Khi Brussels kể chuyện bằng ánh sáng và ký ức Trung cổ
Thủ đô Brussels những ngày đầu tháng 7, trong không khí mùa Hè rộn ràng, trung tâm thủ đô nước Bỉ bỗng biến thành một sân khấu khổng lồ, nơi mà từng bước chân, từng tiếng trống, từng bộ trang phục cổ đều kể lại những trang sử hào hùng của đất nước. Đó chính là Ommegang, một trong những lễ hội tái hiện lịch sử hoành tráng nhất châu Âu.
Lễ hội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2019.

Đoàn diễu hành với trang phục quý tộc thời Trung cổ.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, "Ommegang" theo tiếng Hà Lan cổ có nghĩa là "cuộc rước quanh thành". Khởi nguồn từ thế kỷ XIV với ý nghĩa tôn giáo, lễ hội từng là nghi lễ dâng kính Đức Mẹ Maria của người dân Brussels. Nhưng dấu ấn lịch sử quan trọng nhất diễn ra vào năm 1549, khi Hoàng đế Charles V và Hoàng tử Philip được người dân Brussels đón tiếp trọng thể tại đây. Từ thời khắc ấy, Ommegang đã vượt khỏi khuôn khổ tôn giáo, trở thành một biểu tượng lịch sử sống động của Bỉ.
Gần 5 thế kỷ sau, dấu ấn ấy vẫn còn nguyên vẹn, không chỉ trong trí nhớ mà trong từng bước chân của lễ hội, khi cả thành phố Brussels cùng nhau tái hiện quá khứ trên chính quảng trường nơi nó đã diễn ra.
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, quảng trường Grand Place – trái tim của thủ đô Brussels – mỗi năm chỉ có hai đêm biến thành sân khấu huyền thoại. Không phông nền hiện đại, không kỹ xảo sân khấu, Ommegang sử dụng chính kiến trúc cổ, âm nhạc truyền thống và 1.400 người dân tình nguyện để thêu dệt nên tấm thảm lịch sử sống động.
Bà Lenvain Carine, một người dân Brussels lớn tuổi, xúc động chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Ommegang không phải là màn biểu diễn, mà là ký ức sống. Nó làm sống lại lịch sử của thành phố này, và cũng là lịch sử của mỗi người dân Brussels như chúng tôi”.

Người quản trò, nhân vật không thể thiếu tại lễ hội Ommegang.
Bên cạnh bà, ông Reiber Guy - người từng tham gia lễ hội hơn một thập kỷ trước - vẫn không giấu được xúc động: “Khi bạn sải từng bước trong đoàn rước, bạn sẽ hiểu. Từng nhịp trống, từng bước chân, từng ánh mắt khán giả, tất cả như đưa ta về một Brussels của thế kỷ XVI. Và mỗi lần tham dự, dù với tư cách gì, tôi luôn thấy tự hào như lần đầu tiên”.
Ommegang là một lễ hội của cộng đồng, nhưng đồng thời cũng là một sự kiện văn hóa mang tầm vóc quốc tế khi ngày càng có nhiều gương mặt nổi tiếng từ các lĩnh vực khác nhau tham gia hóa thân thành các nhân vật trong đoàn rước. Từ nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, vận động viên đến chính khách, tất cả đều khoác lên mình trang phục cổ, nhập vai vào thế giới Trung cổ, đôi khi là vai trò gần gũi với nghề nghiệp của họ như một nhạc sĩ hóa thân thành nhạc công cung đình, hay một chính trị gia đóng vai thị trưởng thành Brussels thời xưa. Mỗi người mang đến một góc nhìn riêng, một năng lượng riêng, góp phần làm nên tính sống động, cởi mở và đa dạng của Ommegang.
Sự kết hợp giữa dân gian và đương đại, giữa người dân bản địa và các tên tuổi nổi bật chính là nét đặc sắc giúp lễ hội này không chỉ là bản sao của quá khứ, mà còn là cuộc đối thoại giữa các thế hệ và nền văn hóa.

