Khi cuộc đàn áp Huawei của Hoa Kỳ trở thành cứu cánh cho cuộc đua 5G của Nhật Bản

Là quốc gia phát minh ra chiếc điện thoại di động được trang bị camera đầu tiên trên thế giới cách đây hai thập kỷ, nhưng Nhật Bản lại hụt hơi trong cuộc đua 5G với Trung Quốc. Rất may, hành động đàn áp Huawei của Hoa Kỳ đã vô tình trao cơ hội có một không hai cho Nhật Bản.

Jun Sawada, giám đốc điều hành của Nippon Telegraph & Telephone Corp., cho biết các bước của Hoa Kỳ để loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G đã mang lại cho công ty của ông cơ hội thành công trên thị trường. Ảnh: BLOOMBERG

Khi Nhật Bản phát minh ra chiếc điện thoại di động được trang bị camera đầu tiên trên thế giới cách đây hai thập kỷ, nó báo hiệu một bước đầu tiên nhưng quan trọng trong việc biến điện thoại thành một thiết bị đầu cuối thông tin không dây tốc độ cao tinh vi.

Hai thập kỷ sau, khi thế giới phát triển mạng 5G nhanh hơn hàng chục nghìn lần, quốc gia tiên phong trong số những công nghệ này gần như vắng bóng hoàn toàn. Mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị cầm tay dành cho người tiêu dùng sau khi bỏ lỡ sự chuyển dịch sang điện thoại thông minh, các thương hiệu Nhật Bản cũng đã tụt lại phía sau các công ty nước ngoài khác như Nokia Oyj, Ericsson AB và đặc biệt là cái tên đến từ Trung Quốc Huawei Technologies Co. trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G.

Ba nhà sản xuất đó kiểm soát gần 80% thị phần trạm gốc 5G, theo công ty nghiên cứu TrendForce. Nhưng các công ty Nhật Bản đã được trao một cứu cánh bất ngờ bởi cuộc đàn áp do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Huawei, công ty Trung Quốc đi đầu trong việc triển khai công nghệ.

Với việc các đối tác Hoa Kỳ đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ các quốc gia thân thiện hơn, các nhà cung cấp ở quốc gia được coi là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản đột nhiên có vẻ hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà mạng trên thế giới đang chạy đua nâng cấp mạng lưới của họ.

"Hoa Kỳ đã mang lại cơ hội cho chúng tôi", Jun Sawada, giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông hàng đầu Nhật Bản NTT cho biết khi nói về sự đàn áp của Hoa Kỳ với Huawei.

Cơ hội 5G có thể giúp những công ty như NEC Corp., Fujitsu Ltd. và các nhà sản xuất thiết bị mạng khác xâm nhập mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang không ngừng phát triển. Nhận thức được điều này, đầu năm nay chính phủ Nhật Bản cũng đã cung cấp hàng tỷ yên hỗ trợ cho một số nhà cung cấp để xây dựng các công nghệ 5G và sau 5G.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9, chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga đã tăng cường, coi lĩnh vực này như một trong những trụ cột để tăng trưởng.

"Để dẫn đầu toàn cầu về công nghệ thế hệ tiếp theo bao gồm hậu 5G và 6G, chính phủ sẽ dẫn đầu phụ trách nghiên cứu và phát triển", ông Suga cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 4 tháng 12, công bố hơn 1 nghìn tỷ yên chi tiêu trong ngân sách bổ sung sắp tới cho các công nghệ bao gồm cả không dây.

Sau khi cấm lắp đặt thiết bị 5G của Huawei từ tháng 9 tới, Vương quốc Anh đã mời NEC và Fujitsu, cũng như Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc hỗ trợ triển khai 5G. NTT vào tháng 6 đã đồng ý mua lại 5% cổ phần của NEC, hợp tác để cùng phát triển công nghệ 5G.

Trong một báo cáo về chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh vào tháng trước, Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh Oliver Dowden lưu ý rằng quyết định loại bỏ Huawei sẽ khiến đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào hai nhà cung cấp, Nokia và Ericsson, để cung cấp cơ sở hạ tầng 5G quan trọng.

“Điều này sẽ có thể có rủi ro và không thể chấp nhận được”, Dowden viết. Chiến lược được đưa ra là kế hoạch thu hút các nhà cung cấp mới để Anh 'không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào'.

Cổ phiếu của NEC đã tăng khoảng 19% trong năm nay, trong khi Fujitsu đã tăng gần 35%, mặc dù mức tăng phần lớn được hỗ trợ bởi kỳ vọng về vai trò của họ trong kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực công Nhật Bản của Thủ tướng Suga.

Mô hình mở

Những nỗ lực ban đầu của Nhật Bản nhằm thống trị không gian Internet di động đã thất bại thảm hại, với dịch vụ truy cập Internet I-mode được kiểm soát chặt chẽ của NTT Docomo Inc. không thể bắt kịp trong thời đại các tiêu chuẩn internet mở. Từ Betamax đến Blu-Ray, các công ty Nhật Bản hiếm khi được nhắc đến như là nền tảng mở, nhưng hiện nay họ đang áp dụng khái niệm này để giành lại những điểm đã mất trong bối cảnh thách thức của Huawei.

