Khi bóng đá không còn là số 1

Bóng đá Đông Nam Á đã không còn là 'tất cả' ở trong những ngày này. Lần đầu tiên sau nhiều năm, một kỳ giải AFF Cup chìm khuất trong những mối quan tâm khác.

Vì World Cup vừa mới kết thúc, vì mối lo an ninh - tính mạng con người và cả vì hòa nhạc, AFF Cup giờ đây không còn là sự lựa chọn số 1 đối với nhiều người. Và điều này tốt cho bóng đá khu vực nói chung.

Sân Gelora Bung Karno có sức chứa 88.083 chỗ ngồi, chỉ mở cửa đón khoảng 50.000 CĐV Indonesia và vài ngàn CĐV đến từ Việt Nam vào xem trận bán kết lượt đi hấp dẫn giữa đội bóng xứ vạn đảo và “Những chiến binh Rồng vàng”, vì mối lo an ninh.

Sân Gelora Bung Karno

Sân Gelora Bung Karno

Ai cũng biết, các CĐV bóng đá Indonesia cuồng nhiệt, nhưng sự cuồng nhiệt ấy đôi khi hơi thái quá, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung, đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của chính mình và người khác. Rất nhiều lần ở AFF Cup năm nay, ban tổ chức đã phải giới hạn lượng khán giả Indonesia vào sân và lần này, dù tính chất trận đấu rất quan trọng, cũng không là ngoại lệ. Bài học về vụ bạo loạn tại sân Kanjuruhan vẫn còn đó.

Thậm chí, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) còn phải điều chuyên gia an ninh sang tham dự, dù AFF Cup không nằm trong lịch trình hoạt động của FIFA và chưa được tổ chức này công nhận chính thức. Sở thích của các CĐV đối với một trận bóng như thế này, đôi khi phải bị kìm hãm vì những lý do còn quan trọng và cao cả hơn. Bóng đá không thể bằng an ninh và tính mạng con người.

Trong khi đó, sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur để trống đến 21.000 chỗ ngồi trước trận bán kết lượt đi giữa Malaysia và Thái Lan. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, ông Hannah Yeoh, sau đó đã giải thích hành động đó là để lắp đặt một sân khấu hòa nhạc quy mô khổng lồ mang tính quốc tế, vốn đã được lên lịch từ… tháng 3-2019.

Người dân Malaysia cũng mê bóng đá, nhưng AFF Cup đã phải lùi bước trước hòa nhạc. Đây là chương trình ca nhạc dành riêng cho ca sĩ - nhạc sĩ tài hoa Châu Kiệt Luân, người tổ chức các show diễn luôn yêu cầu phải lắp đặt một sân khấu có sự tham gia của rất, rất nhiều người. Chương trình hòa nhạc của Châu Kiệt Luân có đến 45 máy móc hạng nặng, 200 loa, rồi 800 đèn công suất lớn. Để sắp đặt cho chương trình, khoảng 500 thành viên hỗ trợ cho Châu Kiệt Luân sẽ tiến hành làm việc trong 14 ngày. Họ… chẳng quan tâm AFF Cup là gì!

Rồi sẽ đến thời điểm, AFF Cup chỉ còn là một sân chơi cho lứa trẻ, được tổ chức gọn nhẹ với thể thức thi đấu và lịch trình phù hợp hơn. Bóng đá Đông Nam Á cần nhìn xa hơn giải đấu “ao làng” này, nếu muốn chạm tay vào những đích nhắm tuyệt vời hơn cho sự phát triển của tương lai. Bóng đá ở bình diện Đông Nam Á, bây giờ đã không còn là “tất cả” khi cả người hâm mộ, người dân trong khu vực cũng đòi hỏi một sự nâng cấp vì có nhiều mối quan tâm hơn so với việc “đắm mình” như những ngày đầu tiên.

ĐỖ HOÀNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-bong-da-khong-con-la-so-1-post674816.html