Biểu diễn cà kheo tại lễ hội Ommegang.
Chị em Marie và Lola Flagel, hai gương mặt quen thuộc trong đoàn rước, chia sẻ: “Đây là lần thứ 12 tôi tham gia. Mỗi lần như vậy là một lần sống lại văn hóa dân gian, những truyền thống tưởng như đã phai nhòa. Ommegang không chỉ là lễ hội, nó là một phần trong đời sống tinh thần của chúng tôi”. Lola chỉ về phía sân khấu, nơi cha của hai chị em đang ngồi chỉnh lại trống: “Đó là bố tôi. Ông đã góp mặt trong 60 mùa Ommegang. Trước ông là ông nội, ông cố. Cả dòng họ tôi đã sống cùng lễ hội này từ nhiều thế hệ”.
Người cha của họ, ông Vincent Flagel, cười hiền từ: “Ommegang là truyền thống của gia đình tôi. Ông bà tôi từng là thành viên đội nhạc, rồi đến bố mẹ tôi và giờ là tôi tiếp nối bằng âm nhạc, bằng tiếng trống. Và như quý vị thấy, cả các con tôi hôm nay cũng đang sải bước trong đoàn rước”.
Khi ánh đèn bắt đầu phủ lên những bức tường cổ kính, Grand Place khoác lên mình vẻ huy hoàng của một cung điện rực rỡ trong đêm. Từng đoàn người diễu hành lần lượt tiến vào giữa tiếng kèn đồng dồn dập, nhịp trống rền vang và những tràng vỗ tay phấn khích của hàng nghìn khán giả, trong đó có không ít du khách lần đầu đến với Brussels. Đỉnh điểm của cảm xúc là khi nhân vật Hoàng đế Charles V cưỡi ngựa xuất hiện giữa quảng trường trong tiếng hò vang rền và những giai điệu cổ xưa trầm hùng ngân lên, khiến cả không gian như ngưng đọng trong khoảnh khắc lịch sử được tái hiện.
Từng nhóm diễn viên với trang phục đặc trưng của các ngành nghề cổ xưa lần lượt xuất hiện như thợ rèn, thương nhân, linh mục, dân chài, lính gác... Mỗi người mang một màu sắc, một nhịp điệu, cùng hòa chung trong bản giao hưởng của lịch sử Brussels. Và rồi, màn đấu cà kheo truyền thống khiến cả sân khấu vỡ òa. Những nghệ sĩ cà kheo nhào lộn, xoay tròn trên không trong tiếng hò reo không dứt như lời khẳng định: di sản vẫn đang sống, đang thở, không chỉ để tưởng nhớ mà để truyền cảm hứng.

Quang cảnh lễ hội Ommegang tại Quảng trường Lớn Brussels.
Không đơn thuần là một màn trình diễn, Ommegang là bằng chứng sống động của một nền văn hóa biết gìn giữ và kể lại chính mình bằng tất cả niềm tự hào.
Trong kỷ nguyên số hóa, khi nhiều lễ hội chỉ còn tồn tại qua ảnh chụp và sách vở thì Ommegang vẫn sống, bằng con người, bằng âm nhạc, bằng hơi thở của cộng đồng. Và chính điều đó khiến UNESCO không chỉ công nhận Ommegang là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, mà còn là một mô hình truyền cảm hứng bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng.
Ông Vincent Flagel khẳng định: “Chúng tôi không diễn lại quá khứ để hoài niệm. Chúng tôi làm sống lại nó để những gì tốt đẹp nhất của lịch sử tiếp tục chảy qua từng thế hệ”.
Và đúng như vậy. Ở Brussels, Ommegang không chỉ là câu chuyện của hôm qua mà còn là niềm tự hào hôm nay và là lời hứa cho mai sau. Đó là minh chứng rõ ràng nhất rằng lịch sử vẫn đang sống, không phải trong sách vở mà ngay trên từng viên đá lát của quảng trường này.