Khi các VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia ăn không đủ no

Đó chắc chắn là tin sốc với người hâm mộ về tình cảnh của các tuyển thủ đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập luyện ở Mỹ Đình.

Lãnh đạo Cục Thể dục thể thao đã đưa đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia về Nhổn tập huấn thay vì ở tại Mỹ Đình sau khi có thông tin các em... kêu đói được phản ánh trên báo chí. Các em phải mua thêm đồ ăn để có sức tập luyện dù bữa ăn (8 VĐV) có chi phí 800 nghìn đồng. Bàn cơm chỉ có nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua, đậu rán, cá basa kho.

Cần nhấn mạnh, theo quy định thì vận động viên đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng mỗi người có 320 nghìn đồng/ngày. Với các VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, mức chi phí kể trên có thể nói là tạm ổn. Tuy nhiên, các em phản ánh thông qua báo chí là ăn không đủ no. Đó là câu chuyện đặc biệt nghiêm trọng và cần phải được làm rõ.

Bữa ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam được cho có giá 800 nghìn. Ảnh: BÁO TIỀN PHONG

Bữa ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam được cho có giá 800 nghìn. Ảnh: BÁO TIỀN PHONG

Kết quả phải chờ lãnh đạo ngành thể thao công bố nhưng sự việc này chắc chắn ảnh hưởng đến thể thao Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thi đấu không tốt tại Asiad 19 và thua kém nhiều nước khu vực. Một trong những chủ đề được nhắc đến sự đầu tư để VĐV vươn tầm châu lục và thế giới. Thể thao Việt Nam có 2 kỳ liên tiếp thống trị SEA Games nhưng rời "ao làng" thì thành tích thua xa Thái Lan và Indonesia, thậm chí không bằng Singapore và Malaysia.

Lấy một câu chuyện thực tế mà người viết từng được chứng kiến khi tác nghiệp ở SEA Games năm 2017 tại Malaysia. Kình ngư Schooling của Singapore dự SEA Games năm 2017 với đội ngũ gồm 1 bác sĩ, 1 y tá, 2 nhân viên y tế, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên massage và người phục trách truyền thông. Đội tuyển bơi Singapore cũng được chăm sóc tận răng với việc dựng một khu kỹ thuật ngay tại hồ bơi, kèm theo với nhiều thực phẩm chức năng hỗ trợ. Đội tuyển bơi Việt Nam tập luyện cùng một bể bơi với Singapore nhưng thấy chạnh lòng. Nhiều VĐV như Huy Hoàng, Thanh Bảo, Thanh Sơn, Phương Trâm... tập xong ngồi bơ vơ. Còn "tiểu tiên cá" Ánh Viên chỉ có HLV Đặng Anh Tuấn chăm sóc. Nguyễn Hữu Kim Sơn may mắn hơn các đồng đội là gia đình có điều kiện nên sang Malaysia để hỗ trợ.

Ánh Viên được đầu tư với kinh phí đặc biệt so với nhiều VĐV Việt Nam nhưng vẫn còn thua xa về mọi mặt khi nhìn sang Schooling.

Ánh Viên được đầu tư với kinh phí đặc biệt so với nhiều VĐV Việt Nam nhưng vẫn còn thua xa về mọi mặt khi nhìn sang Schooling.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng ai cũng biết khâu hậu cần và dinh dưỡng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thể thao. Sự tương phản giữa đội bơi Việt Nam và Singapore phản ánh bằng thành tích, hay quá trình tiến xa của VĐV. Kình ngư Schooling đã giành HCV Olympic 2016 sau khi có 9 HCV ở SEA Games năm 2015. Ánh Viên có sự đầu tư đặc biệt nhưng mức độ còn kém xa so với Schooling, đặc biệt còn "gánh" HCV với cả chục nội dung thi đấu nên không thể bứt qua giới hạn để giành HCV ở châu lục.

Câu hỏi đặt ra: Đến bữa ăn mỗi ngày, các VĐV trẻ của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia "ăn không đủ no" thì làm sao nói chuyện thành tích trong tương lai? Đó là chưa nói đến chuyện các VĐV trẻ cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng để phát triển thể chất, hay xa hơn là thực phẩm bổ sung cho VĐV thể thao.

Vậy nên, sự việc các VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia "ăn không đủ no" cần phải được làm rõ, làm tận gốc vấn đề. Nếu có ai sai phạm thì ngành thể thao cần mạnh tay xử lý, tránh tái diễn chuyện buồn ở một môn thể thao khác. Bởi rất nhiều VĐV trẻ đang theo đuổi ước mơ với nhiều môn thể thao chứ không riêng bóng bàn.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/khi-cac-vdv-cua-doi-tuyen-bong-ban-tre-quoc-gia-an-khong-du-no-202310041515392883.html