Khi cần, Việt Nam sẵn sàng các biện pháp pháp lý

Chia sẻ với TG&VN, TS Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) nhấn mạnh, trong các tình huống tranh chấp ở Biển Đông, các biện pháp pháp lý luôn cần chuẩn bị sẵn sàng và cân nhắc sử dụng khi cần thiết.

Việt Nam luôn sẵn sàng tất cả các biện pháp, trong đó có pháp lý để bảo vệ chủ quyền đất nước (ảnh H.T)

Luật Biển nói chung và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nói riêng có vị trí, vai trò như thế nào trong đấu tranh bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam?

UNCLOS 1982 là một điều ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực Luật Biển. Cũng như các ngành luật quốc tế khác, Luật Biển quốc tế gồm các nguồn chính thức như điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật và các nguồn bổ trợ như phán quyết của các tòa án quốc tế và học thuyết của các học giả có uy tín nhất.

Đặc biệt, Phần 15 của Công ước được dành riêng cho các quy định về giải quyết tranh chấp biển. Bên cạnh các quy định chung về việc sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, Mục 2 của Phần XV quy định về các thủ tục bắt buộc trong việc giải quyết tranh chấp biển dẫn đến các quyết định mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên Công ước.

Việc tham gia UNCLOS 1982, trước tiên giúp cho Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc để quy định các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở những vùng biển này. Trở thành thành viên của Công ước cũng giúp Việt Nam được hưởng các quyền, kèm theo là các nghĩa vụ trong việc khai thác và sử dụng biển nói chung.

Việc tham gia tích cực, chủ động và tuân thủ nghiêm túc UNCLOS 1982 – một điều ước quốc tế có tầm quan trọng chỉ đứng thứ 2 sau Hiến chương Liên hợp quốc còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương, cũng như ở khu vực và trong các quan hệ song phương.

Các nước đã dựa vào UNCLOS 1982 như thế nào để bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền? Tiến sỹ có thể đề xuất một vài trường hợp điển hình?

Để bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền, trước tiên, đa số các quốc gia đều cố gắng quy định các vùng biển của mình phù hợp với UNCLOS 1982. Việc tuân thủ các quy định của Công ước về phạm vi các vùng biển và quy chế pháp lý của các vùng biển là nền tảng vững chắc giúp các quốc gia bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo Công ước.

“Với 320 điều khoản, 9 Phụ lục, UNCLOS 1982 bao gồm hàng nghìn quy phạm pháp luật và là cơ sở pháp lý chung cho tất cả các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Cũng chính vì vậy, Công ước được ví như một bản ‘Hiến pháp cho Đại dương’. Đây là thành công lớn và nổi bật nhất của Công ước. Lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đạt được sự nhất trí về vấn đề phạm vi các vùng biển”.

Khi có tranh chấp nảy sinh, trước tiên các quốc gia cần sử dụng biện pháp đàm phán/ trao đổi quan điểm. Trên thực địa những nơi có tình huống tranh chấp, có hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, các bên cần kiềm chế, thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế nói chung về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Các quốc gia chỉ được sử dụng vũ lực trong trường hợp bị “tấn công vũ trang” để tự vệ và phải tuân thủ quy định của luật tập quán quốc tế về tự vệ liên quan đến tính cấp thiết, mối đe dọa hiện hữu, tính tương xứng.

Sau khi đã thực hiện các nỗ lực về trao đổi quan điểm và không đem lại kết quả, trên thực tế, có những quốc gia đã sử dụng thành công các cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS 1982. Gần đây nhất có thể kể đến trường hợp Philippines đã sử dụng thành công Tòa trọng tài Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Bangladesh và Ấn Độ đã cùng chấp thuận giải quyết thành công tranh chấp về phân định biển giữa 2 quốc gia này tại Tòa trọng tài Phụ lục VII. Ngoài ra, Công ước cũng có những quy định về thủ tục Hòa giải bắt buộc, có thể kể đến trường hợp Timor-Leste đã sử dụng thành công cơ chế Hòa giải bắt buộc để giải quyết tranh chấp với Australia.

