Khi Công đoàn thực hiện dân vận khéo
Cùng với việc thực hiện tốt phong trào thi đua dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Công đoàn quận Nam Từ Liêm đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, nhà nước phát động. Qua đó, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng công tác phối hợp với lãnh đạo đơn vị để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua 'Lao động giỏi', 'Lao động sáng tạo'…
“Dân vận khéo với nhiều cách làm hay
Vừa qua, Ban Dân vận Quận ủy Nam Từ Liêm phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức tọa đàm Dân vận khéo trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp năm 2020.Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của các Công đoàn cơ sở đã khẳng định Công đoàn đã chủ động tham gia “dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Công đoàn Công ty Cổ phần Fecon đã chia sẻ một hoạt động của công đoàn được duy trì nề nếp nhiều năm là phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để tổ chức đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp với các nội dung như tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; về điều kiện làm việc; yêu cầu của các bên đối với nhau, cũng như bất kể vấn đề gì mà các bên quan tâm.
Bà Phùng Nguyệt Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Fecon cho biết, để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc có hiệu quả, trước hết thành viên tham gia đối thoại phải hiểu biết pháp luật về lao động và công đoàn, chế độ chính sách đối với người lao động, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp… Đặc biệt được người lao động tín nhiệm, có khả năng thuyết trình, thuyết phục hoặc phản biện.
Ngoài ra, việc chuẩn bị nội dung đối thoại cũng rất quan trọng, Công đoàn Công ty tổ chức tốt việc lấy ý kiến người lao động về những nội dung cần đưa ra đối thoại để tổng hợp ý kiến tham gia trước khi đối thoại. Những nội dung mới phát sinh cần trao đổi, thống nhất với người sử dụng lao động trước khi diễn ra đối thoại.
“Ngoài các buổi đối thoại định kỳ theo quy định, khi có vấn đề phát sinh, nội dung bức xúc, cấp thiết liên quan đến quyền lợi người lao động cần được giải quyết ngay, Công đoàn Công ty chúng tôi sẽ tập hợp nhanh yêu cầu của người lao động, thông qua tổ công đoàn, công đoàn bộ phận... để thống nhất nội dung đối thoại bằng văn bản gửi người sử dụng lao động yêu cầu tổ chức đối thoại đột xuất. Kết thúc buổi đối thoại, lãnh đạo Công ty phải có kết luận từng vấn đề cụ thể và thể hiện vào biên bản đối thoại, ghi rõ những nội dung nào thống nhất, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất, cần bàn bạc giải quyết tiếp” – bà Hà cho hay.
Bên cạnh Công đoàn Công ty Cổ phần Fecon, việc thực hiện “dân vận khéo” trong Quy chế dân chủ ở cở sở cũng được Công đoàn Khách sạn Marriot Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành thông qua việc xây dựng Thỏa ước lao động tập thể. Bà Đàm Thị Hương Ngần – Phó Chủ tịch Công đoàn Khách sạn Marriot Hà Nội cho biết, những năm qua, Công đoàn Khách sạn Marriot đã chủ động phối hợp với lãnh đạo tiến hành thương lượng, ký kết và thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hàng năm để nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.Bản thỏa ước lao động tập thể của Khách sạn có nhiều nội dung cao hơn so với luật định, giúp người lao động cải thiện thu nhập, ổn định việc làm và nâng cao đời sống.
Bà Ngần cho biết: “Xác định việc giám sát ban lãnh đạo khách sạn và hướng dẫn người lao động thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý, công cụ quan trọng của công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần chăm lo cho người lao động, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể được thực hiện sâu sát, đảm bảo quy trình”.
Theo đó, Ban Chấp hành Công đoàn Khách sạn đã tham gia các lớp tập huấn kỹ năng thương lượng, đàm phán, và ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó chú trọng việc trang bị kiến thức pháp luật, đã giúp cán bộ công đoàn tự tin trong công tác dân vận, thuyết phục, đàm phán với chủ doanh nghiệp, để có thể đưa ra những điều khoản cao hơn luật, có lợi hơn cho người lao động.
Ban Chấp hành Công đoàn Khách sạn cũng quan tâm nhiều đến chất lượng nội dung của bản thỏa ước lao động tập thể, từng bước nâng cao chất lượng thông qua việc thương lượng các nội dung cụ thể gắn với thực tế, tổng hợp những nội dung đã thỏa thuận được qua các buổi đối thoại định kỳ và các ý kiến đã được thống nhất tại Hội nghị Người lao động hằng năm để sửa đổi, bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể.
Đặc biệt, trong năm 2017, Ban Chấp hành Công đoàn Khách sạn đã cùng với phòng hành chính nhân sự xây dựng lại thỏa ước có lợi nhất cho người lao động gồm 9 Chương 34 điều. Theo đó, bình quân một năm người lao động có các chế độ như: Sinh nhật, các ngày nghỉ lễ trong năm, tiền du lịch, thăm nom khi ốm đau, chế độ hiếu, hỉ, sinh con; con cái học hành xuất sắc có giải thưởng; có quà khi nghỉ hưu. Lao động nữ được tặng quà 8/3; 20/10 và cùng với cán bộ công đoàn được 2 chuyến tham quan du lịch là du xuân đầu năm và nghỉ mát giữa năm…
Thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn
Đánh giá về thực hiện “dân vận khéo” trong hoạt động công đoàn, bà Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm cho biết, cùng với việc thực hiện tốt phong trào thi đua dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước, khối Công đoàn cơ sở đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, nhà nước phát động gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.
Trong đó, chủ yếu triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức đối thoại giữa người lao động với lãnh đạo đơn vị về quyền, lợi ích của người lao động.
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng công tác phối hợp với lãnh đạo đơn vị để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”…
Việc thực hiện công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng đạt được nhiều kết quả, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đặc biệt nhiều cơ quan hoàn thành vượt mức chỉ tiêu các cơ quan ngành dọc cấp trên giao, được Thành phố và Ban Thường vụ Quận ủy đánh giá cao, biểu dương, khen thưởng động viên kịp thời.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn quận có lúc, có nơi còn chưa phát huy hết khả năng, lợi thế, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của một số cơ quan, đơn vị còn chưa được quan tâm thường xuyên, chưa quyết liệt; sự tích cực vào cuộc của một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa cao, việc thực hiện đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền chất lượng còn chưa đạt được như mong muốn.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp năm 2020 được phát huy, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm đề nghị thời gian tới Ban Dân vận Quận ủy, Liên đoàn Lao động quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về dân vận khéo cho cán bộ, đảng viên khối hành chính sự nghiệp và khối doanh nghiệp gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…/.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-cong-doan-thuc-hien-dan-van-kheo-113980.html