Khi cá hilsa trở thành tâm điểm trong quan hệ Ấn Độ-Bangladesh
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đang dùng 'ngoại giao cá hilsa' làm cầu nối quan hệ và thể hiện mong muốn cùng san sẻ nguồn nước sông Teesta với Ấn Độ.
Vừa qua, một lô hàng lớn cá hilsa, loại cá mà người Bengal rất ưa chuộng, từ Bangladesh đã cập cảng chợ cá bán buôn Howral, thành phố Kolkata (Ấn Độ). Đây là một tin vui đối với những người đam mê ẩm thực Bengal.
Với hương vị đặc trưng, cá hilsa của Bangladesh có khối lượng tiêu thụ khổng lồ. Các thương lái đang mong rằng thương vụ này sẽ mang lại kết quả tốt bởi lô cá hilsa này tới khá sớm trước dịp lễ Durga Puja.
Không chỉ là món ngon trên đĩa
Tuy nhiên, cá hilsa không đơn thuần là món ngon trên đĩa, những "thỏi bạc" của sông Padma đã gây bất ngờ khi giúp Bangladesh đạt được một bước tiến lớn trên bàn đàm phán ngoại giao với nước láng giếng Ấn Độ và cho ra đời "ngoại giao cá hilsa".
Trong những cuộc thảo luận gần đây về mối quan hệ giữa Bangladesh và Ấn Độ, chủ đề về ngoại giao hilsa liên tục được đề cập.
Chủ đề đặc biệt này cũng xuất hiện trong chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tới Ấn Độ hồi đầu tháng này (5-8/9). Thậm chí, người ta còn bông đùa rằng, chủ đề cá hilsa còn đi trước cả đoàn Thủ tướng.
Bangladesh là nơi sản xuất cá hilsa số 1 thế giới và việc xuất khẩu giống cá này sang Ấn Độ giúp họ thu nhiều lợi nhuận. Ước tính, khoảng 86% cá hilsa trên thế giới được đánh bắt tại Bangladesh. Trong năm tài chính 2019-2020, Bangladesh đã thu hoạch được 550 nghìn tấn cá.
Thông qua Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tipu Munshi, người đã đến thăm Ấn Độ hồi tháng 4, Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee đã đề nghị Thủ tướng Bangladesh xuất khẩu cá hilsa sang Ấn Độ trong mùa lễ hội này.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Hasina dùng “ngoại giao cá hilsa” để làm cầu nối quan hệ Ấn Độ-Bangladesh.
Năm 1996, bà Hasina lần đầu sử dụng cá hilsa như một món quà cho Thủ hiến bang Tây Bengal khi đó là ông Jyoti Basu trước khi kí Hiệp ước sông Hằng giữa Bangladesh và Ấn Độ.
Sau đó, năm 2010, Thủ tướng Hasina cũng gửi món quà đặc biệt này cho bà Mamata Banerjee khi bà còn là Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ. Ngay khi bà Mamata Banerjee nhậm chức Thủ hiến bang Tây Bengal vào năm 2016, bà Hasina đã tặng Thủ hiến bang Tây Bengal 20kg cá hilsa.
Đến năm 2017, bà đã gửi 20kg cá hilsa cùng nhiều món quà khác cho cựu Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee với hi vọng sẽ giải quyết được bế tắc trong việc chia sẻ nguồn nước sông Teesta.
Kể từ tháng 8/2012, Bangladesh đã cấm khai thác cá hilsa, nhưng để thể hiện thiện chí của mình, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu cá hilsa trong dịp lễ hội Durga Puja năm 2019.
Do tộc người Bengal ưa chuộng cá hilsa nằm cả ở cả Ấn Độ nhưng cá hilsa được đánh bắt chủ yếu ở Bangladesh. Vì vậy, người Bengal trên bờ sông Padma phía Ấn Độ luôn mong chờ phía Bangladesh sẽ cung cấp cá hilsa cho họ. Bên cạnh đó, nhu cầu về loại cá này cũng cao ở các bang Odisha, Tripura và Assam của Ấn Độ.
Chính phủ Bangladesh đã ngưng xuất khẩu cá hilsa từ năm 2012-2018 để phục hồi sản lượng cá. Kể từ năm 2019, chỉ một lượng cá hilsa nhất định được phép xuất khẩu trong dịp lễ Durga Puja.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên hiện Bangladesh đã tăng sản lượng cá hilsa. Hilsa đã trở thành một phần của chính sách ngoại giao của nước này nhờ nhu cầu khổng lồ từ Ấn Độ.
