Khi công trình trở thành bẫy 'tử thần'

Quá trình thi công công trình, một số doanh nghiệp, đơn vị thi công do chủ quan đã không chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn, hoặc cắm biển cảnh sơ sài, thậm chí là 'quên' cảnh báo dẫn đến trở thành những cái bẫy 'tử thần' cho người dân. Trong đó, đã có không ít những cái chết tức tưởi, đau lòng.

Ngày 25/11, Thượng tá Dương Quang Tùng, Trưởng Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, liên quan đến trường hợp một thai phụ trú tại xã Bình An tử vong do sa chân xuống hố công trình đang thi công dở dang trên địa bàn xã Phù Lưu, hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà đang phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án để tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này.

Hố công trình đường điện 110kV khiến thai phụ sa chân tử vong.

Hố công trình đường điện 110kV khiến thai phụ sa chân tử vong.

Trước đó, vào sáng 11/11, do gia cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị N. (SN 1988), trú tại xã Bình An, huyện Lộc Hà đi sang khu vực cánh đồng Bịp thuộc địa bàn thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà để bắt ốc. Trưa cùng ngày, do không thấy chị N. trở về nên người nhà và người dân địa phương đã tổ chức tìm kiếm. Khi đến gần khu vực một hố nước sâu ở giữa cánh đồng Bịp thì mọi người bàng hoàng phát hiện chị này đã tử vong từ trước đó.

Được biết, hố công trình nói trên nằm trong dự án xây dựng đường dây điện 110kV Lộc Hà, thuộc danh mục dự án ưu tiên, cấp bách để cấp điện cho khu vực huyện Lộc Hà và vùng phụ cận, hướng tới kết nối mạch vòng cho thành phố Hà Tĩnh trong thời gian sắp tới.

Dự án được khởi công vào tháng 4/2023, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng điện Vneco4, trụ sở tại TP Vinh (Nghệ An). Địa điểm xảy ra tai nạn thương tâm thuộc vị trí cột điện số 47, quá trình thi công do chưa thỏa thuận được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, người dân chưa nhận tiền nên ngăn cản thi công khiến nhà thầu sau khi đào hố rộng khoảng 40m2, sâu hơn 2m rồi để đấy, mưa lớn khiến hố công trình này đầy nước.

Theo lý giải của chủ đầu tư, trước đó đơn vị thi công có cắm biển và căng dây cảnh báo nguy hiểm, nhưng do mưa lớn, trâu bò thả rông vào phá hoại nên có thể thời điểm xảy ra sự việc, các thiết bị cảnh báo này đã bị hư hỏng.

Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Lộc Hà, vào rạng sáng 20/8/2023, anh Bùi Quốc C. (SN 2001) ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim điều khiển xe máy theo hướng từ thị trấn Lộc Hà về nhà, khi đi trên đường Nguyễn Văn Giai, đoạn qua tổ dân phố Xuân Hải thị trấn Lộc Hà thì gặp phải tuyến đường cua, đơn vị thi công dở dang rồi bỏ mặc suốt nhiều năm qua. Do không có biển cảnh báo, anh C. đã lao thẳng vào đoạn đường thi công dở, đâm vào gốc cây bên đường, văng ra khỏi xe dẫn đến tử vong.

Theo người dân địa phương, tại vị trí này trong thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông, phần lớn là do tự ngã hoặc đâm vào hàng cây nằm giữa đoạn đường đang thi công dang dở rồi dừng lại nhưng đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư không có bất cứ biện pháp đảm bảo an toàn nào. Đoạn đường thi công dở dang này thuộc dự án đường cứu hộ, cứu nạn ven biển huyện Lộc Hà, với chiều dài trên 6,5km nối từ thị trấn Lộc Hà đi qua xã Thạch Mỹ đến xã Phù Lưu, với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng.

