Khi chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn đầu ra

Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Xây dựng chương trình đào tạo đại học có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội. Vì vậy, trước khi mở ngành học mới, các trường đại học đặc biệt quan tâm đầu tư đúng mức cho công việc này.

Chương trình đào tạo phải đáp ứng chuẩn đầu ra

Theo kế hoạch mà Bộ GD-ĐT đưa ra, tiên phong xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho ngành/nhóm ngành là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL. Sau đó nhân rộng sang các ngành/khối ngành khác. Sau khi ban hành chuẩn chương trình đào tạo, tất cả cơ sở giáo dục đại học sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo, làm sao đáp ứng chuẩn tối thiểu, phù hợp yêu cầu của thị trường và đặc trưng riêng, từ đó đảm bảo chất lượng chung của trình độ đại học trên cả nước.

Trường đại học Xây dựng Miền Trung vừa tổ chức hội thảo góp ý Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn) với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

TS Nguyễn Thị Kim Trọng, Trưởng Khoa Kinh tế và quản lý xây dựng của trường cho biết: Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn do Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng của trường đảm nhận, được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, thời gian đào tạo 4 năm. Dự kiến chuyên ngành này sẽ được trường tuyển sinh vào năm 2021. Với mong muốn xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng theo hướng ứng dụng, phù hợp với yêu cầu xã hội, thông qua hội thảo góp ý này sẽ giúp nhà trường hoàn thành một chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội.

Thừa nhận hiện nay chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục rất khác nhau, PGS.TS Lê Chí Công, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Nha Trang, cho biết: “Thực hiện quyền tự chủ, chương trình đào tạo của các trường do hiệu trưởng ban hành. Các trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất tốt thì chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra sẽ tốt, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ngược lại, những cơ sở giáo dục còn hạn chế thì chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra sẽ hạn chế”. Chia sẻ góc nhìn liên quan đến việc đào tạo lĩnh vực du lịch - khách sạn, thầy Công cho hay: Cả nước hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành học này, trong đó có Trường đại học Nha Trang, hiện đang thu hút hàng ngàn sinh viên theo học. Thực tế cho thấy, cùng đào tạo du lịch - khách sạn nhưng có trường đào tạo 4 năm nhưng cũng có trường đào tạo 4,5 năm, nên số lượng tín chỉ sinh viên cần đạt được cũng chênh lệch giữa các trường. Vì vậy, việc Trường đại học Xây dựng Miền Trung xây dựng 120 tín chỉ (ở mức tối thiểu) mà sinh viên cần đạt được khi học chuyên ngành này theo thầy Công là hơi ít, nhà trường cần tính toán tăng thêm; đặc biệt là cân nhắc để cân đối giữa lượng kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành để bảo đảm đầu ra của người học.

Những thay đổi về nhân lực của xã hội đòi hỏi chương trình đào tạo đại học phải thay đổi tương ứng ngay, nhằm giúp người học bắt nhịp được với yêu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, mỗi trường xây dựng chương trình đào tạo theo phong cách riêng, chưa có căn cứ để so sánh, đánh giá. Vì thế, theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Các đại biểu tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn của Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Các đại biểu tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn của Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Thường xuyên phát triển chương trình đào tạo

Thời gian qua, các trường đại học đã nghiên cứu xác định và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo làm cơ sở để hoàn thiện chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường đại học đào tạo sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Những bất cập này chính là do công tác phát triển chương trình đào tạo chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Bà Nguyễn Huỳnh Hạnh Hiếu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển du lịch Pytopia, chia sẻ: Du lịch - nhà hàng được xác định là ngành cung cấp dịch vụ, tương tác giữa người với người và người với thiên nhiên. Hơn nữa, hoạt động của du lịch được thực hiện trên phạm vi toàn cầu, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng theo xu hướng phát triển của con người. Mức độ nhu cầu càng tăng cao thì sản phẩm phục vụ càng đẳng cấp. Do vậy, nguồn nhân lực bắt buộc phải có kỹ năng nghề tinh nhuệ. Đây là mục tiêu của doanh nghiệp nhưng cũng là động lực để các trường cải tiến hoạt động đào tạo của mình theo định hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

“Khi thực hiện công tác phát triển chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo cần phải có cái nhìn tổng thể bao quát toàn bộ quá trình đào tạo, cần lưu ý đảm bảo độ mềm dẻo cao khi xây dựng chương trình đào tạo. Tức là phải để cho người dạy có được quyền chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo trong phạm vi nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, đặc thù của chuyên ngành du lịch - khách sạn, trong quá trình đào tạo sinh viên cần được học thực tế tại các doanh nghiệp là các công ty lữ hành và các khách sạn 4-5 sao là một lợi thế rất lớn. Những đơn vị này sẽ nhận các em làm việc chính thức mà không tốn phí đào tạo lại. Kinh nghiệm thực tế không chỉ giúp các em dễ tìm việc làm mà còn rèn cho các em nhiều kỹ năng khác trong quá trình làm việc về sau”, bà Hiếu nhấn mạnh.

Hướng đến xây dựng khung trình độ quốc gia

Hiện Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) đối với trình độ của giáo dục đại học 2020-2025. Theo Bộ GD-ĐT, VQF sẽ được triển khai theo Quyết định 436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VQF cho giáo dục đại học là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ… tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực. Việc xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành/khối ngành sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Nói về những điểm mới của VQF so với chương trình khung đã ban hành trước đây, các cơ sở đào tạo đại học cho biết chương trình khung yêu cầu chặt chẽ về tên môn, số tín chỉ…, còn VQF sẽ ban hành chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng chương trình đào tạo chứ không quy định cứng. Như vậy, chuẩn chương trình đào tạo mới sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249160/khi-chuong-trinh-dao-tao-duoc-xay-dung-theo-chuan-dau-ra.html