Khi bí thư đảng ủy kiêm CTHĐT sẽ giúp tách bạch điều hành và quản trị trường ĐH

Thực hiện 'bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường' thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, thể hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 125-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Quy định số 125 nêu rõ: "...Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) ở nơi có hội đồng quản lý (hội đồng trường)...".

Quy định trên đã thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII là: “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường".

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Trung Dũng – Bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nói rằng, “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” là chủ trương phù hợp với lộ trình thực hiện tự chủ đại học.

Thầy Bùi Trung Dũng – Bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Thầy Bùi Trung Dũng – Bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là cơ sở cho các trường thành lập mới hội đồng trường. Hội đồng trường là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện tự chủ đại học.

Đứng dưới góc độ thực hiện tự chủ đại học, mô hình “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” có nhiều ưu điểm phù hợp, cho thấy sự tập trung thống nhất trong lãnh đạo và quản trị trong một cơ sở giáo dục đại học. Trên hết, chủ trương này thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Thầy Dũng nhận định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tách bạch việc điều hành và quản trị trường đại học. Đảng lãnh đạo toàn diện và đưa ra chủ trương, đường lối. Hội đồng trường thực hiện vai trò quản trị bằng việc ban hành các nghị quyết để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Hiệu trưởng điều hành công việc, hoạt động của nhà trường theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết của hội đồng trường.

Hội đồng trường sẽ giám sát việc điều hành của ban giám hiệu theo đúng chức trách nhiệm vụ được quy định tại Điều 16 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

“Có thể thấy sự tương đồng trong vai trò hoạt động của đảng ủy và hội đồng trường. Cả hai đều làm việc theo nguyên tắc tập thể, thông qua nghị quyết tập thể và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết đã ban hành.

Tuy nhiên, trong việc quản trị có sự phân định rạch ròi: Đảng lãnh đạo toàn diện và đưa ra chủ trương, đường lối. Hội đồng trường thông qua nghị quyết để hiện thực hóa các đường lối, chủ trương của Đảng. Do vậy, “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, thể hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ”, thầy Dũng khẳng định.

3 bài học kinh nghiệm khi thực hiện “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường”

Thầy Bùi Trung Dũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của nhà trường.

Thứ nhất, khi “bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường”, việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng được tuân thủ tuyệt đối.

Với việc làm tốt công tác cán bộ khi thành lập hội đồng trường, toàn bộ các thành viên hội đồng trường thuộc thành phần cán bộ, giảng viên cơ hữu đều là cán bộ lãnh đạo đơn vị và là Đảng viên (12/19 thành viên hội đồng trường là đảng viên thuộc Đảng bộ nhà trường, trong đó 7/9 đảng ủy viên).

Do vậy, trước mỗi cuộc họp hội đồng trường, nội dung được chủ tịch hội đồng trường báo cáo Đảng ủy, sau khi được Đảng ủy thông qua sẽ triển khai tới các đảng viên là thành viên hội đồng trường, tất cả các Nghị quyết của hội đồng trường được thông qua đều theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng ủy, bảo đảm tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng.

Điều này tránh được việc Nghị quyết của Đảng ủy không được hội đồng trường thực hiện hoặc hội đồng trường ban hành Nghị quyết khác hẳn, thậm chí có nội dung trái ngược với quan điểm, chủ trương của Đảng ủy.

Thứ hai, khi bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường thì mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng được thực hiện tốt hơn.

Xét dưới góc độ chính quyền, quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng là mối quan hệ phối hợp giữa hai người đứng đầu trong mỗi lĩnh vực được phân công. Trên thực tế, do cùng được coi là cấp lãnh đạo, cùng với bối cảnh một số cán bộ, giảng viên nhà trường chưa nắm chắc Luật 34, Nghị định 99, chưa hiểu rõ về vai trò, chức trách quyền hạn của các chức danh nên sẽ có những phản ánh, đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề nghị tới chủ tịch hội đồng trường, trong đó có nhiều công việc liên quan đến hoạt động quản lý điều hành nhà trường.

Để thấy vẫn có sự chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ, sự phối hợp công tác giữa hai chức danh.

Tuy nhiên xét dưới góc độ lãnh đạo của Đảng, cả chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng đều là cấp ủy viên được đảng cử giữ chức vụ và đều phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Bởi thế, khi có công việc cần trao đổi, hoặc nhận được phản ánh, kiến nghị của cán bộ, giảng viên, chủ tịch hội đồng trường hoàn toàn có thể trao đổi với hiệu trưởng với vai trò bí thư với phó bí thư mà không hề chồng chéo như khi trao đổi chỉ với tư cách chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng.

Thứ ba, bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường cũng góp phần phân định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của 3 thiết chế lãnh đạo, quản trị và quản lý, thực hiện tốt mô hình thống nhất trong lãnh đạo, quản trị nhà trường theo hướng nâng cao trách nhiệm lãnh đạo tập thể và cá nhân quản lý, phát huy dân chủ.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy với hội đồng trường và hiệu trưởng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Mỗi cá nhân lãnh đạo sẽ nhận thức rõ vai trò riêng của mình, thực hiện chức trách nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền đã được quy định.

Hoạt động của nhà trường tốt hơn do thực hiện nhất quán cơ chế giám sát lẫn nhau, phát huy tính tập thể.

Cần thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh - Bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, quy định “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” có từ năm 2017, tuy nhiên, Đại hội Đảng nhiệm kỳ năm 2020-2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thực hiện theo Nghị quyết số 19.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh - bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh - bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện ngay mà xây dựng lộ trình thực hiện, có nhiều trường dự kiến hết nhiệm kỳ đại hội Đảng 2020 – 2025 mới thực hiện.

Vì vậy, đến nay vẫn còn có cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19 nhưng hiện chưa có các chế tài cụ thể, làm cho chủ trương của Đảng chậm đi vào cuộc sống.

Theo Tiến sĩ Tĩnh, thực hiện “bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng trường trong các trường đại học theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, đó là: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”, để hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học.

Cô Tĩnh cho rằng, thời gian tới, Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Ban Cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Tỉnh ủy (Thành ủy) cần rà soát các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện quy định này để chỉ đạo các trường phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng với thời gian cụ thể (có thể hết năm 2023), nếu trường nào không thực hiện sẽ có các hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan.

Các trường chưa thực hiện quy định này phải nghiêm túc thực hiện theo đúng thời hạn do Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy (Thành ủy) quy định, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc chậm trễ thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khi-bi-thu-dang-uy-kiem-cthdt-se-giup-tach-bach-dieu-hanh-va-quan-tri-truong-dh-post238839.gd