Mượn cá hilsa nói chuyện nguồn nước
Chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Thủ tướng Sheikh Hasina là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Trong chuyến thăm, yêu cầu lớn nhất của bà Sheikh Hasina chính là nguồn nước sông Teesta.
Sông Teesta nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh và là nguồn nước rất quan trọng đối với Dhaka. Bangladesh đã nỗ lực trong suốt nhiều năm để bảo đảm việc chia sẻ nguồn nước từ con sông này một cách công bằng.
Thủ tướng Sheikh Hasina cũng đã tiếp tục những nỗ lực của bà trong chuyến thăm Ấn Độ lần này. Bà đã dùng ngoại giao cá hilsa để diễn giải tầm quan trọng của nguồn nước sông Teesta.
Trong các cuộc tiếp xúc, khi nhận được đề nghị xuất khẩu cá hilsa từ phía Ấn Độ, nữ Thủ tướng cười đáp lại: “Hiện nay, các bạn (Ấn Độ) không cung cấp đầy đủ nước cho chúng tôi nên chúng tôi cũng không thể cung cấp đủ cá hilsa cho bạn”.
Sau đó, để bày tỏ thiện chí từ phía Bangladesh, bà nói rằng sẵn sàng chia sẻ cá hilsa với Ấn Độ và bày tỏ mong muốn được san sẻ nguồn nước từ phía đối phương.
Cá hilsa hiện đang có tầm quan trọng ngang với vấn đề như sông Teesta và đóng vai trò chính trong cuộc đàm phán giữa hai quốc gia. Trả lời nhiều câu hỏi về vấn đề hilsa, bà đã cố gắng thuyết phục Ấn Độ cởi mở hơn trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Nếu họ không làm được điều đó, Ấn Độ sẽ không có Bangladesh kề vai sát cánh.
Vào dịp lễ Durga Puja, một trong những dịp lễ lớn nhất năm, người Bengal ở Ấn Độ có nhu cầu cá hilsa cao hơn các thời điểm khác trong năm do có tục lệ nấu món cá hilsa đặc biệt cho dịp lễ này. Bỏ qua những vấn đề ngoại giao, bà Sheikh Hasina đã tuyên bố tại sự kiện ở Delhi rằng Bangladesh sẽ gửi cá hilsa cho Ấn Độ vào dịp lễ Durga Puja năm nay vì họ tôn trọng mong muốn giản đơn này của người Bengal.
Ngay sau tuyên bố này, lô hàng đầu tiên với 16 tấn cá hilsa đã cập cảng Ấn Độ. Lượng cá hilsa này đã được chất đầy lên bốn xe tải từ cảng Benapole để phân phối cho người dân. Theo Bộ trưởng Thương mại Bangladesh, chính phủ nước này đã đồng ý sẽ xuất khẩu 2.450 tấn cá hilsa cho người hàng xóm Ấn Độ trong mùa lễ Durga Puja năm nay. 49 nhà xuất khẩu đã được phê duyệt sẽ chuyển khối lượng cá khổng lồ này tới Ấn Độ từ nay cho đến ngày 30/9.
Ngay khi lô hàng đầu tiên tới chợ ở Kolkata, cá hilsa đã tạo ra một cơn sốt. Truyền thông địa phương đã lan truyền về tin cá hilsa của sông Padma một cách hào hứng. Theo đó, phiên bán đấu giá cá hilsa tại chợ Howral đã "đánh bay" 8,5 tấn cá trong chớp mắt.
Từ đây, có thể thấy được mối quan tâm của người dân Tây Bengal đối với cá hilsa. Có bao giờ họ nhận ra cũng giống như vậy, người Bengal ở Bangladesh đang chờ mong nước sông Teesta đến nhường nào? Thông qua ngoại giao cá hilsa, có lẽ họ mong phía Ấn Độ hiểu rõ hơn điều này.
Tuy gọi đây là món quà, Bangladesh vẫn kiếm được ngoại tệ từ việc bán cá hilsa cho Ấn Độ. Giá xuất khẩu 1kg cá hilsa là 10 USD. Nói cách khác, "thỏi bạc" hilsa cũng là nguồn ngoại tệ không nhỏ đối với Bangladesh.
Ngoại giao cá hilsa của Thủ tướng Hasina đã, đang và dự kiến đạt được những bước tiến lớn. Thậm chí chính sách ngoại giao cá hilsa còn được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả ngang tầm với ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ-Trung Quốc và ngoại giao cricket giữa Ấn Độ-Pakistan.