Mặc dù phán quyết trong vụ Bangladesh với Ấn Độ không thực sự có lợi hoàn toàn cho Ấn Độ, nhưng quốc gia này đã xác định được lợi ích tổng thể và dài hạn từ việc đạt được phán quyết khách quan từ một cơ quan tài phán quốc tế, giúp phân định vùng biển giữa 2 quốc gia, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo nền tảng tối quan trọng cho phát triển. Qua việc tuân thủ nghiêm túc phán quyết của Tòa Trọng tài, Ấn Độ đã thể hiện rất rõ tinh thần thượng tôn pháp luật và nâng cao được uy tín và vị thế của quốc gia.

Tinh thần thượng tôn pháp luật cũng được thể hiện rất rõ trong vụ Timor-Leste và Australia. Mặc dù phản đối yêu cầu thành lập thủ tục hòa giải bắt buộc do Timor-Leste khởi xướng nhưng khi Ủy ban Hòa giải được thành lập, xem xét vụ việc và đưa ra Báo cáo thì Australia đã nghiêm túc tuân thủ những yêu cầu của Ủy ban Hòa giải, cùng đàm phán với Timor-Leste để giải quyết tranh chấp giữa 2 quốc gia.

TS. Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Tiến sỹ đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị pháp lý của Việt Nam cũng như các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông cho tới thời điểm hiện nay? Nếu cần thiết, cần có các biện pháp pháp lý tiếp theo như thế nào để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của ta trên Biển Đông?

Các biện pháp pháp lý, cụ thể là việc giải quyết tranh chấp ở các tòa án, tòa trọng tài quốc tế là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế được quy định tại Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, tại Mục 2 phần XV UNCLOS 1982. Hòa bình giải quyết tranh chấp là một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và là nghĩa vụ mà các quốc gia phải tuân thủ.

“Là một quốc gia ở Biển Đông - một khu vực với những yêu sách biển phức tạp, đan xen, tiềm ẩn nhiều biến động và mâu thuẫn, các cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước luôn là một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp mà Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên Công ước có thể xem xét sử dụng khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Các nước trong khu vực đã nhiều lần sử dụng hiệu quả và thành công các tòa án, tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng được các nước trong khu vực đưa ra giải quyết tại các tòa án quốc tế nhưng vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần có sự đồng thuận đưa ra tòa của tất cả các bên trong tranh chấp.

Việc tiếp cận theo tinh thần thượng tôn pháp luật, việc sử dụng các biện pháp pháp lý đem đến những lợi ích to lớn cho tất cả các quốc gia trong tranh chấp, cho dù phán quyết có nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất định đối với việc sử dụng các biện pháp pháp lý.

Bất cứ quốc gia nào, đều cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia một cách tổng thể để đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp pháp lý hay không và cần có quyết tâm cao của nhà nước cũng như xã hội. Các vấn đề pháp lý phức tạp luôn đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên môn cao cũng như cần sự chuẩn bị để quản trị kỳ vọng.

Từ kinh nghiệm của các nước, do các thủ tục xét xử thường kéo dài vài năm nên những thay đổi trong nội bộ quốc gia có thể ảnh hưởng đến quyết tâm chính trị và mức độ cam kết. Ngoài ra, quốc gia bị kiện có thể gây những sức ép không nhỏ với quốc gia khởi kiện. Do đó, vai trò của đầu mối chính và sự phối hợp của các cơ quan có tầm quan trọng đặc biệt.

Như vậy, mặc dù tồn tại thách thức không nhỏ, nhưng qua một số vụ việc nêu trên, có thể thấy một phần của bức tranh khá khả quan của các quốc gia như Philippines, Timor-Leste, Bangladesh đã thành công trong nỗ lực sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ các vùng biển của mình.

Là một quốc gia thành viên Công ước, với tinh thần tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, Việt Nam luôn chủ trương sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tình huống tranh chấp ở Biển Đông. Các biện pháp pháp lý là một trong các biện pháp hòa bình mà Việt Nam luôn cần chuẩn bị sẵn sàng và cân nhắc sử dụng khi cần thiết.

Phạm Hằng

(thực hiện)

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-can-viet-nam-san-sang-cac-bien-phap-phap-ly-98600.html