Khi công nghiệp về làng

Đến những làng quê ven khu công nghiệp tại Bắc Giang hôm nay, nhiều người có lẽ không thể hình dung được tốc độ phát triển nhanh chóng đến thế. Một sự 'lột xác' đến bất ngờ, 20 năm mà đã có quá nhiều sự thay đổi ở đây.

Không còn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cũng chẳng còn những ao cá, luống rau mơn mởn, đâu còn thấy đàn trâu nhởn nhơ ngặm cỏ... Thay vào đó là nhà máy, công xưởng, là người - xe, hàng quán tấp nập, ồn ào, đương nhiên kèm theo đó là phát sinh những vấn đề cần quản lý, đó là môi trường, an ninh trật tự...

20 năm mà đã có quá nhiều sự thay đổi ở đây.

20 năm mà đã có quá nhiều sự thay đổi ở đây.

Làng công nhân

Đó đều là những làng quê vốn thuần nông với lịch sử hình thành khá lâu đời với truyền thống văn hóa đặc trưng của miền Kinh Bắc, thế mà nay lại được gắn cho mác “làng công nhân”. Còn nhớ hơn chục năm trước, mỗi lần Nhà nước thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho hoạt động xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhiều gia đình đã không khỏi băn khoăn, thậm chí có người còn phản đối, rồi nghiêm trọng hơn còn phần tử chống đối quyết liệt dẫn đến những đơn thư, khiếu kiện.

Có nhiều lý do dẫn đến sự việc đó, trong đó có một lý do mà nhiều người dân đặt ra, họ lo lắng những bờ xôi ruộng mật bị nhà nước thu hồi hết, rồi sau đây họ sinh sống thế nào, con cháu họ mai này lấy gì để làm ăn khi mà ruộng đồng đã hết? Tất nhiên, lúc ấy Nhà nước, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng có lẽ một số người dân vẫn cứ hoài nghi.

Cũng dễ hiểu cho người dân khi họ chưa biết được mình sẽ phải làm gì khi không có ruộng đất. Họ cũng chưa thể hình dung khi công nghiệp vào sẽ làm thay đổi đời sống của họ thế nào. Có người lo xa hơn bởi nhận một số lượng lớn tiền đền bù ruộng đất mà chẳng biết đầu tư làm ăn gì, xây nhà, mua xe... và sao nữa, “nhàn cư vi bất thiện”, bỗng nhiên họ có nhiều tiền rồi sẽ sinh ra thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội! Thế nhưng, thời gian đã chứng minh cho người dân thấy họ đã quá lo xa và giờ nhiều người chắc hẳn đang thầm cảm ơn bởi Nhà nước đã đưa công nghiệp về địa phương mình.

Bằng chứng là mới chưa đầy hai chục năm kể từ lúc công nghiệp về làng đến nay, chính nhân dân sở tại bị bất ngờ, họ không thể tưởng tượng được công nghiệp đã làm cho quê hương họ thay đổi nhanh đến thế. Vừa tuần trước tôi về xã Nội Hoàng (Yên Dũng) ăn cỗ nhà cô em họ. Mấy năm không về đây nên tìm hỏi mãi mới đến được nhà em.

Nhớ hồi năm 2007 em mới về làm dâu xã này, mấy dì nhà tôi ở quê khi đưa em tôi về nhà chồng còn chê ỏng chê eo, rằng thì là “sao lấy chồng đâu không lấy, lại chọn nơi khỉ ho cò gáy này?”. Lúc ấy đường sá ngoằn nghèo, xung quanh toàn đồi núi heo hút. Thế mà nay mấy dì thấy ngạc nhiên vô cùng, bởi nơi đó đâu còn đơn thuần là một làng quê thuần nông nữa. Nơi đây đã trở thành một khu phố rất sầm uất và sáng bừng lung linh mỗi khi đêm về.

Một ngôi nhà cao rộng với xung quanh là hơn ba chục căn phòng trọ được xây dựng kiểu khép kín để công nhân thuê. Em tôi bảo “Hai vợ chồng em người thì làm việc ở bệnh viện, người là giáo viên, từ ngày các nhà máy lớn trong Khu công nghiệp Vân Trung đi vào hoạt động, nhu cầu thuê phòng trọ của công nhân tăng cao, vợ chồng em bàn nhau đầu tư san gạt khu vườn xây lên mấy dãy nhà trọ, mỗi tháng cũng thu về gần bốn chục triệu đồng. Rồi còn mở thêm một hiệu thuốc Tây, thu nhập gia đình cũng từ đó mà tăng lên nhanh chóng và đã sắm được ô tô...”.

