Khi Công an chính quy về xã
Là xã miền núi rộng lớn, phức tạp nhất của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhưng kể từ khi lực lượng Công an chính quy về xã, xã Yên Lâm đã có nhiều đổi thay tích cực. Có được thành quả ấy phải kể đến công sức của người Trưởng Công an xã tận tâm, Thiếu tá Bàn Văn Bắc và các CBCS Công an xã Yên Lâm.
Trước khi về đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Yên Lâm, Thiếu tá Bàn Văn Bắc công tác tại Đội An ninh Công an huyện Hàm Yên với thâm niên gần chục năm phụ trách địa bàn xã, nên anh rất hiểu những “vấn đề” nổi cộm ở xã Yên Lâm. Bởi vậy, ngay khi có chủ trương của Bộ Công an đưa Công an chính quy về xã, Thiếu tá Bàn Văn Bắc là một trong những CBCS đầu tiên của Công an huyện Hàm Yên xung phong về địa bàn cơ sở.
Xã Yên Lâm có 9 thôn với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó trên 75% là đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhất là đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Mông. Vốn là xã nghèo, nổi tiếng phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) khi ở đây chính là địa bàn của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hoạt động.
Các đối tượng trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lợi dụng triệt để tâm lý cố kết của đồng bào dân tộc Mông và sự chênh lệch giàu nghèo để tuyên truyền kích động, tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông với ý đồ kêu gọi ly khai, tự trị, lập “Nhà nước Mông” do Dương Văn Mình đứng đầu.
Bọn chúng thường xúi giục người dân gây cản trở ANTT, chống đối chính quyền cơ sở; ngăn cấm không cho con, em đi học; không nhận hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; kích động khiếu kiện. Đồng thời, tuyên truyền những “giáo lý” nhảm nhí nhằm lừa bịp người dân tin theo và nộp tiền cho chúng. Nhiều bà con người dân tộc Mông vì tin theo đã bỏ bê đồng ruộng, nhà cửa, không chịu làm ăn, khiến cuộc sống đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.
Xác định muốn ổn định tình hình ANTT tại địa bàn, một trong những nhiệm vụ quan trọng, đó là phải chuyển biến được nhận thức của người dân, nhất là số đồng bào dân tộc Mông. Ngay khi về địa bàn, Thiếu tá Bàn Văn Bắc và các CBCS Công an xã Yên Lâm đã khẩn trương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình tự quản về ANTT; tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.
Thiếu tá Bàn Văn Bắc quan niệm: “Muốn hiểu đồng bào, và nói để đồng bào hiểu, thì nhất định phải nói, phải hiểu được tiếng của đồng bào”. Bởi vậy, dù là người dân tộc Dao, nhưng anh Bắc đã chủ động học tiếng Mông rồi cùng bà con lao động, sinh hoạt. Từ đó, người dân không xem anh là người ngoài.
“Mưa dầm thấm lâu”, qua những câu chuyện thân tình bên bếp lửa hồng, những buổi lao động sản xuất cùng bà con, những tuyên truyền, vận động của Thiếu tá Bàn Văn Bắc và các CBCS Công an xã Yên Lâm đã được bà con lắng nghe, dần nhận rõ bản chất sai trái, lừa bịp của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Bà con hiểu rằng phải chăm chỉ lao động sản xuất thì đời sống mới ấm no; trẻ con phải được đến trường học cái chữ thì đầu óc mới tiến bộ, mới biết được nhiều điều hay, lẽ phải; cùng bảo nhau không còn tin, nghe theo luận điệu sai trái, lừa bịp của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Minh chứng là đến nay, 74 hộ dân với 542 nhân khẩu đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ, không nghe, không theo tổ chức tà đạo này.
“Tự hào nhất là, trong kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, xã Yên Lâm vinh dự được biểu dương là một trong những địa bàn dẫn đầu huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang cả về thành công trong công tác tổ chức bầu cử, cũng như tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Trước đây, khi lực lượng Công an chính quy chưa về xã, cứ mỗi kỳ Đại hội Đảng hay bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra, xã Yên Lâm luôn bị xếp hàng “đội sổ”. Nguyên nhân cũng bởi, người dân nghe theo kẻ xấu, bị các đối tượng lôi kéo, kích động, xúi giục không đi bầu cử, nhiều người dân còn xé phiếu cử tri”- Thiếu tá Bàn Văn Bắc chia sẻ.
