Khi cầu thủ làm ông chủ
Trong giới bóng đá nước nhà, chuyện các cầu thủ làm kinh doanh song song với sự nghiệp bóng đá không lạ, nhưng để thành công xem ra cũng không có nhiều người.
Thậm chí, có một số cầu thủ ban đầu đóng vai ông chủ, nhưng sau một thời gian lại chuyển sang vai con nợ.
Đi đầu trong việc kinh doanh có lẽ là thủ môn Dương Hồng Sơn và tiền đạo Lê Công Vinh. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, Hồng Sơn và Công Vinh đã hùn hạp, mở một nhà hàng rất lớn ở Vĩnh Phúc mang tên Sơn Vinh. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn, Hồng Sơn và Công Vinh đã thua lỗ, mất một số tiền lớn.
Sau này, thủ môn Hồng Sơn chuyển hướng sang việc nuôi hải sản tại quê nhà Nghệ An và việc kinh doanh của anh lại rất thành công. Điều ấy đã giúp Hồng Sơn yên tâm hơn trong việc huấn luyện trẻ, vì thực tế, lương của một huấn luyện viên bóng đá trẻ như anh không cao. Vừa qua, vợ chồng Hồng Sơn còn tiếp tục mở thêm một siêu thị mini tại Nhổn (Hà Nội) và việc kinh doanh của gia đình anh đang thuận lợi.
Sau Công Vinh và Hồng Sơn, những cựu tuyển thủ như Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Tuấn Phong, Nguyễn Mạnh Tú, Huỳnh Quang Thanh... cũng mở quán ăn tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, lúc đang còn thi đấu cho CLB Long An, Nguyễn Việt Thắng đã hùn hạp với những người bạn để mở một quán ăn trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), nhưng do lúc đó đang phải tập trung thi đấu, việc kinh doanh của Việt Thắng đã không được như mong đợi. Thời gian vừa qua, Việt Thắng đã quay lại với việc kinh doanh ẩm thực khi mở quán Bế Bistro bên quận 4 do vợ anh quản lý và quán rất đông khách. Ngoài Việt Thắng, các đồng đội của anh như Huỳnh Quang Thanh, Nguyễn Tuấn Phong, Nguyễn Mạnh Tú... đều kinh doanh quán ăn và đang thành công.
Sau ngôi á quân tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018, rồi một loạt các thành tích tiếp theo như vô địch AFF Cup 2018, 2 Huy chương Vàng SEA Games... đã giúp tên tuổi, hình ảnh các cầu thủ đến gần hơn với công chúng, đồng thời, những đơn vị kinh doanh cũng chú ý hơn đến các gương mặt bóng đá để mời gọi họ đại diện cho thương hiệu. Huấn luyện viên Park Hang-seo, tuyển thủ Duy Mạnh, Hoàng Đức, Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Linh, Văn Thanh, Đình Trọng... xuất hiện liên tục trên các mục quảng cáo của truyền hình, các ứng dụng internet, các bảng quảng cáo và thậm chí là trên xe taxi, xe bus.
Bên cạnh việc xuất hiện trên quảng cáo, nhiều cầu thủ đã bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh sản phẩm thời trang thể thao mang thương hiệu của chính mình. Từ năm 2019, Nguyễn Văn Toàn đã cùng ê-kíp tung ra dòng sản phẩm áo thời trang mang thương hiệu VT9 (cũng là tên viết tắt và số áo đấu của Văn Toàn). Những chiếc áo đấu đã sớm bán hết sạch nhờ lượng fan đông đảo của Văn Toàn.
Tiếp bước Văn Toàn, các tuyển thủ như Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng và mới nhất là Nguyễn Hoàng Đức cũng đã tung ra những sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Không chỉ bán online, tuyển thủ Nguyễn Hoàng Đức còn mở hẳn một cửa hàng thời trang mang tên Hoàng Đức 14 tại TP Hải Dương, quê nhà của anh, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Việc kinh doanh của các tuyển thủ trẻ hiện nay hầu hết chỉ mới ở giai đoạn khởi điểm nhưng chí ít đã cho thấy, các cầu thủ bóng đá hiện nay rất nhạy bén, biết cách dùng thương hiệu của mình trong việc kiếm tiền.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/khi-cau-thu-lam-ong-chu-710765