Khi cán binh 'bốn cùng'

Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) được giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, trong đó, phần lớn chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Để các chiến sĩ từng bước trưởng thành, đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên sâu sát bám nắm, thực hiện tốt 'bốn cùng' (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng chia sẻ), chủ động giải quyết tốt tư tưởng bộ đội, tạo sự đoàn kết, thống nhất, cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

“Con nghĩ 2 năm không quá dài, mẹ hãy vững tin, con sẽ trưởng thành và phấn đấu hoàn thành ước mơ của mình. Mẹ ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe. Con yêu mẹ và mọi người...!”. Để viết nên những dòng thư tâm sự cảm động này là cả quãng thời gian vượt qua nỗi buồn của Binh nhì Nguyễn Hồng Quân, chiến sĩ Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246. Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, người bố thân yêu của Quân không may qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo. Tình cảm, sự gần gũi, sẻ chia kịp thời của cán bộ và đồng đội đã giúp Quân dần quên chuyện buồn, ổn định tư tưởng, từng bước vượt qua mất mát, tích cực luyện giỏi, rèn nghiêm, tham gia các hoạt động xây dựng đơn vị.

Chiến sĩ Nguyễn Hồng Quân kể: “Hôm nhận tin bố mất, tôi suy sụp tinh thần, tâm lý không ổn định. Lúc ấy, đồng chí Chính trị viên Đại đội Vi Trọng Kính đã luôn bên cạnh, động viên và đưa tôi về nhà chịu tang bố. Sau khi trở lại đơn vị, tôi được cán bộ, đồng đội đơn vị ân cần thăm hỏi, chia sẻ vơi bớt nỗi buồn. Tôi tiếp tục phấn đấu trong huấn luyện, học tập. Giờ đây tôi luôn coi đơn vị là ngôi nhà thứ hai của mình”.

Nói về kinh nghiệm trong nắm bắt tư tưởng, tâm lý của bộ đội, Thượng úy Vi Trọng Kính, Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, chia sẻ: “Để dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng bộ đội, kịp thời ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh, trước hết mỗi cán bộ, nhất là cán bộ chính trị phải thực sự gần gũi, thân thiết, công bình như người anh, người chị và hiểu biết như người bạn của chiến sĩ". Thực tiễn ở Trung đoàn 246 cho thấy, việc cán bộ và chiến sĩ thực hiện “bốn cùng” là biện pháp rất thiết thực, thông qua ăn, ở, công tác, huấn luyện cùng bộ đội sẽ hiểu bộ đội hơn. Khi cùng thực hiện nhiệm vụ, gần gũi bộ đội thì bộ đội sẽ cởi mở, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tình cảm, đó chính là cơ sở để cán bộ nắm tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, kịp thời động viên, giúp đỡ.

Cán bộ Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 kiểm tra đường ngắm cơ bản của chiến sĩ mới trong luyện tập bắn AK.

Cán bộ Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 kiểm tra đường ngắm cơ bản của chiến sĩ mới trong luyện tập bắn AK.

Chúng tôi cùng Thượng úy Vi Trọng Kính ra thao trường của Trung đoàn kiểm tra buổi huấn luyện của Đại đội 8, Tiểu đoàn 2. Qua quan sát, trong huấn luyện, đội ngũ cán bộ từ tiểu đội đến đại đội luôn bám nắm bãi tập, động viên bộ đội. Dưới sự hướng dẫn, làm mẫu của Thượng úy Tống Duy Hân, Đại đội trưởng Đại đội 8, các chiến sĩ trong đội hình mang đeo vũ khí, trang bị gọn gàng, chăm chú quan sát và lần lượt tự tin thực hiện động tác luyện tập bắn súng tiểu liên AK bài 1 ở các tư thế nằm, quỳ, đứng bắn một cách thuần thục, chính xác.

Thượng úy Tống Duy Hân chia sẻ: “Các chiến sĩ lấy đường ngắm cơ bản tốt nhưng bản lĩnh, tâm lý chưa vững, còn cảm giác hồi hộp, căng thẳng. Cán bộ tiểu đội, trung đội trực tiếp huấn luyện tận tình, hướng dẫn sửa sai, giúp đỡ rèn luyện tâm lý, truyền thụ kinh nghiệm thực tế bằng lời nói, hành động cụ thể với phương pháp truyền đạt dễ nhớ, dễ hiểu để các chiến sĩ nắm chắc nội dung, thực hành động tác chuẩn xác và tự tin hơn trong luyện tập”.

Chiến sĩ biên chế về Trung đoàn 246 phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Để giải quyết khó khăn trong giao tiếp, đội ngũ cán bộ các cấp trong đơn vị đã tham mưu, đề xuất Trung đoàn xây dựng Câu lạc bộ học tiếng dân tộc, cụ thể là tiếng Tày. Thông qua sinh hoạt, học tập, cán bộ, chiến sĩ hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của người Tày, từ đó sẽ thuận lợi hơn trong giao tiếp, chia sẻ và có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Với phương châm “nghe bộ đội nói, nói bộ đội nghe”, công tác quản lý, giáo dục tư tưởng bộ đội của đơn vị đi vào nền nếp, tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ luôn ổn định.

Theo Trung tá Lý Thanh Lại, Chính ủy Trung đoàn 246, Đảng ủy Trung đoàn xác định cán bộ là khâu then chốt, quyết định kết quả quản lý, huấn luyện bộ đội. Mọi lúc, mọi nơi, cán bộ phải gần gũi, sâu sát bộ đội, nắm chắc hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ, kịp thời động viên trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, muốn chiến sĩ tin tưởng, nói ra những suy nghĩ của mình thì cán bộ phải gương mẫu về phương pháp, tác phong công tác, trong lời ăn tiếng nói, phải xắn tay cùng làm với bộ đội, cùng chia sẻ khó khăn vất vả thì công tác tư tưởng mới mang lại hiệu quả.

Bài và ảnh: GIANG NAM - BÙI HIỆP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-can-binh-bon-cung-729611