Bên cạnh xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, phong trào hay nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia giữ gìn ANTT, Công an xã Yên Lâm còn tranh thủ vai trò của Già làng, Trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để hỗ trợ lực lượng Công an trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn ANTT, các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương, nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những thủ đoạn lừa bịp của kẻ xấu, các đối tượng vừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, vừa phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Một trong số những người đó là bà Hoàng Thị Sống, ở thôn Quảng Tân.
Mấy chục năm gắn bó với nghề khám bệnh, bốc thuốc gia truyền ở địa phương nên bà Hoàng Thị Sống được người dân ở thôn Quảng Tân biết và yêu mến. Khi chúng tôi đến, bà Sống vừa bắt mạch, bốc thuốc cho chị Dương Seo Lỳ vừa hỏi thăm chuyện học hành của bé H, cậu con trai của vợ chồng chị Lỳ hiện đang học lớp 6 Trường THCS Yên Lâm. Nếu không có sự giúp đỡ của bà Sống và Công an xã Yên Lâm thì có lẽ bé H đã phải bỏ học từ 2 năm trước.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Lỳ hay đau ốm, hàng ngày không có người chở H đi học vì nhà cách trường hơn chục cây số. Con đang học lớp 4 thì vợ chồng chị Lỳ định cho nghỉ học. Mỗi lần chị Lỳ đến khám bệnh, bà Sống đã phân tích cho chị thấy được lợi ích của việc học tập với tương lai của con trẻ. Bà cũng thông tin với Thiếu tá Bàn Văn Bắc và các CBCS Công an xã Yên Lâm để trao đổi với chính quyền xã tạo điều kiện cho cháu H được tiếp tục đến trường.
Thiếu tá Bàn Văn Bắc cho biết, trước đây việc gia cảnh khó khăn, nhà xa trường lớp là lý do khá phổ biến khiến trẻ em ở xã Yên Lâm phải bỏ học. Có những thôn xa, cách trung tâm xã đến hơn 20km, đường xá đi lại rất khó khăn nên tỷ lệ trẻ em không được đi học hoặc bỏ học sớm, không đến trường khá cao, dù chính quyền địa phương cử cán bộ đến tận nhà vận động. Rất may, từ năm 2019, để tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được thuận lợi đến trường, tỉnh Tuyên Quang và huyện Hàm Yên đã quyết định đầu tư xây dựng Trường PTCS bán trú ngay tại xã Yên Lâm. Hiện nay, trường đang có 70 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn theo học. Các cháu được nuôi ăn, ở và học tập miễn phí ngay tại trường.
Nhiều năm bốc thuốc chữa bệnh, gần gũi trò chuyện với bệnh nhân, bà Sống nắm được, một số đồng bào người Mông, chỉ vì tin theo những “giáo lý” nhảm nhí của tổ chức tà đạo Dương Văn Mình tuyên truyền rằng: “Không cần làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ; hay người chết sẽ sống lại, người già sẽ lột xác trẻ lại, người trẻ sẽ trẻ mãi không già, ốm đau sẽ tự khỏi bệnh, không cần đi bệnh viện…” nên dù bệnh nặng cũng nhất quyết không chịu đi bệnh viện. Trong quá trình khám và bốc thuốc cho bệnh nhân, bà Sống đã tận tình khuyên nhủ những bệnh nhân nặng cần phải đến bệnh viện khám và chữa trị.
Qua giảng giải, phân tích của bà Sống, nhiều người dân dần hiểu được sự quan tâm, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng sâu vùng xa khi được khám, chữa bệnh miễn phí. Các hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ 100%, những hộ cận nghèo cũng được giảm tới 95% chi phí khám chữa bệnh. Từ những lời phân tích thấu lý, đạt tình của bà Sống, nhiều người dân dần hiểu ra, không còn tin và nghe lời xúi giục của những kẻ xấu và các đối tượng trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Không chỉ tận tình bốc thuốc chữa bệnh cho bà con địa phương, qua trò chuyện chúng tôi được biết, gia đình bà Sống cũng là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế ở xã Yên Lâm. Kinh tế gia đình vững vàng nhờ nghề trồng rừng, và trồng cây ăn quả. Từ kinh nghiệm bản thân, bà Sống và các thành viên trong gia đình còn tận tình hướng dẫn, truyền đạt cho bà còn địa phương cách trồng rừng hiệu quả; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam để cho năng xuất cao, từ đó dần tăng nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/khi-cong-an-chinh-quy-ve-xa-i657343/