Khi chủ tịch xã làm tín dụng chính sách xã hội
Sau 9 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên Ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đa số chủ tịch UBND xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều phát huy vai trò, trách nhiệm, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở địa phương.
Kể từ khi tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh, ông Đỗ An Chung, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn luôn tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện và theo dõi sát sao hoạt động các phiên giao dịch của ngân hàng theo lịch cố định tại xã.
Nhờ vậy, ông vừa nhanh chóng tiếp nhận những nội dung mới về tín dụng CSXH, vừa kiến nghị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở địa phương. Từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Năm 2009, ông Chung bắt đầu làm cán bộ xã. Đến năm 2011, ông được người dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch UBND xã cho đến nay. Sinh ra và lớn lên ở Gio Sơn, lại có thời gian công tác lâu năm ở xã, ông Chung nắm rõ tình hình phát triển của địa phương cũng như hoàn cảnh của từng hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Vì vậy, ông luôn có cách điều hành, chỉ đạo và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách hợp lý, đảm bảo việc phân công trách nhiệm đến các đầu mối trong xã một cách thông suốt. “Để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH hiệu quả, trước tiên phải bình xét công khai, dân chủ, không thể để người nghèo đã khó khăn lại phải tâm tư.
Khi gặp vấn đề phải tìm cách giải quyết có tình, có lý, hợp lòng dân. Trong quá trình người dân sử dụng nguồn vốn vay, tôi luôn cùng các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) theo dõi sát sao để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả”, ông Chung chia sẻ.
Trong khi đó, ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, trước đây, trình độ nhận thức của cán bộ và người dân đối với tín dụng CSXH chưa cao. Vì thế, có nhiều hộ dân được vay vốn nhưng chưa biết cách sử dụng vốn vay để đầu tư mô hình sản xuất phù hợp. Người dân chưa có ý thức trả lãi và gửi tiết kiệm để trả dần nợ gốc mà trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác.
Trong khi một số tổ trưởng tổ TK&VV vẫn còn thụ động nên hiệu quả nguồn lực đầu tư từ vốn CSXH trên địa bàn chưa được phát huy. Xác định những tồn tại, hạn chế của địa phương, với vai trò là Chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang, sau khi tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, hằng tháng ông Lê Quang Thạch đều tổ chức cuộc họp chuyên đề về tín dụng CHXH để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, giao trách nhiệm cụ thể cho các hội, đoàn thể địa phương trong quá trình thực hiện.
Ông Thạch cũng trực tiếp chỉ đạo tổ đôn đốc, thu hồi nợ bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, mời lên trụ sở UBND xã làm việc và yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ vay; các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương đã liên hệ với người nhà tìm địa chỉ, vận động hộ vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nguồn lực đầu tư từ tín dụng CSXH dần phát huy hiệu quả ở thị trấn vùng núi. Điều này được thể hiện rõ qua nhiều số liệu tăng dần đều qua các năm.
Điển hình như thu nhập bình quân đầu người ở Krông Klang từ 10,5 triệu đồng năm 2014 tăng lên 46 triệu đồng năm 2023; tỉ lệ hộ nghèo từ 39,26% năm 2015 giảm xuống còn 16,31% năm 2020 (theo chuẩn nghèo cũ), từ 30% năm 2021 xuống còn 23,7% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo mới). Bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo ở thị trấn giảm 3,5%.
“Điều đáng phấn khởi là hiện nay các chương trình cho vay của ngân hàng CSXH huyện đều phát huy khá hiệu quả, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Có thể nói, nguồn vốn CSXH góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách từng bước thay đổi nhận thức để thay đổi cuộc sống”, ông Thạch cho hay.
Theo ông Ngô Văn Bảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông, không riêng gì thị trấn Krông Klang mà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với ngân hàng CSXH huyện trở nên chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo quyết liệt ban giảm nghèo, trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, những tổ TK&VV hoạt động yếu kém được củng cố; các chủ trương, chính sách mới được triển khai kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cấp huyện, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Trị đã hướng dẫn các phòng giao dịch huyện, thị xã thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình, quy định của cấp trên.
Hiện 100% chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đều tham gia ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cấp huyện. Qua thực hiện, vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng ngân hàng CSXH ở cơ sở được nâng cao; nguồn vốn tín dụng ưu đãi được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khi-chu-tich-xa-lam-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-186721.htm