Khi cán - binh gần gũi sẻ chia

Thời gian qua, các đơn vị LLVT Quân khu 9 đã thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng bộ đội, luôn gần gũi, sẻ chia, giúp chiến sĩ yêu mến, xem đơn vị là nhà, đồng đội là anh em... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục và định hướng tư tưởng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Binh nhất Lê Minh Chuẩn, Trung đoàn 924, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang có dấu hiệu buồn chán, lo lắng, ít tham gia các hoạt động của đơn vị. Nắm bắt được tâm lý đó, Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật quân nhân (gọi tắt là tổ tư vấn) của đơn vị đã gặp gỡ, tìm hiểu thì được biết, cha của Chuẩn bị bệnh nặng không có người thân chăm sóc, gia đình lại khó khăn. Hiểu hoàn cảnh của Chuẩn, tổ tư vấn thường xuyên gần gũi, động viên, chia sẻ giúp Chuẩn an tâm thực hiện nhiệm vụ, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của đơn vị.

 Cán bộ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 trò chuyện với chiến sĩ.

Cán bộ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 trò chuyện với chiến sĩ.

Theo Trung tá Nguyễn Hòa Nghĩa, Chính ủy Trung đoàn 924, tổ tư vấn thường hoạt động vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, sẵn sàng gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ bất cứ khi nào có vấn đề về tư tưởng cần tư vấn, giúp đỡ. Thông qua các hình thức như: Đối thoại dân chủ, tọa đàm, diễn đàn thanh niên với chủ đề "Tiếp bước quân hành", "Mỗi tuần một điều luật"... tổ tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, giáo dục sao cho phù hợp; đồng thời lồng ghép nội dung tuyên truyền, định hướng nhận thức cho quân nhân, tư vấn về sức khỏe, hạnh phúc gia đình, tuổi trẻ, tình yêu, cuộc sống nhằm xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 50 lượt cán bộ, chiến sĩ được tư vấn thường xuyên, đột xuất và tư vấn riêng...

Thiếu tá Lâm Văn Hạnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 962, chia sẻ: "Công tác giáo dục, quản lý tư tưởng bộ đội được đơn vị tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngay từ đầu năm, tiểu đoàn đã xây dựng các kế hoạch cụ thể như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý, giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Ngoài việc đăng ký sổ trích ngang theo quy định, cán bộ các cấp đều có sổ tay cá nhân để ghi chép, theo dõi, kịp thời giúp đỡ từng chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình trong công tác quản lý, giáo dục chiến sĩ. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị không có chiến sĩ đào ngũ, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép".

Đơn vị đóng quân phân tán, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khá phức tạp, cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều nơi, phong tục tập quán khác nhau, nhưng Lữ đoàn Công binh 25 luôn xem trọng và phát huy tốt vai trò của tổ chức đoàn, hội đồng quân nhân, tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ thông qua các hoạt động phong trào, mô hình: "Đoàn viên nói lời hay, làm việc tốt", "Mỗi tuần một điều luật", "Hòm thư góp ý", "Sinh hoạt ngày chính trị-văn hóa tinh thần". Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đa dạng bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Những năm gần đây, đơn vị còn đầu tư xây dựng vườn hoa, cây cảnh, trồng cây xanh tạo bóng mát, củng cố, làm mới hệ thống pa nô, bảng biển, tạo sự chính quy gắn với cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhờ sự chủ động đó, năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị không có trường hợp nào biểu hiện về tư tưởng, việc chấp hành kỷ luật của đơn vị có nhiều chuyển biến tiến bộ.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác giáo dục, quản lý tư tưởng bộ đội, Đại tá Nguyễn Văn Hận, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 330, cho biết: Với phương châm "Nghe bộ đội nói, nói bộ đội nghe", cán bộ các cấp đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm thông qua gặp gỡ, giao lưu đối thoại, trao đổi và quan sát hoạt động khi chiến sĩ có khó khăn, vướng mắc. Ngay từ những ngày đầu tiếp nhận chiến sĩ mới, sư đoàn đã thực hiện chặt chẽ việc điều tra xã hội học, nhờ vậy đã nắm chắc được hoàn cảnh của chiến sĩ như: Có vợ con, mồ côi cha (mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ, lao động chính trong gia đình. Sư đoàn còn thực hiện tốt việc tuyên truyền giáo dục cho chiến sĩ thông qua các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa, xây dựng phẩm chất, lối sống, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ phải là tấm gương, tạo niềm tin cho cấp dưới; phát huy vai trò trách nhiệm là người anh, người bạn của chiến sĩ trong học tập, vui chơi, ngủ nghỉ, khả năng nắm bắt, giải quyết những khúc mắc, động viên tinh thần bộ đội. Mặt khác, để giúp chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, sư đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: "Đêm nghĩa tình đồng đội", "Hũ gạo quân-dân" để hỗ trợ gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn... "Những năm qua, công tác quản lý, giáo dục tư tưởng bộ đội ngày càng đi vào nền nếp; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường, đảo ngũ, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép giảm đáng kể", Đại tá Nguyễn Văn Hận khẳng định.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-can-binh-gan-gui-se-chia-643959