Khi chia tay muốn nói lời gặp lại...

Gặp tôi vào một ngày đầu xuân, trong bộn bề công việc BS CKII. Thiều Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh Phú Thọ nói: Nếu em viết thì viết về Trung tâm, chị cũng là một thành viên như bao thành viên khác mà thôi. Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cán bộ y tế nào cũng xác định cả cuộc đời là một sự cố gắng, nỗ lực hết mình vì sức khỏe và tính mạng của người bệnh...

Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, cũng như bao bạn đồng lứa khác, khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chị cũng có ước mơ về nghề nghiệp sau này. Một lần đưa bà nội cấp cứu tại Trạm Y tế xã, hình ảnh người bác sĩ áo trắng đã nuôi dưỡng ước mơ của chị. Nỗ lực học tập, năm 1987, chị thi đỗ bác sĩ đa khoa hệ chính quy – Trường Đại học Y Bắc Thái.

Sau những tháng năm miệt mài đèn sách, chị tốt nghiệp ra trường và công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1996, để hợp lý hóa gia đình, chị chuyển công tác về Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Đây là một chuyên ngành đặc biệt, người bệnh được đưa vào Khoa thường bị bệnh cấp tính nặng hoặc bị thương tích đe dọa đến tính mạng và thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Áp lực công việc ở đây rất lớn, thiếu trách nhiệm thiếu sự tận tình hoặc quyết định thiếu chuẩn xác là có thể trả giá bằng tính mạng của người bệnh.

BS CKII. Thiều Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh Phú Thọ thăm hỏi bệnh nhân chạy thận

BS CKII. Thiều Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh Phú Thọ thăm hỏi bệnh nhân chạy thận

Vì thế, đòi hỏi các thầy thuốc nơi đây phải có sự tận tâm và chuyên môn kĩ thuật giỏi và trang thiết bị hiện đại mới có thể vượt qua những ca bệnh khó, giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.

10 năm làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu là quãng thời gian với những kỷ niệm đong đầy tình đồng nghiệp, những khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc khi cấp cứu người bệnh thành công khỏi tay tử thần, những khoảnh khắc đi sớm, về muộn khi có ca bệnh nặng ...

Tất cả những kỷ niệm đó đã làm nên một nữ bác sĩ "cứng" tay nghề về chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Tại đây, chị được Bệnh viện cử đi đào tạo chuyên khoa định hướng thận nhân tạo, chuẩn bị những bước đầu để thành lập chuyên ngành thận nhân tạo của đơn vị.

Năm 2006, Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thành lập, trên cương vị là Trưởng Khoa, chị đã cùng với 5 cán bộ (trong đó, có 1 bác sĩ và 04 điều dưỡng) đặt nền móng đầu tiên của Bệnh viện về chạy thận nhân tạo.

Năm 2007, số lượng máy chạy thận nhân tạo từ 8 máy tăng lên 20 máy với 18 cán bộ (trong đó có 3 bác sĩ), khoảng 120 người bệnh suy thận phải chạy thận 3 lần/tuần. Dưới sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc bệnh viện, chị và các đồng nghiệp luôn tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện quy trình chuyên môn, kỹ năng xử trí tai biến (tăng huyết áp, tụt huyết áp, tuột vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, sự cố mất điện ...) để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Quy trình chạy thận luôn được khoa thực hiện đảm bảo an toàn, sau khi kiểm tra huyết áp và các chỉ số theo quy định, người bệnh sẽ được lấy máu để để lọc qua hệ thống máy móc hiện đại đã được khử trùng đạt quy chuẩn trước đó. Sau khi lọc sạch, máu được đưa trở lại cơ thể người bệnh.

Trong suốt quá trình gần 4 tiếng cho 1 ca lọc máu, người bệnh luôn được theo dõi sát sao, phát hiện các biến chứng để can thiệp và xử trí kịp thời, nhờ đó cứu sống được nhiều bệnh nhân . Cùng với đội ngũ nhân viên lành nghề, Chị và cán bộ Khoa luôn thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, chặt chẽ các quy định từ kiểm soát chống nhiễm khuẩn đến quy trình vận hành trang thiết bị.