Dự án do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Đức Quế và Công ty CP Xây dựng Hoàng Thiên, cùng có trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh thi công. Do vướng mặt bằng là một số ngôi mộ nên từ năm 2021 đến nay, mặc dù hai đầu đã thi công xong nhưng tại đoạn qua tổ dân phố Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, khoảng hơn 45m mặt đường chưa thể hoàn thiện, "đứt đoạn" do vướng nhiều ngôi mộ ở nghĩa trang. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhà thầu ngừng hẳn việc thi công nhưng không có bất cứ biện pháp cảnh báo nào khiến vị trí này trở thành cái bẫy chết người đối với các phương tiện tham gia giao thông, nhất là lưu thông với tốc độ cao vào ban đêm vì tuyến đường này chưa được lắp đặt đèn chiếu sáng.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trước đó một đơn vị sau khi đào đất để thi công dự án trên địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên đã tạo nên những chiếc hố “tử thần”. Sau khi công trình kết thúc, đơn vị thi công rút đi nhưng không hoàn thổ, mưa lớn khiến những hố đất này trở thành những cái bẫy chết người và hậu quả khiến một cháu bé 6 tuổi sa chân xuống hố đuối nước tử vong. 3 năm trước, quá trình thi công tuyến đường ven biển đoạn qua thị trấn Lộc Hà, nhà thầu “quên” đậy nắp hố ga mà không có biện pháp cảnh báo khiến bé trai 5 tuổi rơi xuống tử vong thương tâm.

Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ vào tháng 2/2022, tại khu vực công trình mố cầu Rọc Sen thuộc ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị rơi xuống cọc ống bê tông ly tâm D500 đã đóng xuống độ sâu 35m. Sau 21 ngày kiên trì, với nhiều biện pháp cứu hộ được triển khai, thi thể cháu bé mới được đưa lên khỏi hố công trình.

Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình thực hiện các dự án, công trình xây dựng, nhiều đơn vị thi công đã cẩu thả, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp cảnh báo, đảm bảo an toàn cho công nhân và người dân xung quanh tại các vị trí đang thi công, vô hình trung biến công trình trở thành những mối hiểm họa chực chờ.

Những cái bẫy “tử thần” này chủ yếu được hình thành trong quá trình thi công những công trình như các nắp hố ga trên các tuyến đường, hố móng các dự án đường điện cao thế, các dự án khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp (đất, cát) thông thường sau khi thi công nhà thầu “quên” hoàn thổ, trả lại nguyên trạng ban đầu và những công trình đang thi công dang dở thì dừng lại, hoặc trong quá trình thi công nhưng không có các biện pháp cảnh báo an toàn.

Theo lý giải của ngành chức năng, hằng năm tại Hà Tĩnh nói riêng và tại nhiều địa phương trong cả nước, vẫn xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến các dự án, công trình đang triển khai xây dựng. Nguyên nhân do các đơn vị thi công dang dở nhưng không có cảnh báo nguy hiểm, hoặc do chủ quan, tắc trách; song cũng không ít trường hợp tai nạn xảy ra do sự thiếu ý thức của một số người dân. Khi sự việc xảy ra, các đơn vị liên quan mới khắc phục, phối hợp giải quyết sự việc thực chất chỉ là xử lý sự cố chứ không có biện pháp dài hơi.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại các dự án, công trình xây dựng, thiết nghĩ nên có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công trong việc không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn cũng như cảnh báo hiểm họa cho người dân biết để phòng, tránh.

Ngoài ra, đối với một bộ phận nhân dân thiếu ý thức, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo nhưng không hiệu quả, cũng cần có chế tài xử lý thích đáng để răn đe không chỉ cho người vi phạm mà còn cảnh tỉnh đến những người khác. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm liên đới đến chính quyền địa phương nơi thực hiện các công trình, dự án cũng như nâng cao vai trò giám sát của các đơn vị giám sát, tư vấn thi công trong suốt quá trình thực hiện công trình để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả đau lòng xảy ra.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/khi-cong-trinh-tro-thanh-bay-tu-than-i715717/