Khi công nghiệp không còn lợi thế lao động giá rẻ

Đơn hàng tăng nhưng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, đơn cử như ngành chế biến gỗ, da giày túi xách không dám mở rộng sản xuất do lo ngại không đủ nguồn lao động.

 Công nghệ lắp đặt tại một nhà máy chế biến gỗ - Ảnh: TD

Công nghệ lắp đặt tại một nhà máy chế biến gỗ - Ảnh: TD

Khi nhân lực không còn là lợi thế

Chạy dọc các khu công nghiệp tại VSIP 1, Thuận An, Bình Dương, đâu đâu cũng thấy treo biển thông báo tuyển dụng công nhân với mức lương ưu đãi. Thậm chí, các răng rôn tuyển công nhân đã “thâm nhập” sâu hơn vào các làng, xã vùng lân cận. Làn sóng đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay đã khiến tình hình tuyển lao động trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Ngành gỗ, nơi mang về 9 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, là một ví dụ điển hình. Dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI tăng gấp gần 1,2 lần so với cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI cả năm 2018. Các dự án này chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ.

Ngoài việc nhà máy dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng có nhu cầu mở rộng sản xuất do các đơn hàng thay vì gia công ở Trung Quốc, đã “tìm đường" sang Việt Nam. Điều này đã khiến nguồn cung lao động trở nên vô cùng khan hiếm. Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, công ty tuyển dụng có trụ sở tại TP HCM cho hay, nhu cầu tuyển dụng trong ngành sản xuất, chế biến tăng ổn định ở mức 10% trong 3 năm qua, nhưng riêng quý đầu tiên năm 2019, nhu cầu tuyển dụng đã tăng gần 20%.

Tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã xảy ra hiện tượng tranh giành lao động. Cảm nhận rõ áp lực từ sự khan hiếm nhân công, ông Nguyễn Phương, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Minh Thành cho hay: “Dòng vốn FDI dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam đang khiến chúng tôi rất khó tuyển lao động. Giá nhân công tại các khu công nghiệp hiện đã tăng từ 10-20% so với năm ngoái".

“Lao động Việt Nam đã không còn rẻ và dồi dào nữa": Lãnh đạo Minh Thành, đơn vị chuyên sản xuất đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách xuất đi Mỹ nói.

Vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 5,5% trong năm 2020. Tỉ lệ tăng này không quá lớn so với mức tăng lương tối thiểu của các năm trước đó, nhưng cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, so với tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu vùng là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất. Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tuy năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4,8%/năm trong giai đoạn 2011-2018 nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Năm 2018, năng suất lao động Singapore gấp 13,7 lần của Việt Nam, Malaysia 5,3 lần, Thái Lan 2,7 lần và Indonesia 2,2 lần.

"Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam trong tương lai rất gần. Đã đến lúc, doanh nghiệp sản xuất phải có những tính toán khác để tăng nội lực”, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận định.

Chi phí lao động liên tục tăng, nguồn lao động bắt đầu khan hiếm và năng suất lao động không cải thiện nhiều đang ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nội.

Loay hoay tìm giải pháp về công nghệ

Sau một thời gian dài đối mặt với vòng luẩn quẩn: tuyển lao động, đào tạo lao động rồi lại bị doanh nghiệp khác hút mất, ông Nguyễn Phương, giám đốc Minh Thành đã quyết định con đường duy nhất để mở rộng sản xuất là đầu tư vào công nghệ.

“Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách trị giá 50 tỉ đồng", ông Phương nói. “Với việc đầu tư dàn máy mới, sắp xếp lại quy trình sản xuất, Minh Thành sẽ giảm được khoảng 30% nguồn nhân lực".

