Khi cấp ủy vào cuộc tiêu thụ nông sản cho nhân dân
Tỉnh ta hiện có trên 87.000 ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 448.630 tấn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo những khó khăn, thách thức trong việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu cấp ủy đồng thời là Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đang là cách làm thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Yên Châu vốn được biết đến là vùng đất có nhiều đặc sản nổi tiếng, không chỉ xoài thơm, chuối ngọt, mà bây giờ, mận, nhãn của huyện cũng nức tiếng muôn phương. Với trên 10.500 ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng đạt gần 70.000 tấn.
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư huyện ủy Yên Châu, Tổ trưởng tổ chỉ đạo tiêu thụ xuất khẩu nông sản huyện Yên Châu, cho biết: Tổ công tác có 33 thành viên, thường xuyên đi khảo sát các vùng trồng xây dựng phương án tiêu thụ. Vận động các cán bộ công chức, viên chức huyện thông qua các mối quan hệ, mạng xã hội quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản; cử cán bộ huyện theo dõi, huy động nhân lực giúp bà con thu hái; khuyến khích thương lái đến thu mua tại vườn, hỗ trợ thương lái bao bì, đóng gói sản phẩm đi tiêu thụ...
Vụ mận năm nay, thu hoạch đúng vào thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giá mận giảm chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Với 1.800 ha cho thu hoạch, sản lượng trên 22.000 tấn, huyện Yên Châu đã chủ động phối hợp với các công ty tổ chức chương trình đồng hành cùng bà con tiêu thụ mận trên hệ thống VINMART và VINMART+ toàn quốc. Các ngành, đoàn thể trong huyện tích cực kết nối với các tỉnh tiêu thụ nông sản, như: Hội Nông dân huyện liên kết với Hội Nông dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh; Đoàn Thanh niên huyện kết nối qua Tỉnh đoàn Sơn La để tiêu thụ và huy động ĐVTN các xã giúp bà con thu hái, đóng gói mận. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX một số hộ làm đầu mối thu gom, bán cho các thương lái tiêu thụ trong nước. Dù giá mận thấp hơn mọi năm, nhưng toàn bộ mận ở Yên Châu cũng được tiêu thụ hết.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài cho biết: Năm nay, Bí thư huyện ủy trực tiếp đến cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo triển khai từ khâu sản xuất, tới kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất.
Tại huyện Sông Mã, đến nay đã tiêu thụ và xuất khẩu hơn 71.000 tấn nhãn, vượt gần 1.000 tấn so với sản lượng dự kiến; trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 18.200 tấn, chế biến trên 52.600 tấn long nhãn; xuất khẩu 156 tấn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Sông Mã, cho biết: Huyện đã thành lập Tổ công tác xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của huyện gồm 19 thành viên, do Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng. Hằng ngày, tổ công tác nắm số lượng tiêu thụ nông sản của từng gia đình, HTX và những khó khăn, vướng mắc đang gặp, tránh tình trạng nông sản ùn ứ, ách tắc. Bám sát diễn biến của dịch bệnh, xây dựng kế hoạch điều chỉnh phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn...
Giữa đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đã kết nối với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) thu mua nhãn của huyện Sông Mã xuất khẩu chào hàng thành công sang châu Âu sau khi vượt qua các khâu kiểm định khắt khe. Bên cạnh đó, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các xã khuyến khích người dân xây dựng lò sấy để tiêu thụ nhãn trên địa bàn; vụ nhãn năm nay, toàn huyện đầu tư, xây dựng 2.762 lò sấy long nhãn, trung bình mỗi ngày sơ chế hơn 1.400 tấn nhãn (thời kì cao điểm); 9 hộ dân và HTX đầu tư Container lạnh bảo quản nông sản. Qua đó, đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.
Cùng nông dân “vượt đại dịch”
Do đại dịch, năm nay, trước thời điểm thu hoạch các loại nông sản, tỉnh Sơn La đã tổ chức các hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ nông sản. Cuối tháng 5 vừa qua, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 đã được tỉnh tổ chức và kết nối tới Bộ Nông nghiệp và PTNT và 10 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngay sau Hội nghị, tỉnh Sơn La đã được hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; phương án lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong nước và các địa phương có cửa khẩu; tổ chức tuần hàng đặc sản Sơn La trên các sàn thương mại điện tử...
Thực hiện hỗ trợ cho tiêu thụ và bảo quản nông sản, tỉnh ta đã hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021, gồm các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư xây dựng kho bảo quản; container đông lạnh; lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh; ứng dụng máy móc thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn, xoài, mận, chanh leo và các loại rau trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 592 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đăng ký hỗ trợ, với trị giá trên 38,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Danh Phúc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (Sông Mã), cho biết: Năm nay, chúng tôi đã đầu tư một kho lạnh chứa được 150 tấn nhãn tươi. Vì thế, ngay cả khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì tôi vẫn không quá lo vì có thể bảo quản nhãn sau thu hoạch từ 1-2 tháng để chế biến dần.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh, khẳng định: Trước những thách thức do tác động của dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là đã phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm nên chủ trương của tỉnh rất hợp lòng dân. Đến thời điểm này, hàng trăm nghìn tấn nông sản được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho thấy sự chủ động của người dân và chính quyền trong việc lo đầu ra cho sản phẩm.
Việc cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng người dân tiêu thụ nông sản đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, củng cố thêm niềm tin của người dân đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch. Với những chủ trương, chính sách hỗ trợ tích cực, kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc của người đứng đầu, cách làm của mỗi địa phương trong kết nối, tiêu thụ nông sản, để người nông dân vượt qua “sóng gió” đại dịch. Điều đó cho thấy khi cấp ủy, chính quyền sâu sát thực tiễn thì việc khó mấy cũng có giải pháp tháo gỡ.