Khi ''chim sẻ'' bán hàng cho ''đại bàng''

Đồng Nai là địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu cả nước. Các doanh nghiệp (DN) FDI khi vào Việt Nam đầu tư kéo theo nhu cầu rất lớn về hàng công nghiệp phụ trợ. Những năm qua, Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển DN thuộc lĩnh vực này.

Doanh nghiệp Đồng Nai - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa trong khuôn khổ Hội nghị Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Thế

Doanh nghiệp Đồng Nai - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa trong khuôn khổ Hội nghị Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Thế

Dù đa phần các DN hỗ trợ của Đồng Nai có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nhưng một số DN đã biết “vượt qua chính mình”, nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, ngày càng nhiều DN bán được hàng cho DN nước ngoài và xuất khẩu.

* Nhỏ nhưng… “có võ”

Công ty TNHH Tương Lai ở huyện Long Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm, linh kiện phụ trợ bằng nhựa, cao su phục vụ cho lắp ráp xe gắn máy, xe ô tô, khuôn mẫu và một số hàng chuyên dụng khác. Theo Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai Trương Quốc Cường, hiện mỗi năm, DN sản xuất được 2 triệu sản phẩm, linh kiện. Gần 90% trong số đó là tiêu thụ nội địa với đối tác là các DN FDI trong các khu công nghiệp và một số nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, xe ô tô, hơn 10% còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.

Dưới góc độ quản lý của địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng cho rằng, liên kết doanh nghiệp hiện nay là yếu tố “sống còn” để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hội nhập. Tuy vậy, với hàng chục ngàn doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì tính liên kết này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực, bền bỉ của tập thể công ty trong nhiều năm trời, nhất là dồn mọi nguồn lực để nhập máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Hiện công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự kiến, sau từ 1 năm rưỡi đến 2 năm nữa các sản phẩm của Tương Lai có thể đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành một trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn thế giới” - ông Cường hồ hởi chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH Anh Nghĩa ANCL (huyện Trảng Bom) được thành lập từ năm 2004, chuyên sản xuất gia công linh kiện cơ khí chính xác, linh kiện dập. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện sản xuất xe ô tô, xe máy và các sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ các ngành công nghiệp khác cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc công ty cho hay, máy móc, trang thiết bị được đầu tư, cải tiến thường xuyên để nâng cao năng lực sản xuất. Công ty đang có 50 máy tiện, 20 máy phay, máy cắt dây… cùng các thiết bị đo hiện đại với độ chính xác cao được nhập khẩu từ Nhật Bản. Từ sự đầu tư mạnh này, năm 2019 ước tính công ty sản xuất 13 triệu chi tiết sản phẩm, doanh thu tăng 1,3 lần so với năm trước cũng như giảm chi phí sản xuất từ 10-15%.

Một DN nhỏ nhưng… “có võ” nữa trong ngành công nghiệp phụ trợ của Đồng Nai là Công ty TNHH Khang Thiên Phước (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom). Năm 2014 chị Nguyễn Thị Yến Ly thành lập công ty để chế tạo và gia công các sản phẩm ốc vít, chấu chốt, đai ốc, linh kiện dùng trong xe máy, tàu thuyền, máy bay… Cũng như các DN khởi nghiệp khác, thời gian đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiếu máy móc, nhân công chỉ có vài người và chưa thạo nghề, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào sản phẩm của công ty. Nhớ về những ngày đầu mở xưởng sản xuất, chị Ly tâm sự: “Thời gian đầu công ty rất khó khăn nhưng càng làm, tôi càng tin là mình sẽ thành công. Không ngồi một chỗ chờ khách hàng tìm đến, mà phải chủ động tìm đến khách hàng. Dần dần công ty cũng tạo được uy tín, thu hút thêm ngày càng nhiều đối tác”. Sản phẩm của công ty Khang Thiên Phước hiện đang cung cấp cho các công ty nước ngoài và nội địa, xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ… với sản lượng trung bình 12 triệu sản phẩm/năm.

* Bắt tay nhau để cùng phát triển

Theo ThS.Huỳnh Kim Tôn, giảng viên quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo, Đại học mở TP.Hồ Chí Minh thì DN tư nhân, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đang gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề quản trị. Khi phát triển đến một mức độ nhất định, các DN sẽ gặp khó trong quản lý. Điều này đòi hỏi chủ DN phải tham gia các khóa học để nâng cao nghiệp vụ, không thể cùng lúc ôm đồm quá nhiều việc mà phải phân công nhiệm vụ cho đội ngũ nhân sự. “DN cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa và tự động hóa, đồng thời thiết lập được đội ngũ nhân sự chất lượng, quản lý họ từ xa, dựa trên hiệu quả công việc nhằm tận dụng hiệu quả chất xám của nhân viên” - ông Huỳnh Kim Tôn khuyến nghị.

Đây cũng là điều trăn trở của các doanh nghiệp, ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai cho hay, ông phải luôn học hỏi và tự đổi mới, tự đặt ra câu hỏi: Mình có làm được những sản phẩm này không? Có điểm yếu nào phải khắc phục? Khắc phục ra sao? Làm sao để bán được hàng cho những DN khó tính nhất? Ngoài xây dựng hệ thống, quy trình, mã hóa toàn bộ sản phẩm... phải mất thời gian dài tìm kiếm đào tạo để ông có đội ngũ nhân viên có tay nghề kỹ thuật cao để vận hành, kiểm soát nhà máy như hiện nay.

Trong khi đó, TS.Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, Đồng Nai là mảnh đất rất nhiều tiềm năng cho đội ngũ DN phát triển. Tuy nhiên hầu hết các DN đang ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Bài toán đặt ra cho DN và chính quyền địa phương là phải liên kết khối DN này lại với nhau. Phải khuyến khích được DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất với DN lớn trong nước và DN nước ngoài, bởi DN của chúng ta làm ăn trực tiếp được với khối FDI còn khiêm tốn. Muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm thì phải có công nghệ. Muốn có công nghệ thì DN nhỏ và vừa phải có những khu dùng chung. Ngoài ra, về mặt chính sách, Nhà nước cần có những khuyến khích, giúp cho DN nhỏ và vừa phát triển ý tưởng. Vì ý tưởng kinh doanh liên quan đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Ví dụ, Nhà nước nếu cần thiết có thể cho DN đăng ký bảo hộ 100%; các nghiên cứu dùng thử trải nghiệm 100%. Nếu tổ chức được những nơi như vậy thì DN nhỏ và vừa mới có thể phát triển bền vững được.

Với riêng Hiệp hội DN Đồng Nai, theo lãnh đạo tỉnh, đây là tổ chức Hội của DN lớn nhất với trên 1 ngàn hội viên sẽ không ngừng phát triển, tập hợp lực lượng và liên kết theo từng ngành nghề để có một cộng đồng DN vững mạnh. Hiện nay, tỉnh đang rất chọn lọc trong thu hút đầu tư nước ngoài và phấn đấu sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ DN trong nước, trong đó có vấn đề giao lưu, hợp tác với DN FDI, tìm kiếm cơ hội bán hàng và xuất khẩu trực tiếp tại chỗ vào sản xuất của khối DN này.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/khi-chim-se-ban-hang-cho-dai-bang-2988280/