NTT Docomo là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh O-RAN, một nhóm đang thúc đẩy mạng truy cập vô tuyến mở (RAN) - một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông kết nối thiết bị của người dùng với mạng rộng hơn.

Theo truyền thống, các nhà cung cấp sẽ cung cấp RAN và mạng lõi cùng nhau, và khi các mạng trở nên phức tạp hơn, chỉ những nhà cung cấp lớn nhất mới có thể cung cấp trọn gói. Lợi thế đó đã dần được tích lũy cho các hãng như Nokia, Ericsson và Huawei.

Sawada, người đã trả lời phỏng Nikkei đầu năm nay, giải thích: “Từ quan điểm của các nhà mạng, việc thuê Huawei rất dễ dàng. Họ sẽ làm mọi thứ cho bạn".

Ông ví cách tiếp cận tích hợp theo chiều dọc này với cách tiếp cận của Apple Inc., so với cách tiếp cận của Microsoft trong PC hoặc Google trên điện thoại thông minh. Mô hình mở nhằm mục đích phá vỡ điều này và cung cấp cơ hội cho các nhà sản xuất nhỏ hơn.

Shinji Moriyuki, một nhà phân tích tại SBI Securities Co. cho biết: “Khái niệm O-RAN là ổn, nhưng Nokia và Ericsson sẽ không đơn giản chỉ im lặng và đứng yên. Họ có thể có động thái lớn sau khi liên minh O-RAN giảm giá”.

'Cơ hội lớn'

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận động chống lại sự tham gia của Huawei vào mạng 5G kể từ năm 2018, kêu gọi các đồng minh tẩy chay thiết bị 5G của công ty này. Nhật Bản có 'cái kim khó luồn' hơn một số nước khác khi nước này phụ thuộc vào Mỹ về an ninh quốc gia nhưng cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu của mình.

Sawada nói: “Trung Quốc và Mỹ đều là những nước mạnh. 'Điều khó khăn nhất có thể xảy ra đối với Nhật Bản là họ phải dung hòa trong mối quan hệ này".

Rakuten Inc., gã khổng lồ thương mại điện tử đang xây dựng mạng điện thoại di động của mình ở Nhật Bản để thách thức những đối thủ lâu đời tại đây, đã chấp nhận O-RAN cho mạng 4G và 5G của mình. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hiroshi Mikitani đã nói trong một hội nghị vào tháng 11 rằng ông đặt mục tiêu xuất khẩu công nghệ mạng ra nước ngoài và nhận thấy giá trị của nó 'dễ dàng vượt quá 1 nghìn tỷ yên.'

Mô hình mở cũng được coi là củng cố vị thế đàm phán của các nhà mạng trong các hợp đồng xây dựng mạng 5G, với các nhà viễn thông có thể lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp. Nó cũng tạo cơ hội cho các nhà cung cấp tích hợp hệ thống, những công ty Nhật Bản vốn nổi trội hơn.

Takahito Tokita, Giám đốc điều hành của Fujitsu cho biết: “Theo đuổi mô hình mở này nhằm tăng tính cạnh tranh và xem chúng tôi có thể đạt được bao nhiêu là một thách thức lớn. Đầu năm nay, Fujitsu đã ký một thỏa thuận bán công nghệ 5G cho Dish Network Corp., công ty đang xây dựng mạng riêng của mình sau khi mua lại mảng kinh doanh không dây Boost từ T-Mobile U.S. Inc.

Ông nói: “Đây là một thị trường trị giá hàng tỷ đô la. Ngay cả một tỷ lệ nhỏ trong số đó cũng là một cơ hội lớn cho chúng tôi". Ông cũng lưu ý thêm rằng Fujitsu vẫn không hơn gì một “chú gà con mới sinh” khi đem so với Nokia.

Các công ty của Nhật Bản từng được giới phương Tây nhắc đến theo cách tương tự như các công ty Trung Quốc hiện nay, hợp tác quá chặt chẽ với chính phủ trung ương và hưởng lợi từ các lợi thế cạnh tranh không công bằng.

Nhưng nhiều thay đổi trong kinh doanh Nhật Bản kể từ khi chiếc điện thoại có camera đầu tiên được tung ra thị trường - với nhà sản xuất Sharp Corp hiện thuộc sở hữu của một công ty Đài Loan, một điều gần như không thể tưởng tượng được chỉ một thập kỷ trước. Kỷ nguyên 5G và hơn thế nữa có thể chỉ ra cho các công ty của mình cách chống lại các đối thủ lớn hơn bằng cách tiếp cận cởi mở hơn.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-cuoc-dan-ap-huawei-cua-hoa-ky-tro-thanh-cuu-canh-cho-cuoc-dua-5g-cua-nhat-ban-post108826.html