Một góc xã Yên Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Một góc xã Yên Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Một ngày cuối năm, chúng tôi về tổ dân phố My Điền (từ năm 2019 về trước gọi là thôn My Điền) nay thuộc thị trấn Nếnh của huyện Việt Yên, một làng quê vốn trước đây toàn là đồng ruộng thẳng cánh cò bay nhưng nay thay vào đó là những nhà máy, công trình, hàng quán mọc lên san sát. Đây được xem là “làng công nhân” khá đông đúc, sầm uất và rất đông công nhân thuê trọ.

Ngôi làng có lợi thế gần các khu công nghiệp: Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng. Thống kê của địa phương cho thấy, có khoảng 5 nghìn công nhân đến thuê trọ ở khu phố này, cả tổ dân phố hiện có gần 1.000 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ.

Người dân cho biết: Dù đã dành tới 82% đất nông nghiệp cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ nhưng thu nhập của họ lại khá cao. Thậm chí một số hộ còn ruộng nhưng cũng đâu còn thiết tha làm nông nghiệp, bởi họ hiểu rằng khi công nhân đến ở càng đông thì các nhu cầu đáp ứng cuộc sống cho con người càng nhiều nên chuyển sang làm dịch vụ hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều và lại chẳng phải sớm khuya phơi nắng mưa ngoài ruộng.

Đơn cử như vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân 68 tuổi, trước đây có hơn 1 mẫu ruộng. Những năm 2000, số ruộng này được Nhà nước đền bù và thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp. Nhận khoản tiền lớn với canh cánh nỗi lo “mất ruộng rồi đây thế hệ sau lấy gì mà ăn”, bao đêm ông Tuân ngẩn ngơ “Không lẽ đời mình ăn hết cả phần của con cháu?”.

Nhưng, mọi sự lo lắng của gia đình ông Tuân đã được giải tỏa khi các nhà máy công nghiệp mọc lên, công nhân đến ở đông đúc. Có cầu, có cung, người dân nhanh chóng tìm cho mình những kế sinh nhai để không bị hẫng hụt. Họ mở các dịch vụ cho thuê phòng trọ, bán tạp hóa, rau quả, ăn sáng, sửa xe. Lớp trẻ hơn thì xin đi làm công nhân trong các nhà máy. Những người mạnh dạn hơn đầu tư kinh doanh karaoke, internet, bất động sản, cà phê, nhà nghỉ, dược phẩm, làm đẹp...

Chẳng mấy chốc bức tranh kinh tế làng quê này đã “thay da đổi thịt”, nhiều người đã thành những ông chủ, bà chủ quản lý cơ ngơi lớn. Gia đình con trai cả của ông Tuân còn mạnh dạn đầu tư cả tỷ đồng xây khu nhà trọ chất lượng cao, các phòng trọ ấy giúp gia đình thu về mỗi tháng cả trăm triệu đồng.

“Ở đây không thiếu những gia đình thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi tháng, cô bán nước, chị bán rau, bán cá... không khó kiếm từ 5 trăm đến 1 triệu đồng mỗi ngày, vợ chồng tôi đây tuy già và thuộc hộ có thu nhập trung bình của thôn mỗi tháng cũng có gần 30 triệu đồng (chủ yếu từ cho thuê phòng trọ)”, ông Tuân phấn khởi kể. Nghe ông Tuân nói vậy tôi lại nghĩ, nếu không có công nghiệp, bà con vẫn giữ thói quen làm ruộng như cũ thì thử hỏi làm cả năm chưa chắc đã hiệu quả bằng một tháng.

“Đúng là làm ăn ở đất này giờ dễ lắm, cứ mở mắt ra là có tiền, chị bán rau dưa hay bán xôi, bánh mì buổi sáng cũng dễ ra tiền... tính ra mỗi tháng thu nhập của tôi cũng được mấy tấn thóc, làm ruộng nhọc hơn mà đâu được vậy”, một người hàng xóm của ông Tuân nói chêm vào.

Chúng tôi đi dọc trục đường chính rồi xuyên vào trong các ngõ nhỏ ở My Điền, điều dễ nhận thấy ở đây là người xe đi lại rất tấp nập, hầu như chỗ nào cũng gặp hàng quán, quầy dịch vụ từ thượng vàng đến hạ cám như ăn sáng, ăn đêm, thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp, trang sức, tín dụng... Vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều là lúc công nhân đổ ra đường đi làm hoặc tan ca, lúc này lượng người, phương tiện tất bật ngược xuôi càng làm cho khu phố thêm rộn ràng, một nhịp sống hối hả đến ngột ngạt của chốn đô thị.

