên báo, trên TV. Chỉ khi mắt thấy tai nghe và chứng kiến hậu quả nhãn tiền, con người mới có động lực để “xanh” hơn, bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ trong cuộc sống.

Sống xanh có khó không? Có lẽ là vừa dễ, vừa khó. Dễ là cầm theo chiếc bình giữ nhiệt đi làm hằng ngày để mua cà phê thay vì sử dụng cốc nhựa dùng một lần ngoài hàng. Khó là phải cọ rửa và nhớ mang theo hằng ngày.

Dễ là cất pin điều khiển, chuột máy tính, đồ chơi... đã hết năng lượng vào một cái lọ thay vì vứt vào thùng rác. Khó là những địa điểm thu gom pin tái chế ở nội đô thường chỉ nhận theo đợt.

Dễ là xỏ giày đi bộ hoặc đạp xe cho những chuyến đi gần nhà. Khó là phải vượt qua cảnh mồ hôi ròng ròng, mệt nhọc và tốn thời gian hơn đi xe máy.

Giống như những câu châm ngôn về tình yêu: Muốn sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do. Hãy cứ bắt đầu, có thể hơi khó, hơi phiền lúc đầu nhưng khi mọi việc đã vào guồng, ta sẽ thấy tự tin hơn vì phong cách sống tốt đẹp.

Tại sao phải nhấn mạnh về Gen Y, Gen Z và Gen Alpha? Đó là bởi, họ chính là những người sẽ đối mặt với hệ quả của biến đổi khí hậu trong 10-20-30 năm nữa. Hiện tại, họ vẫn còn rất trẻ và đang trong độ tuổi học hỏi, phát triển bản thân. Nếu được giáo dục, định hướng đúng đắn để chống biến đổi khí hậu, lại thêm những trải nghiệm sát sườn, các bạn trẻ sẽ nhận thức rõ việc hành động là trách nhiệm của bản thân mỗi người, chứ không phụ thuộc vào bất cứ chính phủ, tổ chức nào.

Nếu vẫn cho rằng siêu bão như Yagi đổ bộ là chuyện hiếm có, hãy cho google cho họ xem về việc đầu năm 2024, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm ra hạt vi nhựa lẫn trong máu người. Ô nhiễm, biến đổi khí hậu đã tác động đến bên trong cơ thể và cả không gian sống bên ngoài của con người.

Hành động để bảo vệ mình, cũng là bảo vệ Trái đất. Những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu giờ đã trực tiếp và sát sườn. Xin đừng chần chừ!

Trí Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-bao-khong-chi-la-chuyen-tren-tv-285981.html