Khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thẳng vào tâm dịch

Cuối tháng 1, đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở Quảng Ninh, nặng nề nhất là Đông Triều. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đi ngay vào tâm dịch.

1 giờ chiều ngày 27/1, trước khi lên ô tô đến Trung tâm hội nghị quốc gia dự Đại hội Đảng toàn quốc, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận được thông tin khẩn: Nhân viên an ninh cảng hàng không Vân Đồn dương tính với Covid-19.

4 tiếng sau, khi về tới khách sạn, ông Ký có thêm thông tin khác: TX Đông Triều, tiếp giáp với tỉnh Hải Dương có nguy cơ rất cao trở thành ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh được thông báo đã rà soát được 19 đối tượng F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân nữ sinh năm 1989, cư trú tại xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, Hải Dương - ca dương tính với Covid-19 sau khi sang Nhật Bản lao động. Cô gái này là công nhân công ty Poyun (khu công nghiệp Cộng Hòa, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương).

“Khi đó, tôi bắt đầu lo lắng”, ông Ký nhớ lại trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam.

Nhưng con số chưa dừng lại. Ngày thứ 2, Quảng Ninh nhận được thông tin 119 người ở Đông Triều làm việc ở công ty Poyun. 5 ngày sau, con số này là 651 người. “Thực sự là ngã ngửa. Ba hôm sau, chúng tôi nhận được báo cáo có 1.026 người làm việc ở công ty Poyul”, ông kể lại.

Từ sau ca nhiễm đầu tiên phát hiện ngày 27/1, đến sáng 29/1, Quảng Ninh có 13 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cùng ngày, UBND tỉnh ra quyết định giãn cách xã hội với toàn bộ TX Đông Triều; phong tỏa 14 ngày đối với xã Bình Dương (giáp ranh với Chí Linh - Hải Dương). Toàn bộ lối vào xã Bình Dương được dựng rào chắn, thiết lập trạng thái "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Tính đến 17h ngày 2/2, ở TX Đông Triều ghi nhận 15 ca mắc Covid-19, ngoài ra còn có 35 người Đông Triều mắc Covid- được phát hiện tại các tỉnh, thành phố khác.

Sáng 2/2, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn có mặt ở tâm dịch xã Bình Dương. Đi cùng còn có Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh.

“Thực sự, nếu chúng tôi không đi vào tâm dịch thì không biết bên trong có chuyện gì, người dân sinh sống thế nào. Chúng tôi được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Tôi thấy trong đó như một xã hội thu nhỏ, bà con vẫn sinh hoạt như khi chưa có dịch, vẫn karaoke, cà phê, bán đồ lưu niệm… Ngay lập tức, tôi họp khẩn với 21 xã phường để chấn chỉnh ngay, đồng thời cử một phó giám đốc Sở Y tế ở trong tâm dịch, mỗi thôn có 1 cán bộ y tế”, ông Ký kể.

Với phương châm thần tốc, quyết liệt truy vết, thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm dứt điểm các trường hợp F1, các trường hợp nguy cơ cao; kịp thời khoanh vùng phong tỏa tạm thời, dập dịch khoa học, hợp lý… tập trung mọi nỗ lực, nguồn lực nên chỉ trong 1 tuần, đến ngày 28 Tết (9/2/2021), Quảng Ninh đã kiểm soát được tình hình, chặn đứng đà lây lan, giảm thiểu các ca nhiễm mới, không để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Truy vết kỹ càng là một trong những yêu cầu được Quảng Ninh quán triệt. Ông Nguyễn Xuân Ký cho biết, mục tiêu của tỉnh là truy vết đến F5. “Đông Triều có 200 nghìn dân, 20/21 xã có F0. Nếu không làm nhanh, vỡ trận ngay. Ngay khi phát hiện ra Đông Triều như vậy, chúng tôi quyết truy vết đến F5, làm đến F3”, ông Ký nói. Phương châm của tỉnh là “tuyệt đối không được bỏ sót F1; bỏ sót là nguy cơ trở thành ổ dịch mới”.

Vị Bí thư Tỉnh ủy cũng nhớ lại khó khăn vào những ngày đầu khi Quảng Ninh không thuộc diện được xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.

“Khi công bố dịch thì lẽ ra phải công bố cả Đông Triều chứ không phải chỉ Chí Linh, vì hai đơn vị ấy ngày xưa là một đơn vị hành chính. Ngoài ra, nhà máy Poyun nằm ở phường Hoàng Tiến (Hải Dương), sát vách với thôn Bắc Mã của xã Bình Dương (Đông Triều). Hai xã này có chung 1 chợ, chung 1 trục đường, chung 1 con mương để hàng ngày giặt giũ. Mặt khác, nhà máy Poyun có 2.600 công nhân thì ở Đông Triều có 1.000 công nhân”, ông giải thích.

Chi tiết này khiến Quảng Ninh không tránh khỏi vất vả khi muốn áp dụng các biện pháp chặt để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc xét nghiệm trên diện rộng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi phải vận động để nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề là xin được xét nghiệm diện rộng rất khó khăn. Nếu không có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì một cuộc họp thì Quảng Ninh không làm được đâu. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh ngày 4/2, chúng tôi đề xuất được xét nghiệm diện rộng để sàng lọc vì cùng một lúc cả 5 địa phương có ca dương tính là Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn. Thực sự, chúng tôi rất cám ơn Phó Thủ tướng đã đồng ý cho Quảng Ninh được xét nghiệm diện rộng để dập tắt ổ dịch sớm”.

Ông Nguyễn Đình Thọ (Trưởng thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương, TX Đông Triều) kể: “Nghe tin có Bí thư Tỉnh ủy về, tôi mừng lắm. Thường ngày chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành quy định về phòng chống dịch, nhưng sau khi nghe Bí thư động viên, hướng dẫn, mọi người trong thôn đều có ý thức hơn. Dịp Tết thay vì tới nhà nhau, năm nay bà con chúc nhau qua điện thoại".

Đến nay, Quảng Ninh đã kiểm soát được dịch bệnh. Từ ngày 2/3, tỉnh triển khai mở lại một số hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới - sống chung với dịch. Tỉnh đã thiết kế 6 trung tâm xét nghiệm ở 6 vùng và khuyến khích người dân hàng ngày chịu khó đi xét nghiệm. Mẫu test được Quảng Ninh xã hội hóa nên rất rẻ.

“Mục tiêu đặt ra để rà quét được rủi ro bởi bối cảnh này không ai nói rằng mọi thứ đã sạch đến mức hoàn toàn”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Lương Bằng - Phạm Công

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/bi-thu-chu-tich-tinh-quang-ninh-di-thang-vao-tam-dich-719446.html