Khi bí thư TP.HCM truy vấn về nhà trái phép

Chiều 22-10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thị sát bảy công trình xây dựng không phép của một phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và của người nhà vị này.

Tại đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã có những truy vấn gắt gao về một sự thật đắng nghét: Sai phạm tồn tại dai dẳng bởi được sự góp sức của rất nhiều người có chức quyền.

Tại đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã có những truy vấn gắt gao về một sự thật đắng nghét: Sai phạm tồn tại dai dẳng bởi được sự góp sức của rất nhiều người có chức quyền.

Thì ra ông Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức Lê Hữu Thành cùng người thân đã xây dựng nhiều công trình trên khu đất thuộc quy hoạch đất ga dự trữ, trong đó công trình đầu tiên được phát hiện từ năm 2012, tức là đã bảy năm trước. Nhiều công trình đã được UBND phường Hiệp Bình Chánh lập biên bản đình chỉ thi công, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Giấy tờ lớp lang vậy chứ trên thực tế các công trình này vẫn tồn tại bình thường.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Có đến bảy công trình sai phạm, lý do gì mà bảy năm chưa xử lý xong? Có phải quận chưa nghiêm túc, cán bộ địa bàn chưa nghiêm túc, người trong cuộc cũng cho qua luôn? Từng làm chủ tịch MTTQ quận mà làm sai, làm sao vận động người dân chấp hành pháp luật? Giờ làm phó chủ tịch HĐND quận mà làm sai, làm sao đi giám sát?”.

Sau cùng, Bí thư Nhân dứt khoát: “Phải chấm dứt ngay tình trạng này”. Kèm theo đó là những lưu ý có thể hiểu là không chỉ dành cho người vi phạm mà còn cho nhiều cơ quan chức năng trong quận. Đó là “cần tự xác định xem có đủ điều kiện tiếp tục làm phó chủ tịch HĐND quận nữa không” và “phải sắp xếp lại”.

Hiện tại, nhà không phép, sai phép ở TP.HCM còn nhiều quá, nhất là ở quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đi kèm theo đó là những hậu quả rất nghiêm trọng khi công trình vi phạm cũ chưa giải quyết xong thì lại có thêm nhiều công trình vi phạm mới. Nhiều khu dân cư, khu nhà xưởng đã hình thành tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự, gây khó cho công tác chỉnh trang và phát triển đô thị…

Lấy sự tồn tại bảy công trình nêu trên làm đơn cử để phân tích lỗi phải sẽ thấy trong vấn nạn nhà trái phép, nếu người dân lỗi một thì những cán bộ xây dựng trái phép và thỏa hiệp, tiếp tay cho sự trái phép đó lỗi mười.

Năm căn nhà xưởng của gia đình ông Lê Hữu Thành, phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, chiếm gần nửa con hẻm 419/14, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: VH

Năm căn nhà xưởng của gia đình ông Lê Hữu Thành, phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, chiếm gần nửa con hẻm 419/14, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: VH

Nhiều lỗi ấy xuất phát từ ba yếu kém sau đây:

Thứ nhất là thiếu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Muốn xây nhà xưởng hợp pháp thì phải có đất phi nông nghiệp hợp pháp và có giấy phép xây dựng. Ấy thế mà công trình của phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và của người nhà được tạo nên từ hai hành vi vi phạm. Gồm tự ý biến đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; xây dựng công trình trái quy hoạch không có giấy phép xây dựng trên đất không được phép xây dựng.

Thứ hai là phân biệt đối xử giữa quan với dân. Khi bị báo chí phát hiện, Quận ủy Thủ Đức đã báo cáo với bí thư Thành ủy là sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi sai phạm, nhất là với cán bộ lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ thì sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ và cũng không có sự bao che.

Liệu nói có đi đôi với làm không khi bảy công trình trái phép đã không được đập bỏ ngay từ đầu và cũng không có sự cưỡng chế tháo dỡ đúng quy định mà để “ầu ơ ví dầu” đến bảy năm? Chẳng lẽ dư luận cứ phải bức xúc hoài nhà của quan được đối xử đặc biệt, còn nhà dân thì đừng hòng.

Thứ ba là né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên trên. Mặc dù đã được pháp luật cấp quyền nhưng nhiều người có trách nhiệm vì kiêng nể, tư lợi… đã không thẳng tay xử lý vi phạm. Để rồi cấp xã đẩy việc lên cấp huyện, cấp huyện để kéo dài hoặc chờ cấp tỉnh chỉ đạo xử lý. Như ở bảy công trình trái phép trên, theo lẽ UBND (hay Quận ủy) Thủ Đức chỉ đạo giải quyết cho rồi thì phải đợi đích thân bí thư Thành ủy có ý kiến mới hớt hải làm.

Nhất định ba hạn chế to đùng này phải được giảm thiểu mà trước mắt là các công trình không phép phải được khẩn trương tháo dỡ để giữ được kỷ cương.

Đồng thời, Thường trực HĐND quận Thủ Đức cần căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND để quyết định về chức tước của người vi phạm. Khi phó chủ tịch HĐND quận không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì xem xét bãi nhiệm. Đối với chủ tịch phường, chủ tịch quận… đã để sai phạm kéo dài tới bảy năm gây ra nhiều điều tiếng cũng cần có sự chế tài tương thích.

Tóm lại, dẫu bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ lưu ý “phải sắp xếp lại” chứ không nêu rõ chi tiết thì vẫn phải hiểu là bất kỳ sai đã phạm luật thì cứ theo pháp luật mà xử thật nghiêm!

NGUYÊN THY

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/khi-bi-thu-tphcm-truy-van-ve-nha-trai-phep-866588.html