Khi các đồng tiền chủ chốt châu Á trượt giá
Thời gian qua, tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới có những biến động mạnh, tỷ giá một số đồng tiền quan trọng của châu Á như đồng Nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc, đồng Yên Nhật so với đồng đô la Mỹ (USD) sụt giảm mạnh, có lúc xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Việc các đồng tiền chủ chốt của châu Á mất giá không chỉ phản ánh những khó khăn đối với nền kinh tế các nước này mà còn có thể gây ra những nguy cơ đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ vượt ngưỡng tâm lý
Tỷ giá đồng NDT so với đồng USD những ngày gần đây đã xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua, khi trượt qua mốc 7,2 NDT đổi 1 USD, phá vỡ ngưỡng 6 - 7 NDT/USD được duy trì ổn định trong nhiều năm. Điều này không gây bất ngờ vì trên thực tế, đồng NDT đã giảm giá 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 8. Đồng NDT mất giá mạnh so với đồng USD diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành cắt giảm lãi suất vào tháng 8, chính sách được cho là đi ngược với xu hướng chung trên toàn cầu khi hầu hết các ngân hàng trung ương đều tiến hành tăng lãi suất, từ đó đẩy nhanh hơn đà giảm giá của đồng NDT.
Đồng NDT mất giá phản ánh tình trạng khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 đã bị cản trở bởi các đợt bùng phát Covid-19 ở những thành phố trên khắp đất nước, lĩnh vực bất động sản suy yếu và nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu sụt giảm. Kinh tế Trung Quốc quý I tăng trưởng 4,8% nhưng sang quý II chỉ còn 0,4%. Trên cơ sở triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi và tình hình thực tế tại Trung Quốc, các tổ chức kinh tế, tài chính có uy tín đều đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho rằng Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 3,3%, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) còn đưa ra con số thấp hơn, cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 4,3% đưa ra hồi tháng 6.
Xét về ngắn hạn, NDT mất giá sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giá hàng hóa xuất khẩu sẽ có sức cạnh tranh hơn, tuy nhiên điều này lại khiến cho chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất tăng lên. Đối với người dân, đồng NDT mất giá so với USD đồng nghĩa với chi phí mua ngoại tệ gia tăng, chi phí du học, du lịch… sẽ tăng đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.
Trước tình hình đồng NDT trượt giá, PBOC đã có động thái trấn an thị trường khi khẳng định ổn định thị trường ngoại hối là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc và đồng NDT có cơ sở vững chắc để giữ giá. Với các biện pháp ổn định vĩ mô được đề ra liên tục trong thời gian qua, kinh tế Trung Quốc có triển vọng tăng trưởng lạc quan hơn vào cuối năm nay và tiếp tục xu thế phục hồi năm tới. Trung Quốc sẽ duy trì sức bền của hoạt động ngoại thương, bảo đảm dòng vốn xuyên biên giới lưu chuyển có trật tự, cân bằng cán cân thanh toán, không để đồng NDT tiếp tục mất giá.
"Bóng ma" tài chính 1997
Không chỉ NDT, nhiều đồng tiền quan trọng khác trên thế giới như Yên Nhật, Bảng Anh, Euro… cũng đang mất giá nghiêm trọng so với USD. Trong phiên giao dịch hồi đầu tháng 9, tỷ giá đồng Euro so với đồng USD lần đầu tiên đã giảm xuống dưới mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, 1 Euro đổi được 0,9880 USD. Trong khi đó, đồng Bảng Anh cũng chạm mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua khi được giao dịch ở mức 1,14445 USD đổi 1 Bảng Anh. Từ đầu năm, đồng Yên Nhật đã mất giá 19,4% so với USD, hôm 6.9, tỷ giá USD - Yên Nhật đã vượt 143 Yên đổi 1 USD, lần đầu tiên kể từ năm 1998. Đồng Won của Hàn Quốc cũng mất giá mạnh so với đồng USD, lần đầu tiên xuống mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua, với tỷ giá 1.370 Won đổi 1 USD.
Xét trong phạm vi khu vực châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn về kinh tế, cả hai đều là những nền kinh tế lớn và có quan hệ thương mại chặt chẽ với các nền kinh tế trong khu vực. Trung Quốc nhiều năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của các nước Đông Nam Á, trong khi Nhật Bản là nước xuất khẩu lớn về vốn và tín dụng. Trên thị trường tài chính, ảnh hưởng của hai nước cũng rất lớn. NDT ngày càng được sử dụng phổ biến tại châu Á, trong khi Yên Nhật là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba toàn cầu. Vì vậy, việc các đồng tiền này yếu đi sẽ có tác động lớn đến các đồng tiền châu Á khác.
Bên cạnh đó, đồng tiền của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á lao dốc có thể làm trầm trọng thêm việc dòng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi khu vực. Thực tế từ đầu năm đến nay các nhà đầu tư đã rút mạnh vốn khỏi châu Á, các quỹ đầu tư toàn cầu rút khoảng 44 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), 20 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ và 13,7 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc… Nhiều chuyên gia đã cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính 1997 có nguy cơ lặp lại, đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của châu Á.
Các diễn biến trên cho thấy thị trường tài chính, tiền tệ thế giới nói chung, khu vực nói riêng đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nền kinh tế cần có chính sách hợp lý nhằm ổn định nền kinh tế, chủ động ứng phó với những biến động của tình hình. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với các nền kinh tế trong khu vực, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng, sản xuất, các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do tác động của đại dịch Covid-19.