Còn đó những nỗi lo

Làm ăn, kinh doanh mang lại hiệu kinh tế quả cao cũng là yếu tố khiến giá đất ở những ngôi làng ven khu công nghiệp bị đẩy lên một cách chóng mặt. Vị trí ở ngay cạnh nhà cô em họ tôi ở xã Nội Hoàng - nơi mà xưa kia mấy dì tôi gọi là “khỉ ho cò gáy” ấy, giờ giá đất đã tăng lên nhiều. Đất “sốt” nên cánh “xáo đất”, cò đất ở nhiều nơi cũng bảo nhau về đây ăn trực nằm chờ hòng kiếm lời mau chóng.

Một buổi khác, chúng tôi trở lại My Điền lúc trời đã nhá nhem tối, dưới ánh đèn loang loáng giờ công nhân tan ca, những nhịp chân gấp gáp và mọi giao dịch mua bán diễn ra chớp nhoáng, vội vã. Tiếng loa máy từ các cửa hàng, cửa hiệu thi nhau gào thét tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn và gây cảm giác hết sức khó chịu. Rồi vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường hơn lúc nào hết càng trở cấp thiết.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy.

Ông Nguyễn Xuân Đang từng có thời kỳ làm trưởng thôn My Điền 1 cho hay: My Điền trước đây thuộc xã Hoàng Ninh, năm 2014 tách làm 3 và nay thuộc thị trấn Nếnh với tên gọi tổ dân phố My Điền. Với lượng công nhân thuê trọ lớn, trong đó số này biến động liên tục, nay đến mai đi nên công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, bảo đảm an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đông dân ở, mà phần nhiều là công nhân ở khắp vùng miền đến thuê ở trọ, hằng ngày các nhân công vệ sinh môi trường phải chuyển đi một lượng rác khổng lồ. Cảnh tượng tắc đường đã thường xuyên như cơm bữa.

Cũng theo ông Đang: Người đông đã tạo nên sức ép không chỉ về giao thông, môi trường mà cả an ninh trật tự. My Điền đâu còn thanh bình như xưa và người dân luôn sống cảnh cảnh bất an, cứ chập tối nhà nào cũng đóng cửa im ỉm vì lo sợ an ninh nhộm nhoạm. Trong vòng xoáy đô thị hóa, người đến ở trọ thuộc đủ thành phần xã hội, lối sống thiếu lành mạnh cùng tràn về xâm nhập vào từng ngõ ngách. Những đối tượng xấu lợi dụng trà trộn về tạm trú trong thôn để thực hiện vi phạm pháp luật như cờ bạc, lô đề, trộm cắp, dẫn dắt gái mại dâm, nghiện hút... khiến người dân lo lắng con cháu mình nhiễm thói hư, tật xấu.

Nhiều đêm từng tốp thanh niên “đầu vàng tóc rối” uống rượu xong chạy xe dọc đường bấm còi, rú ga inh ỏi làm cả khu phố thức giấc. Không hiếm gặp các nhóm ẩu đả, thanh toán lẫn nhau, đánh ghen, trộm cắp, số đề, cờ bạc, mất cắp tài sản, trong đó chủ yếu mất xe máy, máy bơm nước, điện thoại, chẳng năm nào công an không bắt được vài vụ đánh bạc.

Có gia đình một hôm mất tới 2 xe máy, hoặc đơn cử như tại nhà trọ gia đình ông Nguyễn Văn Tuân, một nhóm thanh niên xăm trổ ập vào đánh một thanh niên bị thương nặng rồi chúng rút đi nhanh chóng, khi lực lượng an ninh đến thì chúng đã tẩu thoát. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phải tăng cường chỉ đạo lực lượng an ninh làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật; tăng cường lực lượng nắm bắt tình hình, phòng chống tội phạm, chủ động trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Đồng thời phối hợp với công an tập trung giải tán các tụ điểm tệ nạn, phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ nhà trọ...

Những năm gần đây, Bắc Giang được biết đến là địa phương có sức thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khá hiệu quả và đã có nhiều khởi sắc. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tỉnh vươn lên. Thống kê năm 2020, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng đứng đầu toàn quốc, ước đạt 13,02%. Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong đó tập trung nhiều tại huyện Việt Yên với có 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1 nghìn ha; có 1,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 200 nghìn công nhân.

Đặc biệt địa phương đang chủ động đón những làn sóng mới đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tất nhiên, bên cạnh những thời cơ, triển vọng thì cũng có những vấn đề phát sinh khó tránh khỏi cần phải được tăng cường quản lý để sự phát triển được bền vững, hài hòa...

Đông Khánh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/khi-cong-nghiep-ve-lang-625679/