Đây là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng. Theo ông Khanh, chủ tịch Hawa, với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác, kết hợp công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot, công nghệ sản xuất đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm lệ thuộc vào lao động. Đây chính là con đường tối ưu nhất để doanh nghiệp giải bài toán tiết kiệm nhân lực, gia tăng chất lượng sản phẩm.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho hay, áp dụng công nghệ trong sản xuất là câu chuyện chung của tất cả quốc gia, các ngành sản xuất. Nhiều nghiên cứu cho rằng, khi chi phí nhân công tăng lên một mức nào đó, việc nhập những sản phẩm từ các nước dồi dào lao động như Việt Nam, Trung Quốc sẽ ngày một đắt đỏ. Hiện nay, chi phí vận chuyển thường rất tốn kém (1 đô la Mỹ/đôi) và thời gian vận chuyển lâu (30 ngày), khiến việc giảm chi phí sản xuất nhờ gia công sẽ không còn mang lại hiệu quả kinh tế.

“Do đó, xu hướng hiện nay là các thương hiệu thời trang lớn ra sức đầu tư tối đa vào công nghệ thiết kế, chế tạo ra thành phần lắp ráp tại thị trường nội địa”, ông Kiệt nói. “Trong khi đó, những nước sản xuất, gia công lớn như Việt Nam, một mặt phải tìm hiểu công nghệ mua từ nước khác, nhưng một mặt tự làm ra thiết bị để sản xuất sản phẩm, dần thay thế lao động".

Nhận thức được nhu cầu lớn trang bị công nghệ tại thị trường nội địa, nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới đang tích cực tiếp thị sản phẩm tại Việt Nam. Ông Steven Chen, quản lý dự án của Công ty Yorkers, đơn vị tổ chức triển lãm Vietnamwood, cho rằng Việt Nam được đánh giá tiềm năng bởi sự bùng nổ về sản xuất cả ở hiện tại và tương lai.

“Các triển lãm do chúng tôi tổ chức 2 năm vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc các ngành công nghiệp sản xuất như ngành như dệt may, nhựa, cao su, chế biến thực phẩm và đóng gói…”, ông Steven Chen nói.

Tăng trưởng thần tốc nhất trong việc đầu tư máy móc có thể kể đến là ngành gỗ. Nếu như 12 năm trước, 80% không gian triển lãm của Vietnamwood đến từ các doanh nghiệp Đài Loan. Đến nay, triển lãm đã thu hút hàng loạt các doanh nghiệp đến từ các quốc gia xuất khẩu máy móc chế biến gỗ hàng đầu thế giới như Ý, Đức, Áo, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ….

Đầu tư vào công nghệ là hướng đi đúng nhưng cái khó hiện nay là làm sao doanh nghiệp áp dụng công nghệ một cách hiệu quả khi đa phần vẫn đang sử dụng các thiết bị lạc hậu, kéo tụt hiệu suất sản xuất của toàn dây chuyền. Điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

“Năng suất của toàn nhà máy sẽ phụ thuộc vào khâu có năng suất thấp nhất”, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công Ty TNHH Đại Hữu cho hay. “Dây chuyền sản xuất là một phần của hệ thống, càng kết nối chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp càng khai thác thêm được nhiều giá trị”.

Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp khi quyết định đầu tư thiết bị cần có tư duy chiến lược cho cả hệ thống: từ kinh doanh, thiết kế, vận hành quản trị, rồi mới ra dây chuyền. Đặc biệt, trong dây chuyền cần có sự cân bằng giữa thiết bị mới và cũ.

“Cần phải có tầm nhìn để chọn được mô hình sản xuất kinh doanh đúng, chọn được thiết bị công nghệ tiên tiến, phù hợp. Và quan trọng hơn là hệ thống quản trị, phát triển con người. Làm được điều này, doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự tối ưu được năng suất lao động”, ông Khanh, chủ tịch HAWA nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Thanh cho rằng, máy móc, công nghệ chỉ hỗ trợ và tối ưu hóa sản xuất. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, con người vẫn là chìa khóa quan trọng nhất.

Vũ Dung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293559/khi-cong-nghiep-khong-con-loi-the-lao-dong-gia-re.html