Khi công nghệ chưa thể thay thế con người, nên áp dụng công chứng điện tử thế nào?

Chiều 17-6, tiếp tục chương trình làm việc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ gây lãng phí

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Ngoài ra, điều khoản chuyển tiếp quy định công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm.

 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi. Khi hết thời hạn này, việc miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo quy định của luật.

Thẩm tra nội dung độ tuổi hành nghề của công chứng viên, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên như quy định của dự thảo luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Do vậy, việc dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ “gây lãng phí nguồn lực xã hội”.

Với sự phát triển của y học hiện nay, đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Có nên áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp?

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định một mục về công chứng điện tử.

Theo đó, dự thảo luật quy định công chứng điện tử thực hiện theo 2 phương thức là: Công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật và nhấn mạnh, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến về phạm vi công chứng điện tử.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong báo cáo thẩm tra đầy đủ để có cơ sở thực hiện theo lộ trình...

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi áp dụng công chứng điện tử, nhất là theo phương thức công chứng điện tử trực tuyến, vẫn có một số yếu tố cốt lõi của công chứng nội dung mà công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế được hoàn toàn vai trò của con người, do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý.

Do đó, trước mắt, dự thảo luật cần quy định rõ chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...; giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao Chính phủ thực hiện thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/khi-cong-nghe-chua-the-thay-the-con-nguoi-nen-ap-dung-cong-chung-dien-tu-the-nao-781482