Khi con lười việc nhà…

Thằng con tôi học hành không đến nỗi nào, nhưng nói tới vụ lười nhác việc nhà thì thuộc loại “có số má”. Ngoài giờ học, cháu chỉ biết “ôm” cái ti vi hoặc cắm mặt vào smartphone, ba mẹ có mở miệng nhờ cụ thể chuyện gì cháu mới chịu nhúc nhích chân tay, mà cũng đầy miễn cưỡng! Chưa hết, gặp lúc mê chơi mà buộc phải đi làm cháu - hoặc vùng vằng “đá thúng đụng nia” hoặc làm quấy quá lấy được. Bảo đi tưới cây cháu sẽ bắc vòi xịt vung tàn tán, miễn ướt lá thì thôi. Quét nhà thì tìm cách “cho qua” các gầm tủ gầm bàn, xoẹt xoẹt chổi quét chổi chừa. Cái nhà rộng gần trăm mét vuông cháu “tác nghiệp” chưa đầy năm phút! Mẹ mắng, cháu “nhúc nhích” đâu được vài hôm, xong đâu lại hoàn đấy. Bực quá, tôi mới bảo: thôi, không nói nhiều nữa; từ nay việc gì nói một lần mà nó không làm hoặc làm qua loa cứ để… anh làm! Vợ bật cười tưởng nói chơi nhưng không ngờ tôi làm thật: cứ mỗi khi sai bảo chuyện gì mà thấy cháu vùng vằng hoặc “cù nhây” tôi lập tức đứng dậy đi làm. Việc nào cháu làm “trây nhớt” qua loa tôi cũng lẳng lặng ra tay làm lại. Ban đầu vợ còn càm ràm vẻ không ưng ý: tưởng nói chơi lại đi làm thiệt, tính “bắc thang” cho nó leo na trời… Vậy nhưng dần dần hiểu ra nàng cũng học theo sách của tôi: thấy cháu trả treo nàng không nói dài dòng lẳng lặng tự đi làm với bộ mặt đương nhiên rất “lạnh”! Vài hôm đầu thấy anh cu có vẻ ưng bụng, nhưng sự ưng bụng chẳng lâu la nhanh chóng biến thành… bứt rứt. Đương nhiên cháu cũng đủ trí khôn để hiểu động thái “bất bạo động” lạnh băng của mẹ cha mang hàm nghĩa gì! Thêm nữa, ai tới nhà, nhìn cảnh con cái ngồi chơi trong khi cha mẹ quần quật đương nhiên rất chi là chướng mắt. Vậy là không ai bảo cháu cũng tự động rời ti vi, điện thoại đi giành chổi, giành vòi tưới “để con làm!”. Tôi nháy vợ, ra hiệu không nên làm căng. Vợ hiểu ý đi vô, còn kín đáo liếc xem thấy cu cậu làm ăn khá chỉn chu mới tủm tỉm cười…

Giáo dục con cái biết yêu lao động, siêng năng giúp đỡ mẹ cha giải quyết việc nhà đương nhiên có nhiều cách. Nhưng thường đa số các bậc cha mẹ hay có thói quen nóng vội, đối phó với thói lười nhác của con bằng phản ứng mắng mỏ - thậm chí dùng cả đòn roi. Cách giáo dục mang hơi hướm “bạo lực” này không phải không tác dụng, nhưng những hệ lụy kèm theo đôi khi khá tiêu cực. Trẻ em bị đánh mắng nhiều dễ dẫn tới hiệu ứng trơ lỳ cảm xúc, chưa kể xung động phản kháng nhất thời đôi khi còn đưa các cháu tới chỗ có hành vi, ngôn ngữ hỗn láo. Nói/làm nhiều lần quen nết sẽ hình thành thói quen vô giáo dục hết sức không hay. Để phòng xa các hậu họa này, ta nên tận dụng tối đa những kỹ năng giáo dục “mềm” (như cách tôi từng dùng với con trai). Có thể nhọc nhằn và lâu thấy kết quả hơn, nhưng chắc chắn độ an toàn sẽ cao và hiệu quả có được nhiều cơ may bền vững.

Đương nhiên, cũng không loại trừ việc có đối tượng dùng cách giáo dục này không tương thích. Nhưng dù vậy ta cũng nên đem thử - được thì hay mà không được cũng đâu có mất gì?

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/239872/khi-con-luoi-viec-nha%E2%80%A6.html