Khi cả nước cùng ưu ái cho logistics

Chưa năm nào ngành dịch vụ logistics được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước 'ưu ái' ban hành hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển như năm 2019 ...

 Từ đầu năm 2019 nhiều các địa phương đã ban hành và triển khai các chính sách quan trọng về phát triển logistics.

Từ đầu năm 2019 nhiều các địa phương đã ban hành và triển khai các chính sách quan trọng về phát triển logistics.

Chưa năm nào ngành dịch vụ giao nhận (logistics) được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước "ưu ái" ban hành hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển như năm 2019.

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại trước thềm "Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019" diễn ra tại Đà Nẵng ngày 23/11.

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết riêng về phát triển Hải Phòng và Đà Nẵng.

Trong đó, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao.

Còn về Hải Phòng, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng thành thành phố công nghiệp, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ, có kết cấu giao thông phát triển nối với khu vực, là trọng điểm dịch vụ logistics, đào tạo, nghiên cứu, kinh tế biển.

Ngoài ra, từ đầu năm 2019 nhiều các địa phương trên cả nước đã ban hành và triển khai các chính sách quan trọng về phát triển logistics trên địa bàn. Như UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 08 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 549 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương Thành phố chủ trì xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi trước Diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo...

Về phía Bộ Công Thương, tháng 3/2019 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới xếp hạng.

Mục tiêu được đặt ra cho Việt Nam là từ nay đến năm 2025 tăng từ 5 đến 10 bậc trong bảng xếp hạng LPI. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI và Chính phủ "không bằng lòng" với thứ hạng này. Theo đó, để đạt được mục tiêu Kế hoạch đã đặt ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI.

"Đây là những nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành để cải thiện chỉ số xếp hạng dịch vụ logistics của Việt Nam...", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về chính sách cụ thể, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 703phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".

Theo đó sẽ phát triển thị trường vận tải hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải để giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đồng thời tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải để phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics chất lượng cao.

Tháng 1/2019 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch. Đề án đặt mục tiêu mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới...

Về kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra nhiệm vụ là ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa như nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn tuyến quan trọng thuộc đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cảng container đầu mối khu vực Hà Nội là cảng Phù Đổng để phát triển vận tải container từ khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội.

Riêng đối với hạ tầng hàng không, tháng 1/2019 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 105 đưa ra giải pháp đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không phù hợp.

Năm 2019, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng ban hành hàng loạt các quyết định, thông tư quan trọng về hạ tầng logistics, góp phần từng bước minh bạch hóa, nâng cao chất lượng xây dựng, nâng cấp và khai thác hạ tầng logistics...

Ngoài ra, năm 2019 cũng có nhiều chính sách liên quan tác động đến hoạt động logistics như: Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021; Quyết định về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; Công bố danh mục cảng cạn (ICD) Việt Nam; Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu...

Linh Đan

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/khi-ca-nuoc-cung-uu-ai-cho-logistics-20191121175235903.htm