Hệ thống máy lọc máu và hệ thống nước RO thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ để vận hành tốt, phục vụ kịp thời công tác điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thường kèm theo nhiều bệnh nặng phức tạp, các biến chứng khi chạy thận thường xuất hiện đột ngột, nặng nề, không hiếm các trường hợp ngừng tuần hoàn xảy ra trong lọc máu đã được cấp cứu kịp thời. Những lúc như vậy, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu của chị thực sự được phát huy.

Chị được người bệnh tin yêu gọi tên "đôi tay vàng về làm thủ thuật cấp cứu": đặt catheter, đặt nội khí quản ... Ngoài những trường hợp chạy thận chu kỳ, bác sĩ Thủy cùng đồng nghiệp thăm khám, điều trị những trường hợp suy thận nhập viện trong tình trạng cấp cứu, các bệnh lý nội khoa về thận, hệ tiết niệu.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và sự ủng hộ của lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ và lãnh đạo bệnh viện, Khoa Thận nhân tạo - BVĐK tỉnh Phú Thọ đã đạt được những thành tựu đáng kể về chuyên môn.

Trong lĩnh vực ghép tạng, tháng 6/2015 đến nay, Khoa đã phối hợp cùng với các khoa có liên quan thực hiện thành công 09 ca ghép thận từ người cho sống, trong đó có 04 ca không cùng huyết thống, 01 ca không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu.

Để có được thành công đó, bac sĩ Thủy cùng tập thể khoa đã hết sức nỗ lực trong công tác sàng lọc, chuẩn bị đầy đủ chu đáo các điều kiện cần thiết, đặc biệt là theo dõi và chăm sóc sau ghép. Qua theo dõi thường xuyên, tất cả người bệnh được ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đều có sức khỏe ổn định, tâm lý tốt.

Với sự cố gắng không ngừng, tháng 1/2017, ca mổ nối thông động tĩnh mạch FAV đầu tiên được triển khai; đến nay đã phẫu thuật được hàng trăm ca FAV. Kỹ thuật đặt catheter đường hầm có Cuff trong lĩnh vực Lọc máu thành công đã đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Trước thành tựu đạt được, để đáp ứng nhu cầu người bệnh, tháng 11/2018, Trung tâm Thận - Lọc máu được thành lập với tổng số 33 cán bộ (trong đó có 01 BSCKII, 3 BSCKI, 04 bác sĩ đa khoa). Được sự tín nhiệm của ban giám đốc bệnh viện, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc trung tâm.

Trong cương vị mới, chị luôn nỗ lực cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người bệnh chạy thận thường là những ca suy thận giai đoạn cuối, bi quan, chán nản, kiệt quệ về vật chất và tinh thần, đó là tình cảnh chung của những người bệnh chạy thận nhân tạo.

Lúc đầu mới đến điều trị, đa phần người bệnh suy thận đều mặc cảm, tự ti, phó mặc cho số phận. Những lúc như vậy, chị và đồng nghiệp không chỉ đơn thuần khám và điều trị bệnh cho họ mà là một người thân để động viên, chia sẻ kịp thời để họ yên tâm phối hợp điều trị.

Nơi đây, không có khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh. Họ dường như hiểu nhau rất rõ. Chị cùng cán bộ trung tâm có thể nhớ rành rọt từng con người, từng hoàn cảnh, thậm chí từng cuộc đời. Người bệnh luôn nghĩ về những bác sĩ, điều dưỡng với tấm lòng tri ân “những lương y thực sự”.

Có một nơi khi chia tay người ta luôn muốn nói 'hẹn gặp lại', đó là Trung tâm Thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh Phú Thọ. Bởi, nếu còn gặp lại tức là người bệnh sẽ vẫn còn sống. Gắn liền cuộc đời với những chiếc kim tiêm, máy lọc máu, phía trước còn nhiều khó khăn nhưng họ chưa bao giờ có ý định buông bỏ bởi đằng sau luôn có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ, của Chị - người lãnh đạo "đầu tầu" luôn hết lòng vì sức khỏe người bệnh

Hồng Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-chia-tay-muon-noi-loi-gap-lai-n169713.html