Khi cơ sở thẩm mỹ vi phạm... thách thức

Thời gian qua, ngành y tế TPHCM phát hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động 'chui' và nhiều cơ sở vi phạm quy định về khám chữa bệnh. Không ít cơ sở sai phạm có thái độ thách thức, chống đối và coi thường cơ quan chức năng.

Chẳng hạn như trường hợp người bệnh N.T.B.T. bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi thẩm mỹ vùng kín tại Phòng khám thẩm mỹ Diva Sài Gòn (quận 11). Trong khi người bệnh được cấp cứu, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đến làm rõ sự việc thì nhân viên phòng khám phản ứng, chống đối quyết liệt.

Hoặc mới đây, hộ kinh doanh Dr EVA (quận 10) bất chấp lệnh đình chỉ hoạt động 18 tháng, ngang nhiên quảng cáo, mời chào trên Facebook rồi thực hiện thẩm mỹ vùng kín cho khách hàng. Thời điểm Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra đột xuất cơ sở, những người bên trong đóng cửa, phải nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ. Lần này, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Còn Công ty TNHH Saigon Shine (quận 3) núp bóng một phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt để hành nghề điều trị nam khoa trái phép. Cơ sở này không chấp hành yêu cầu tháo gỡ quảng cáo vi phạm trong lĩnh vực y tế, không đến làm việc với cơ quan chức năng dù được mời 2 lần...

Thái độ thách thức của các cơ sở vi phạm từng được Sở Y tế TPHCM chỉ ra vào cuối năm 2023. Trong đó có trường hợp một chủ cơ sở thẩm mỹ không phép trên địa bàn TP Thủ Đức nhiều lần chống đối thanh tra y tế. Trên mạng xã hội, người này đăng tải clip với những phát biểu xem thường pháp luật và sức khỏe người dân...

Đến nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhưng thái độ coi thường pháp luật của người vi phạm càng khiến công tác quản lý khó khăn hơn. Có những cơ sở bị đình chỉ bữa nay thì bữa sau “mọc” lên biển hiệu mới ở vị trí cũ rồi tiếp tục vi phạm. Chiêu trò “ve sầu thoát xác” được cơ sở vi phạm tận dụng triệt để, đẩy hậu quả về khách hàng.

Một bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ cho hay, mức xử phạt vi phạm hành chính với cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, hoạt động không phép chỉ từ vài chục triệu đồng đến khoảng 100 triệu đồng (tùy hành vi vi phạm), rất nhỏ so với lợi nhuận thực tế mà cơ sở đó thu được. Việc xử phạt không đủ răn đe có thể gây ra tác dụng ngược, khiến người vi phạm coi thường pháp luật, tái diễn vi phạm, qua mặt cơ quan quản lý. Khi thái độ thách thức và coi thường này tiếp tục kéo dài, vấn nạn thẩm mỹ “chui” có thể sẽ rơi vào tình trạng “lờn thuốc, kháng thuốc”.

MINH KHUÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-co-so-tham-my-vi-pham-thach-thuc-post751622.html