Khi công ty bảo hiểm đánh đố chủ xe
Công ty Bảo hiểm hàng không Thăng Long yêu cầu chủ xe phải tự thu thập kết luận điều tra của công an, dù vụ việc không có quyết định khởi tố.
Để giải quyết bồi thường cho một vụ cháy ô tô, Công ty Bảo hiểm hàng không Thăng Long yêu cầu chủ xe phải tự thu thập kết luận điều tra của cơ quan công an, dù vụ việc không có kết luận điều tra.
Yêu cầu vô lý
Phản ánh tới Báo Giao thông, anh Đinh Minh Thái Sơn (trú Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ngày 29/12/2022, khi đang điều khiến chiếc xe Hyundai i10 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì thấy có khói ở dưới nắp capo.
Anh và người thân trên xe nhanh chân thoát ra ngoài, chỉ vài phút sau ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt. May mắn không thiệt hại về người, nhưng chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn.
Theo anh Sơn, sau thời điểm vụ cháy xảy ra, ngọn lửa đã tắt nhưng nhiều giờ sau, phía Công ty Bảo hiểm hàng không Thăng Long (VNI Thăng Long) không cử người tới hiện trường giám định tổn thất.
Vụ việc không có thiệt hại về người nên Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chỉ lập biên bản sự việc, không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết bồi thường, phía VNI Thăng Long lại có văn bản đề nghị Công an huyện Phú Xuyên cung cấp tới 7 loại hồ sơ tài liệu, trong đó có “Kết luận điều tra vụ tổn thất”.
Điều đáng nói là giám định viên VNI Thăng Long đã yêu cầu chủ xe phải tự liên hệ với công an viên thụ lý vụ việc để thu thập hồ sơ, theo yêu cầu của VNI Thăng Long.
Anh Thái Sơn cho rằng, việc thu thập hồ sơ bồi thường, trong đó việc xác định nguyên nhân cháy là của bảo hiểm, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng như quy tắc bảo hiểm do VNI ban hành. Vì thế, việc yêu cầu khách hàng phải thu thập hồ sơ là không đúng.
Anh Thái Sơn cũng cung cấp đoạn tin nhắn giữa anh và cán bộ giám định của VNI Thăng Long là ông Trịnh Đặng Hiếu, trong đó có nội dung yêu cầu khách hàng báo công an điều tra nguyên nhân vụ cháy và sau đó gửi bản hướng dẫn thu thập hồ sơ bồi thường xe cơ giới, trong đó có nhưng tài liệu kết luận của cơ quan công an.
Chiều 22/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Đặng Hiếu, cán bộ giám định Công ty Bảo hiểm VNI Thăng Long xác nhận, quá trình làm việc do khách hàng yêu cầu nên đã làm văn bản hướng dẫn chủ xe đến cơ quan công an thu thập tài liệu.
Ngoài ra, ông Hiếu không cho biết tiến độ xử lý vụ việc cũng như các trình tự tiếp theo để giải quyết bồi thường cho khách hàng.
Do những yêu cầu vô lý từ phía công ty bảo hiểm nên đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng, hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm chiếc xe gần 300 triệu đồng của anh Sơn đang rơi vào bế tắc.
Khách hàng bị làm khó
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Công an TP Hà Nội cho biết, việc phía bảo hiểm đề nghị cung cấp “kết luận điều tra vụ tổn thất” là chưa đúng, do vụ việc không có quyết định khởi tố vụ án thì không thể có kết luận điều tra.
Ngoài ra, quy định mới (Khoản 4 Điều 15 Nghị định 03/2021), cơ quan công an chỉ cung cấp bản sao tài liệu trong các vụ TNGT có gây tử vong với bên thứ ba và hành khách.
Như vậy, việc doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị công an cung cấp hồ sơ TNGT trong các vụ việc không gây tử vong, là không đúng quy định hiện hành.
Theo cán bộ công an này, nội dung này phía Cục CSGT đã có công văn trao đổi với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từ năm 2022.
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ bảo hiểm InFair), theo quy định hiện hành (Khoản 1 Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022), trách nhiệm giám định tổn thất, thu thập tài liệu để giải quyết bồi thường là của doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên thực tế, năng lực giám định hiện trường các vụ TNGT của bảo hiểm chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, cả về năng lực nhân sự và mạng lưới giám định viên, bởi vậy các đơn vị bảo hiểm lâu nay vẫn “trông cậy” vào hồ sơ tài liệu do công an cung cấp, làm cơ sở pháp lý cho việc chi trả bồi thường.
“Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động thu thập hồ sơ công an thì họ lại đẩy trách nhiệm này cho phía khách hàng khiến vụ việc rơi vào bế tắc, kéo dài. Hiện nay, người lái xe ô tô đều am hiểu quy định pháp luật về bảo hiểm, nên nhiều trường hợp bị từ chối bảo hiểm thiếu căn cứ, khách hàng gửi đơn khởi kiện thì phía bảo hiểm phải chấp nhận bồi thường”, ông Xuân nói.
Nghị định số 03/2021 quy định, thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (hiệu lực từ 1/1/2023) còn có quy định mới (Khoản 2 Điều 31), theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền lãi chậm trả của số tiền bồi thường bị chậm trả theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm chậm trả.
Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/khi-cong-ty-bao-hiem-danh-do-chu-xe-d582768.html