Khi chồng làm việc nhà

Vừa vào phòng làm việc, Thanh đã ngửi thấy mùi bánh mỳ pa tê thơm phức của chị Nhung. Đặt chiếc túi xuống bàn, Thanh mệt nhưng vẫn phải thốt lên:

- Sao chị cứ làm chúng em phải ghen tị suốt thế? Hôm nào em cũng vội vội vàng vàng, lên dập vân tay đúng vào phút chót. Thế mà lúc nào cũng thấy chị đủng đỉnh, đi làm sớm rồi lại còn có đồ ăn sáng ngon lành nữa.

- Thì ngày nào chồng chị cũng dậy sớm, rồi hai vợ chồng cùng nhau làm việc nhà, nấu bữa sáng cho con ăn uống xong chia nhau cho hai đứa đi học nên chị cũng thoải mái thời gian.

- Nhất chị, có ông chồng tâm lý sướng thật đấy. Chẳng bù cho chị em trong phòng. Như em đây, sáng nào cũng phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho con, xong lại còn đi chợ, phơi quần áo, rồi đưa con đi học. Chồng thì cứ lăn ra ngủ gần đến giờ đi làm mới dậy, khó khăn lắm mới nhờ được đưa con đi học đấy chị ạ. Thế nên ngày nào em cũng đến công ty vào phút chót, mà nhiều hôm còn phải chạy mới kịp giờ dập vân tay.

- Ừ, lấy được ông chồng tâm lý, biết san sẻ, giúp đỡ vợ con việc nhà nên chị cũng được nhờ. Không phải lúc nào cũng tất bật như em.

- Chồng chị như thế chắc anh chị hạnh phúc lắm nhỉ?

- Cuộc sống gia đình cũng có lúc nọ lúc kia, nhà nào chẳng có lúc giận dỗi nhau nhưng nhà chị thì may mắn vì anh ấy là người đàn ông của gia đình, biết quan tâm, chăm lo vợ con và luôn nghĩ cho người khác nên nhà chị cũng ít khi xảy ra mâu thuẫn lắm. Mà có thì cũng nhanh làm lành.

- Chẳng bù cho nhà em. Hầu như tháng nào cũng phải to tiếng vài lần. Chồng em thì tính gia trưởng chị ạ. Anh ấy luôn cho rằng vợ là phải làm việc nhà, phải lo chăm sóc con cái, còn chồng là đi làm ăn lo kinh tế, làm những chuyện lớn lao, chứ không phải là quét nhà, rửa bát, giặt giũ hay chăm con.

- Sao đến giờ mà chồng em vẫn có suy nghĩ ấy được nhỉ. Thời buổi nam nữ bình đẳng mà lại áp đặt việc nhà và chăm sóc con cái là việc của vợ thế là không được. Mà trong khi em cũng đi làm kiếm tiền chứ có phải ở nhà chơi đâu.

- Đấy chị ạ, nhiều lần em cũng có nói rồi nhưng động nói thì vợ chồng lại cãi nhau. Anh ấy đi làm về thì ôm khư khư cái điện thoại, có khi chỉ lướt web hoặc chơi game, con thì để ngồi chơi một mình cũng không chơi cùng, không dạy con học, còn em thì lo cơm nước, các thứ. Nhiều khi cũng mệt mỏi lắm. Những lúc như thế chỉ ước chồng mình có thể phụ giúp một chút thôi là vui lắm rồi.

- Sao em không tâm sự với bố mẹ chồng, để ông bà khuyên con trai.

- Chắc không được đâu chị ạ, em nghĩ tính gia trưởng của chồng là giống bố chồng em rồi. Để thay đổi được tính cách ấy khó lắm. Có lần em đau bụng, nhờ mãi chồng em mới đồng ý đi rửa bát giúp em, bố chồng nhìn thấy thế thì tỏ ý không hài lòng, không muốn con trai phải làm những công việc mà ông luôn cho là việc của phụ nữ. Từ lần ấy, em cũng không dám nhờ chồng rửa bát nữa. Mẹ chồng em cũng vì thế mà vất vả và phải chịu nhịn nhiều.

- Sống cùng người có tính gia trưởng, vẫn giữ quan điểm trọng nam khinh nữ thì đúng là khổ. Mà chị nghĩ con cái lớn lên trong gia đình như thế cũng bị ảnh hưởng không tốt bởi lối sống ấy. Nhà chị, chồng chị luôn chia sẻ việc nhà cùng chị, việc gì chị làm được anh ấy cũng làm được, anh ấy không bao giờ áp đặt vợ phải làm việc nhà hay vợ phải chăm con đâu, mà cả hai cùng làm. Có thế thì gia đình mới vui vẻ, hạnh phúc, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

- Mà anh làm những công việc ấy không ngại bị người khác nói à chị?

- À, thi thoảng cũng có một số người nói, trêu anh là “đàn bà”, nhưng anh không để ý. Anh chỉ cần biết mình có thể giúp đỡ vợ con, để cả gia đình được vui vẻ, hạnh phúc là anh vui rồi. Cũng nhiều người đến chơi thấy anh giúp vợ việc nhà thì trầm trồ khen anh chịu khó, giỏi giang rồi khen chị có phước mới lấy được người chồng như anh.

- Làm thế nào để thay đổi được suy nghĩ của chồng em bây giờ nhỉ?

- Hay hôm nào rảnh rỗi, em rủ chồng em đến nhà chị, hai nhà làm bữa cơm ăn uống, nói chuyện. Biết đâu ngồi nói chuyện và nhìn thấy hành động của chồng chị, chồng em lại thay đổi suy nghĩ thì sao.

- Vâng, thế chị cho em đăng ký luôn nhé!

THANH GIANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/khi-chong-lam-viec-nha-216602