Khi bóng xuân lồng bóng chữ

Những năm gần đây, cùng với sự đón đợi của lòng người và nỗ lực, tâm huyết của các đơn vị xuất bản - phát hành, dòng sách tết dần được hồi sinh, trở thành xu hướng, sản phẩm văn hóa độc đáo, món quà tao nhã, tinh tế gửi tặng nhau và tặng chính mình cùng ấm áp xuân sang.

Sách tết - phong vị xuân

Xuân sắp về với đất trời, rộn ràng trong lòng mỗi người. Còn gì thi vị, tao nhã hơn giữa những náo nức, rộn ràng ngày xuân được điểm xuyết thêm những phút giây thư thái, tĩnh lặng thưởng trà, đọc sách. Hay nói đúng hơn, những giai phẩm xuân đã và đang tô điểm thêm cho ngày xuân thêm thi vị, ý nghĩa.

Những năm gần đây, thị trường sách tết đã có những thay đổi, hay nói đúng hơn là có sự đổi mới khá mạnh mẽ. Có thể nhìn thấy rõ ở các yếu tố, đó là: sự phong phú, đa dạng các ấn phẩm, sự thay đổi về cách thức chọn lọc, cách thức thực hiện các ấn phẩm để làm sao vừa đạt được yêu cầu về nội dung, thẩm mỹ vừa là sự lựa chọn như một món quà lịch sự, trang trọng và hết sức ý nghĩa trong dịp tết. Vì lẽ đó, dẫu từng có những phai nhạt, gián đoạn nhưng đến nay, dòng sách tết vẫn khẳng định giá trị, dấu ấn riêng.

Nhà văn Trịnh Đình Nghi nhận định: "Khi kinh tế - xã hội phát triển, sự tác động của nền kinh tế thị trường đã cuốn con người vào vòng xoáy của bận rộn. Khi đời sống vật chất đã khá giả, đủ đầy thì nhu cầu về tinh thần lại đòi hỏi nhiều hơn, trong đó nhiều người có nhu cầu giải trí, thư giãn bằng cách đọc sách. Một điều quan trọng nữa chính là dịp tết nhiều người có thời gian hơn để dành cho đọc sách. Những người làm sách, các nhà xuất bản nắm bắt được nhu cầu tâm lý độc giả để đưa ra thị trường sách tết những ấn phẩm hay, đẹp, mới, lạ... Cách thức quảng bá, tiếp cận độc giả cũng tạo ra sự hấp dẫn với tiêu chí sách vừa là sản phẩm văn hóa vừa là một món quà tết".

“Viết & Đọc” mùa mới 2025 - một cành đào thắm trong bức tranh xuân

“Viết & Đọc” ra mắt bạn đọc vào năm 2018, từ một chuyên đề mùa thu ấm áp, sang trọng. Lúc bấy giờ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, người chủ trương và chịu trách nhiệm thực hiện ấn phẩm này đã có đôi lời gửi bạn đọc: “Chuyên đề “Viết & Đọc” ra đời chỉ như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một họa sĩ, mỗi một nhà nghiên cứu, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường... và mỗi một bạn đọc chính là mỗi người kể chuyện của thế gian này. Không còn cách nào khác, tất cả chúng ta hãy bước đi và cất tiếng về những điều tốt đẹp đang bị vùi lấp bởi chính con người”.

Kể từ khi “ra mắt” đến nay, “Viết & Đọc” ngày càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng, ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng bạn đọc. “Viết & Đọc” định kỳ xuất bản 1 số/quý, khổ 18x25cm, dung lượng gần 400 trang. Trong một bài phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã định danh “Viết & Đọc” là bộ sách chuyên đề, “có vẻ giống một tạp chí”. Chính điều đó đã làm nên tính độc đáo, hấp dẫn của “Viết & Đọc” giữa hằng hà những lựa chọn.

Theo dấu chân thời gian, “Viết & Đọc” mùa mới 2025 cho độc giả cảm giác như đang được hòa mình vào thế giới văn học nghệ thuật đa sắc màu, sống động. Lật giở từng trang sách, bạn đọc đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó vừa như sự nối tiếp, vừa như mở ra khởi đầu mới; vừa ngoái đầu nhìn lại vừa ngước mắt trông xa, trong cảm giác háo hức và ngóng đợi.

Hé mở cánh cửa bước vào không gian văn hóa, văn học nghệ thuật căng tràn sắc xuân, sức xuân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thủ thỉ về những “Bí mật của tết”. “Ấn tượng 2024” - tập hợp những câu chuyện, sự kiện trong nước và thế giới, chuyện cá nhân, gia đình được chia sẻ bởi nhiều cây viết nổi tiếng như đang cùng phác thảo nên diện mạo năm cũ bằng ngôn ngữ của trái tim, lý trí và tinh thần trách nhiệm. Nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Đào Quốc Minh nói về trí tuệ nhân tạo AI, Chat GPT... Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh trăn trở với nghề bằng những câu hỏi - câu trả lời sắc sảo. Nhà văn Huỳnh Trọng Khang chia sẻ về “những trải nghiệm đau thương rất chung” và cách mà con người trên “quê hương Trái Đất” can trường, mạnh mẽ vượt qua, xây dựng lại cuộc sống mới... Điểm ấn tượng hơn nữa là những chia sẻ này được đăng tải kèm theo bản viết tay có chữ ký của từng tác giả. Điều đó cho thấy sự chăm chút, kỳ công cùng nỗ lực đổi mới của những người thực hiện ấn phẩm này.

Tiếp sau những ấn tượng ấy là bời bời sắc xuân đang trải ra mênh mông trên “cánh đồng chữ”. Những trang viết về “Bữa cơm chiều ba mươi” của Tạ Duy Anh, những “lễ hội làng rừng” của Trung Trung Đỉnh; về “một loài hoa không ngủ” của Trung Sỹ; “một cuộc hành hương” của Thuật Nguyễn hay “những câu chuyện về tết của 50 năm trước”, mục “Tư liệu”, “Báo tết xưa”, tranh minh họa từ 50 năm trước... gợi lên bao ký ức, hoài niệm về tết xưa.

“Bữa tiệc xuân” mà “Viết & Đọc” bày biện càng thêm hấp dẫn với phác thảo chân dung Đỗ Bích Thúy - người đang cầm hạnh phúc; với thư phòng các “tác phẩm mới” rộn ràng văn - thơ - phê bình thơ lộng lẫy các tuổi tên mà chỉ cần “nghe danh” thôi đã là một “bảo chứng”: Ma Văn Kháng, Mai Văn Phấn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Anh Vũ, Phùng Gia Thế...

Không chỉ trau chuốt về nội dung, “Viết & Đọc” thỏa mãn giác quan bằng những tranh minh họa, postcard để “bữa tiệc xuân” thêm phần sinh động, hấp dẫn...

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khi-bong-xuan-long-bong-chu-236568.htm