Khi Covid-19 'đánh úp' thỏa thuận Mỹ - Trung
Không ai có thể dự báo diễn biến sắp tới của dịch bệnh Covid-19 và các tác động về địa chính trị và địa kinh tế cũng khó lường như vậy.
Giai đoạn tiếp theo trong cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ vẫn còn là câu chuyện dài. (Nguồn: Reuters)
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới việc kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài suốt hai năm qua. Tuy nhiên, niềm vui quá ngắn ngủi, chỉ vài ngày sau đó, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã bắt đầu trở nên rõ ràng tại Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn tính toán
Chưa có dấu hiệu ngừng lây lan, từ Trung Quốc, dịch Covid-19 đã có mặt tại 80 nền kinh tế ở các châu lục, hơn 92.900 người đã nhiễm bệnh và hơn 3.150 người tử vong. Điều gì sẽ xảy ra nếu các kịch bản tồi tệ nhất trở thành hiện thực và dịch bệnh này phát triển nhanh hơn so với các biện pháp phòng ngừa mà cộng đồng quốc tế, trong đó có hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang triển khai? Đó là một kịch bản mà các nhà kinh tế đã tính tới, khi đó, hậu quả đối với tăng trưởng chắc chắn sẽ không thể nhanh chóng qua đi.
Bởi vậy, các tuyên bố của Bắc Kinh về giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế thứ hai thế giới có thể được coi là một thiện chí, một quyết tâm lớn của Trung Quốc nhằm thực hiện lời hứa trong Thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thậm chí, Bắc Kinh có thể lợi dụng tình thế và “điều khoản bất khả kháng” trong Thỏa thuận, thậm chí viện dẫn “họ không chỉ cần phải bảo vệ nền kinh tế của mình mà còn tránh kéo kinh tế khu vực và toàn cầu suy thoái” để trì hoãn không thực thi đầy đủ các cam kết với Mỹ.
Dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng tiếp tục các thỏa thuận khác sau Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, rõ ràng là họ không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ trong tình cảnh này. Covid-19 được cho là đã giáng thêm đòn chí mạng vào nền kinh tế đang vật vã vì hai năm thương chiến. Việc buộc phải thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh đã khiến phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào trạng thái tê liệt.
Còn với Mỹ, cán cân quyền lực có thể tạm thời biến đổi theo hướng có lợi hơn. Có thể vì lợi ích lâu dài, Washington chắc sẽ không lợi dụng triệt để tình thế khó khăn của Trung Quốc để giải quyết việc riêng. Nhưng mọi cố gắng và tâm huyết đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump, cũng như các lợi ích căn bản chắc chắn không thể dễ dàng bị bỏ qua.
Người Mỹ vẫn thực dụng
Ở giai đoạn 1, nếu người Mỹ đang ở "kèo trên", nắm thế chủ động trên bàn đàm phán, thì nay, dù có điều gì xảy ra, họ vẫn sẽ tận dụng mọi lợi thế để tạo sức ép đối với đối tác và cũng là đối thủ cạnh tranh số 1, chỉ là sớm hay muộn. Washington chắc chắn vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Bằng chứng mới nhất là việc “ăn miếng trả miếng” trong vụ trục xuất các nhà báo cho thấy rõ, người Mỹ thật sự thực dụng, việc nào ra việc đấy, vẫn sẽ tiếp tục dùng sức ép buộc Bắc Kinh thực hiện những gì đã hứa.
Nếu cố vấn thân cận của Tổng thống Trump Peter Navarro từng nhấn mạnh ý tưởng “Washington xóa bỏ thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc khi dịch bệnh Covid-19 đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” là vớ vẩn; Thì đúng lúc Bắc Kinh còn rối bời trong “ma trận” Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng, ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ giữ đúng lời hứa tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, những vấn đề nan giải và những đánh đổi mà Trung Quốc đang phải đối mặt lại nhiều và phức tạp hơn. Các vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do sự cạnh tranh chiến lược gia tăng với Mỹ. Cuộc chiến thương mại chính là một “thiên nga đen” đối với Bắc Kinh, họ đã không thể dự báo trước, cũng không thể dự tính hết hậu quả. Vẫn còn phải chờ xem liệu sức ép mà cuộc chiến thương mại gây ra có đủ để làm chất xúc tác cho các thay đổi hay không.
Trung Quốc đã có một số bước đi nhằm đáp ứng khiếu nại của Mỹ, tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề nằm ở việc thực hiện. Một số thay đổi về cấu trúc đối với nền kinh tế Trung Quốc mà chính quyền Trump đòi hỏi sẽ tác động tới cái gọi là cốt lõi trong thể chế. Và Trung Quốc thì không thể đầu hàng, bởi vậy giai đoạn tiếp theo trong quá trình “cọ xát” Mỹ -Trung vẫn còn là câu chuyện dài.
Trong bối cảnh triển vọng u ám do Covid-19, chứng khoán Mỹ ít nhất sẽ lại đón nhận một cú hích mới? (Nguồn: AFP)
Vấn đề người ta quan tâm nhất hiện nay là kinh tế toàn cầu có thể chống chịu ra sao trước Covid-19. Đối với các nhà đầu tư, nỗi lo lớn nhất chính là thị trường tài chính Mỹ. Nếu dịch bệnh lan rộng và nước Mỹ rơi vào tình trạng tương tự như Trung Quốc, hệ thống tài chính thế giới có thể sẽ đứt mạch. Đây sẽ không chỉ là thảm họa cho nền kinh tế thế giới, mà họ sẽ chính là “vật tế thần” đầu tiên.
Tuy nhiên, chẳng ai nói trước được điều gì khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát khó lường, bóp nghẹt kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy... Nó hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Mỹ. Mảng tiêu dùng sôi động vốn giúp Mỹ tránh suy thoái trong những thời điểm khó khăn, nhưng việc người dân hạn chế đến nhà hàng, trung tâm mua sắm và sân bay… do Covid-19 sẽ đặt nền kinh tế số một vào tình huống khác.
Nhưng đó là trường hợp xấu nhất. Còn hiện tại kỳ vọng vào nước Mỹ vẫn khá lớn. Nền kinh tế Mỹ vẫn sáng sủa. Fed đã tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ, chính thức hạ lãi suất dù chưa tới phiên họp - điều chưa từng xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008… và chứng khoán Mỹ ít nhất sẽ lại đón nhận một cú hích mới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-covid-19-danh-up-thoa-thuan-my-trung-110889.html